Cơ cực cảnh làm ''vợ chay''
Mang tiếng là sống chung một mái nhà nhưng gần nửa năm trời, Liên không được chồng "động" vào người. Mọi người không thể biết được vợ chồng cô đã đoạn tuyệt chăn gối từ lâu.
Ảnh minh họa |
Liên (Long Biên, Hà Nội) đã kết hôn được 5 năm và có hai con gái. Chồng Liên làm ăn bên ngoài và có "bồ” từ khi cô mang bầu bé thứ hai. Từ đó, anh đi cả ngày, có tối thì ngủ lại với nhân tình, có tối thì về nhà. Liên có khuyên can thì bị chồng chửi bới thậm tệ. Cả bố mẹ chồng và cả nhà chồng cùng vào cuộc nhưng chồng Liên vẫn không có chuyển biến. Nhà chồng bất lực buông tay, Liên cũng không còn niềm tin với người chồng bội bạc nên cô ôm con ra ngoài thuê nhà sống.
Được một tháng thì con lớn ốm sốt, tiền tiết kiệm cứ vơi dần trong khi chồng nhất định không đưa tiền nuôi con. Ông bà ngoại ở quê đã già yếu, đồng lương kế toán cho một cơ quan nhà nước không đủ lo cho hai con, Liên đành xuôi lòng mang con trở về nhà chồng – theo lời mẹ chồng.
Ngoại trừ tiền lương của chồng, Liên không được có ý kiến với cuộc sống của chồng. Chồng đi đâu, làm gì, mấy giờ chồng về là quyền của chồng, vợ không được can thiệp. Buồn vì chồng hắt hủi khi mới ngoài 30, thỉnh thoảng, Liên có gặp gỡ nhóm bạn, trong đó có người yêu cũ của cô sau giờ làm việc. Thế nhưng, chồng Liên biết chuyện và điên lên vì ghen tuông. Người ta ghen vì yêu vợ, còn chồng Liên ghen vì ích kỷ mù quáng. Anh này không đoái hoài với vợ nhưng cũng quyết không cho vợ “vui vẻ” với người đàn ông khác. Từ đó, Liên bị chồng chửi rủa và bị quản lý gắt gao hơn.
Có chồng nhưng chị Thùy (42 tuổi, Bắc Ninh) đã chăn đơn gối chiếc gần 5 năm nay. Mỗi tháng, chồng chị “quẳng” cho vợ 3 triệu, gọi là tiền nuôi con. Bây giờ, kinh tế suy thoái, anh mới đóng góp thế chứ vài năm về trước, anh chỉ đưa cho vợ 1-1,5 triệu/tháng. Bình thường, chồng chị Thùy đi suốt. Anh hầu như không ăn cơm cũng ít khi ở nhà. Nếu phải ngủ, anh cũng ngủ riêng phòng ở trên tầng 3. Mọi công việc trong nhà, chị lo hết, từ việc thuê người sửa ống nước bị vỡ đến việc sắm sửa đồ đạc. Nếu có ngỏ ý nhờ chồng giúp, chị sẽ bị anh cau có và buông ra những lời khó nghe.
Nhiều lần, cậu con trai 14 tuổi của chị khuyên mẹ ly hôn (chồng chị không đoái hoài đến con nên con cũng không ưa bố). Nhưng vì anh chưa bao giờ đánh chửi vợ con nên chị không đành ly hôn. Cắn răng sống như thế nhưng không ít lần, đang đi giữa đường, chị Thùy phải dừng xe khóc vì tủi thân.
Chị Duyên (Bình Dương) kết hôn, sống khá đầm ấm được gần 8 năm nhưng gần năm nay, chị cũng không còn được chồng chiều “chuyện đó”. Một lần chồng đang trong nhà vệ sinh thì có một cuộc điện thoại. Chị nhấc máy thì đầu dây bên kia phát ngôn một tràng yêu thương mùi mẫn, đặc sệt... giọng đàn ông. Choáng váng, chị tra hỏi thì chồng thú nhận là anh đồng tính. Anh còn xin vợ hãy để anh được sống với đúng con người thật của mình. Chị Duyên khóc dở vì ngoài chuyện đó, anh vẫn là chồng tốt.
Anh chăm sóc và quan tâm đến đời sống tình cảm của vợ, chỉ có "chuyện đó" là anh luôn tìm cách “trốn”. Ly hôn không được mà sống “chay” với chồng thì quá khổ tâm, chị Duyên cảm thấy rất bế tắc.
Hạnh phúc không trọn vẹn
Chuyện phòng the là một phần không thể thiếu trong cuộc sống vợ chồng. Hạnh phúc chỉ viên mãn khi vợ chồng được quan tâm, sẻ chia và hài hòa về tình dục. Nếu vì một lý do nào đó, người vợ bị chồng “bỏ rơi” trong chính ngôi nhà của mình thì họ sẽ đau khổ vô cùng.
Khi đó, người chồng có thể tìm tình bên ngoài để thỏa mãn “nhu cầu” của bản thân. Còn người vợ thì việc quan hệ với một người đàn ông khác không đơn giản như thế. Họ còn chịu nhiều thành kiến về mặt xã hội vì dù sao, xét về mặt luật pháp, người đàn ông dù có xấu xa đến mấy cũng là chồng của họ.
Người phụ nữ có thể nhún nhường, nhẫn nại chờ đợi chồng thay đổi nhưng không nên cố triệt tiêu mọi ham muốn của bản thân. Người vợ nên tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục để vợ chồng thắp lại ngọn lửa gối chăn. Trường hợp không thể thay đổi, người vợ nên tìm cách bảo vệ giá trị của bản thân mình vì ai cũng đáng được trân trọng, được người bạn đời tôn trọng về cả thể chất và tinh thần.
Theo Mevabe