Câu chuyện thầy giáo dạy Ngữ văn, chủ nhiệm lớp - Phạm Quốc Đạt - bị đình chỉ công tác giảng dạy, chuyển sang làm văn phòng thu hút sự chú ý của dư luận.
Một trong những nguyên nhân khiến thầy Đạt bị kỷ luật là cho học sinh tái hiện một số cảnh ân ái khi sân khấu hóa các tác phẩm văn học "Bỉ vỏ", "Quan Âm Thị Kính", "Số Đỏ", cũng nhận được nhiều tranh cãi.
“Dung tục, vượt quá giới hạn sáng tạo” là định nghĩa mơ hồ
Sau khi nghiên cứu Quyết định về việc giải quyết khiếu nại của thầy Phạm Quốc Đạt và Quyết định xử lý kỷ luật viên chức có hành vi vi phạm kỷ luật của trường THPT Võ Trường Toản, luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Công ty Luật TNHH Huỳnh Phước Hiệp và cộng sự), nhận định nhiều thông tin trong quyết định chưa phù hợp.
Các hành vi được cho rằng do thầy Đạt thực hiện phải nói rõ còn hiệu lực hay không? Có vi phạm Nghị định số 27/2012/NĐ-CP Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức hay không?
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp -Công ty luật trách nhiệm hữu hạn Huỳnh Phước Hiệp - cho rằng nhiều điều tại quyết định kỷ luật chưa phù hợp. Ảnh: NVCC. |
Nếu thông tin không thuyết phục, tòa án cũng không thể lấy làm căn cứ sử dụng được. Hiệu trưởng nhà trường nên cung cấp thông tin rõ ràng trước dư luận. Trong khi đó, nhà trường xử phạt thầy Đạt ở mức độ 2, “cảnh cáo”, là khá nghiêm trọng.
Theo ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản, quyết định kỷ luật thầy Đạt là cả quá trình dài. Trong đó, giáo viên này trễ giờ dạy 16 lần, vắng dạy 3 lần, có lời lẽ xúc phạm giáo viên khác trước mặt học sinh. Tại hội nghị cán bộ công chức năm 2019, thầy có lời xúc phạm lãnh đạo nhà trường.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho rằng những thông tin trên phải chỉ rõ sự việc diễn ra cách đây bao lâu, thầy Đạt đi trễ bao nhiêu phút, xảy ra vào thời điềm nào, câu nói cụ thể là gì, diễn ra trong tình huống nào, chứ không thể nói chung chung.
Từ những điều trên, luật sư cho rằng các cơ sở giáo dục khi có quyết định kỷ luật viên chức cần làm việc thuyết phục, tham khảo ý kiến luật sư để đưa ra được thông tin cụ thể, rõ ràng. Bởi lẽ, quyết định kỷ luật cũng giống như một “bản án” với nghề nghiệp của cá nhân.
Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp, câu nói trên chỉ “định hướng suy nghĩ”, chứ không phải “xúc phạm”.
Từ những phân tích trên, luật sư Huỳnh Phước Hiệp nêu quan điểm nhà trường xử lý kỷ luật thầy Đạt là thiếu căn cứ. Bởi các khái niệm dung tục; vượt quá giới hạn sáng tạo không có định nghĩa mà mỗi người có thể hiểu theo một cách mơ hồ.
Muốn đánh giá kết quả sáng tạo của thầy Đạt cần phải có hội đồng chuyên môn nhiều ngành nghề tâm lý, giáo dục, văn hóa… họp và quyết định. Nhà trường cho rằng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tôi chưa thấy hậu quả gì nghiêm trọng cả.
Học sinh lớp 9 đã được học kiến thức về sinh sản, xem hình ảnh các cơ quan sinh dục. Đến lớp 11, kiến thức về giới tính là bình thường với các em. Cần phải đứng ở góc nhìn của học sinh lớp 11 kết hợp kiến thức chuyên môn để đánh giá kết quả sáng tạo của thầy Đạt mới đúng.
