Chỉ cần học, không cần làm?
Những năm còn học lớp dưới, Hoài Linh thường lấy cớ bận học bài, không quan tâm đến việc nhà. Ngay cả những việc như giặt, xếp quần áo, lo việc ngày mai mình mặc gì, dây buộc tóc để ở đâu... cũng có người lớn lo hộ.
Quen được chơi, nên khi lớn lên Linh lại hấp dẫn vào những câu chuyện hấp dẫn trên mạng. Linh bao biện, những người đang tuổi được ăn, được chơi thì không phải làm việc gì. Cô dùng mọi lý do để thoái thác việc nhà và cho rằng, những việc lặt vặt ấy tẻ nhạt, nhếch nhác và bẩn.
Ảnh minh họa. |
Ngoài thời gian đi học, Linh xem tivi hoặc nằm dài, lên mạng lướt web. Những bộ phim dài tập, những câu chuyện không đầu, không cuối trên mạng Facebook cuốn hút khiến cô quên giờ giấc.
Được làm những điều tự do, điều mình thích, nên khi bị ai sai việc, cô thấy khó chịu. Sự lười biếng, ngại việc cứ thế lớn dần. Lớp 8, cô cao và nặng hơn cả mẹ, nhưng lại phó mặc việc nhà cho mẹ và những người khác. Điều đó khiến cha mẹ cô buồn và đau đầu. Khi bị quát mắng, cô gái giả vở cắm cúi vào bài vở.
Không kết thân
Thời gian rảnh rỗi quá nhiều, nhưng càng lớn, cô lại luôn miệng than chán, cô độc, nhàm tẻ. Linh lún sâu vào cuộc sống ảo trên Internet. Những câu chuyện buồn, vui, bế tắc trên mạng tác động mạnh đến cô.
Lối sống lười nhác, ỷ lại ở nhà của Linh còn lây lan cả đến tập thể lớp. Cô không tham gia bất cứ hoạt động nào của lớp như trực nhật, quét dọn nhà.
Khi bạn đến nhà chơi, Linh quen miệng sai bảo “lấy cho tôi hộp sữa”, “đưa cho tôi quyển vở”... khiến các bạn thấy không thoải mái. Những người thân thiết xa dần Linh. Chỉ còn lại vài người chung tính cách. Biết chuyện, phụ huynh các bạn sợ bị ảnh hưởng nên nhắc con không chơi thân, không đến gần Linh. Và rồi từ một cô gái xinh đẹp hồn nhiên thuở nào, Linh trở nên xấu xí, cô đơn chỉ vì... lười.