Lễ cưới của "nữ hoàng trượt băng" Hàn Quốc Kim Yuna và chồng vào tháng 10/2022. |
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc công bố vào ngày 20/3, trong số 148.288 cặp kết hôn lần đầu vào năm 2022, có 28.781 đôi, tương đương 19,4%, cô dâu lớn tuổi hơn chú rể.
Như vậy, cứ 5 phụ nữ ở xứ kim chi thì có một người lấy chồng trẻ hơn.
Kim Yuna (33 tuổi), vận động viên trượt băng nghệ thuật giành huy chương vàng Olympic, cùng ca sĩ Ko Woo-rim (28 tuổi) là một trong những cặp vợ chồng mới cưới nằm trong nhóm này.
Trong đó, có 12.983 đôi, chiếm 8,8% tổng số, là nam nhỏ nữ một tuổi. Đây là lần đầu tiên số lượng các cặp chênh nhau một tuổi vượt qua nhóm cách 4 tuổi.
Năm 1990, con số tương tự là 48.531, tương đương 13,6% tổng số vợ chồng mới cưới.
Theo truyền thống của người Hàn Quốc, việc người đàn ông hơn “nửa kia” 4 tuổi là hoàn hảo. Một phần do quan niệm về vận may hôn nhân phương Đông cho rằng số 4 là độ tuổi chênh lệch đẹp nhất dành cho các cặp lệch tuổi.
Việc phụ nữ có sự nghiệp ổn định tăng dần có thể góp phần vào xu hướng lấy chồng trẻ hơn. Ảnh: AP. |
Ngày càng có nhiều phụ nữ kết hôn với đàn ông trẻ hơn, theo Korea Herald. Vào năm 2012, 68,2% cặp mới cưới có chú rể lớn tuổi hơn cô dâu trong khi xu hướng ngược lại chỉ ghi nhận 15,6%.
Những người còn lại sinh cùng năm dựa theo tiêu chuẩn của xứ củ sâm. Đến năm 2022, nhóm 1 có 64,4% trong khi nhóm còn lại là 19,4%.
Theo phân tích của các chuyên gia, số phụ nữ có công việc ổn định hoặc tình trạng tài chính tốt tăng dần theo thời gian có thể đóng một vai trò dẫn đến trong tình trạng này.
Hiện nay, nữ giới sẵn sàng kết hôn với “nửa kia” có điều kiện kinh tế tương đối thấp hơn, không giống như trước đây khi người nam thường là trụ cột chính trong gia đình.
“Đa số đàn ông lớn tuổi có địa vị xã hội và tài sản nhiều vẫn thích các cô gái trẻ trung. Giống như ‘cánh mày râu’, phái đẹp cũng ngày càng chọn bạn đời dựa trên ngoại hình và độ tuổi hơn là vị thế của đối phương”, Shin Min-ho, CEO của một công ty hẹn hò, cho biết.
Phụ nữ kết hôn muộn hơn có thể là một yếu tố khác dẫn đến sự thay đổi. Độ tuổi trung bình của các cô dâu kết hôn lần đầu là 24,8 vào năm 1990. Con số này đã tăng lên 26,5 (năm 2000), 28,9 (năm 2010) và 31,3 (năm 2022).
Tâm lý từ chối hôn nhân và quyền làm mẹ của nhóm này đang tạo ra xu hướng mới, được gọi là cuộc "đình công sinh nở" hay "đình công hôn nhân", theo New York Times.
Không chỉ người trung niên, thanh niên Hàn Quốc cũng có nhiều lý do từ chối lập gia đình, bao gồm giá bất động sản vượt sức chi trả, tiền nuôi con đắt đỏ, triển vọng việc làm u ám và văn hóa công sở căng thẳng.
Điều này dẫn đến tỷ lệ sinh tụt dốc mạnh khiến xứ củ sâm có số điểm là 0,78, thấp nhất trong số các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Thí nghiệm sự bền chặt của các đôi
Trong cuốn Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy của tác giả David McRaney, nhà tâm lý học James Graham đã làm một thí nghiệm và đi tới kết luận rằng bởi vì con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi được kết hợp, học hỏi từ người yêu, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.