Quyết định cảnh cáo thầy Phạm Quốc Đạt của nhà trường. Ảnh: M.N. |
Luật sư Hiệp bày tỏ giáo dục, sáng tạo thì không có giới hạn. Tuy nhiên, sáng tạo phải để giáo dục và mang lại kết quả tốt, còn sáng tạo mà không hướng đến giáo dục thì không nên. Như thế nào là sáng tạo cũng là khái niệm chưa có định nghĩa chính xác.
"Các cơ quan quản lý giáo dục nên có cái nhìn tích cực, giúp đỡ hỗ trợ giáo viên, học sinh sáng tạo, chứ không nên hạn chế sáng tạo khi nói đến vấn đề nhạy cảm. Với tư cách luật sư, tôi cũng không biết kết quả sáng tạo của thầy Đạt là tốt hay không, bởi vì không được đào tạo chuyên môn về giáo dục phổ thông và cũng chưa có nghiên cứu về lĩnh vực này", luật sư Hiệp nói.
Ông đề xuất Sở GD&ĐT TP.HCM nên lập hội đồng chuyên môn để phân tích, đánh giá. Cần phải trân trọng chất xám của giáo viên thì học trò mới hưởng được nền giáo dục tốt. Chúng ta nên trả lại cho người dạy cái tên “thầy giáo”, “cô giáo” vốn có, chứ đừng biến họ thành “thợ dạy”.
Phạt thầy giáo là triệt tiêu sự sáng tạo
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho hay ông đã xem rất kỹ đoạn video của thầy giáo và học sinh cùng thực hiện. Clip nói về nhân vật Tám Bính là gái mại dâm - một số phận rơi vào tận cùng đáy trong xã hội, dưới ngòi bút hiện thực phê phán trong tác phẩm "Bỉ vỏ" của tác giả Nguyên Hồng.
Nêu quan điểm văn học là nhân học, dạy làm người, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho hay bằng nhân sinh quan, thẩm mỹ, giáo viên Phạm Quốc Đạt đã sử dụng sân khấu hóa là cách truyền tải những gì gần gũi, dễ tiếp nhận nhất đến với trái tim các em. Học sinh rất hào hứng với cách dạy và học này.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định thầy Phạm Quốc Đạt có cơ sở kiện hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản. Ảnh: NVCC. |
“Ở nước ngoài, các trường còn dạy học sinh dùng bao cao su bảo vệ sức khỏe, có nên quan hệ tình dục trước hôn nhân hay không, hậu quả là gì. Chúng ta lại cấm giáo viên sáng tạo bằng cách quy kết là nhạy cảm. Tôi buồn vì nền giáo dục của chúng ta không tiến xa hơn được vì những tư tưởng lạc hậu này”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, theo Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, và đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung 2009) có nêu: Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại.
Từ đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng thầy Phạm Quốc Đạt, nhân viên trường THPT Võ Trường Toản (TP.HCM), có cơ sở kiện hiệu trưởng vì đã xâm phạm đến quyền của giáo viên.
Tranh cãi giới hạn sáng tạo trong dạy học
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, TP.HCM, cho rằng: "Đồng ý phải có ranh giới giữa sáng tạo và dung tục nhưng chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật rằng ngày nay, học sinh có thể xem những cảnh quan hệ tình dục ở phim ảnh, trên mạng.
Nếu thầy cô, phụ huynh cứ e dè khi nhắc đến những điều này, việc giáo dục giới tính ở nhà trường không được trọn vẹn. Tương tự, những phân cảnh hãm hiếp, ân ái được dàn dựng bằng kỹ thuật ánh sáng, sau một tấm màn rất sáng tạo thì sao chúng ta lại dè chừng?"
Ngược lại, cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn Văn trường THPT Trưng Vương, TP.HCM, cho hay: "Sáng tạo là cần thiết, nhưng sáng tạo giống một con diều, cần sợi dây để níu giữ. Nếu phải chọn sân khấu hoá tác phẩm 'Hạnh phúc một tang gia', mình sẽ thể hiện những cảnh nhạy cảm theo một cách khác nhẹ nhàng hơn, có những thứ không nhất thiết phải làm rõ ràng quá vì tuổi của các em còn nhỏ".