Trong nhóm 8 của đội 2 đội hình phun khử khuẩn phản ứng nhanh ở TP.HCM, Nguyễn Lê Ngọc Ánh (sinh năm 2003) là thành viên nhỏ tuổi nhất. Cô vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào ĐH Hoa Sen.
Tuy có vóc dáng nhỏ bé, chiều cao 1,52 m, cô gái 17 tuổi nhiệt tình tham gia hoạt động của nhóm trong nửa tháng qua.
Ánh là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm 8 thuộc đội 2 đội hình phun khử khuẩn phản ứng nhanh ở TP.HCM. |
Chia sẻ với Zing, Ánh cho biết cô trở thành tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch từ ngày 29/7 và may mắn được gia đình ủng hộ.
“Trong thời gian ở nhà chán quá, mình tham gia nhóm Go Volunteer. Mình thấy nhiều bạn đi làm tình nguyện viên nên cũng muốn đóng góp chút sức lực. Một bạn trong nhóm 8 nhắn tin cho mình nói đang tuyển thêm người. Nhờ đó, mình chính thức trở thành thành viên của đội”, nữ sinh kể.
Té mà chỉ lo bình hư
Ban đầu, Ánh gặp khó khăn khi thao tác chậm và hơi đuối do chưa làm quen được với sức nặng của máy phun khử khuẩn trên vai. Nhờ sự động viên của mọi người, cô dần vượt qua, có thể hỗ trợ các bạn nam trong nhóm.
Theo lời Ánh, thời gian làm việc của cô khá linh hoạt, khi làm sáng, lúc làm chiều tới khoảng 16h-16h30 hoặc muộn nhất là 17h30. Nếu cảm thấy không khỏe, cô có thể xin nghỉ để dưỡng sức.
Ánh được đồng đội trợ giúp khi bị chuột rút lúc đang làm nhiệm vụ. |
Trước khi bắt đầu công việc mỗi ngày, các thành viên được trưởng nhóm gửi bảng phân chia địa điểm và biển số xe của tài xế chở đội đi làm nhiệm vụ. Sau khi chuẩn bị và kiểm tra một lượt, họ giúp nhau vận chuyển máy phun, dung dịch khử khuẩn lên xe.
“Mỗi buổi, tụi mình đi theo nhóm 4 người, mang theo 8 bình, mỗi bình 30 l. Tất cả đều mặc đồ bảo hộ, đeo kính chống giọt bắn, mang ủng để đi lại tiện hơn và không sợ trời mưa. Sau khi kết thúc công việc, tụi mình về lại trạm, xịt khử khuẩn và thêm dung dịch vào bình, cởi đồ bảo hộ đúng cách để tránh rủi ro, rửa sạch ủng, kính chống giọt bắn. Công việc cứ thế lặp lại ngày qua ngày”, cô gái 17 tuổi kể.
Nhóm Ánh hiện có 4 nữ, 5 nam. “Đội của mình các thành viên hơi nhỏ con nhưng rất mạnh mẽ, thân thiện và toàn trai xinh, gái đẹp”, cô tự hào “khoe”.
Khi làm nhiệm vụ, thành viên nữ thường được phân công xịt khuẩn ở những con hẻm hay tầng trệt, nhường phần việc nặng hơn như tại chung cư, phải leo cầu thang cho các chàng trai.
Do trời nắng nóng, mặc đồ bảo hộ kín mít, cộng với vác bình nặng, không ít tình nguyện viên bị kiệt sức, ngất xỉu.
Bản thân Ánh có lần bị chuột rút, chỉ kịp nhờ bạn nam đỡ hộ máy rồi ngồi bất động một lúc.
“Mình té không sợ đau mà chỉ lo bình hư, các anh sửa cực lắm. Hơn nữa, hôm sau đi sẽ thiếu máy, gây bất tiện và ảnh hưởng đến cả nhóm”, cô nói.
Hàng ngày, Ánh phải vác máy khá nặng trên lưng đi xịt khuẩn trong các con hẻm. |
Với Ánh, ngày nào đi làm cũng có kỷ niệm vui như mấy cô, chú hay các anh trực chốt ghẹo “Con gái có chút xíu mà khỏe dữ vậy”, “Nhỏ con mà giỏi dữ ta”.
“Mọi người quý tụi mình lắm, lúc nào cũng cho quá trời nước uống. Có lần, một cô nói con trai kêu tụi mình lại, dúi cho ít tiền uống nước nhưng tụi mình nhất quyết không nhận. Mình cảm ơn rồi nói chỉ cần cô và gia đình khỏe mạnh, vượt qua được dịch bệnh này là tụi con vui lắm rồi”, cô kể.
Với Ánh, được tham gia chống dịch khiến cô “thấy vui như trúng số” và cảm xúc khó tả. Ban đầu, nữ sinh hơi sợ khi công việc có nguy cơ cao thành F0. Tuy nhiên, gạt đi mọi lo lắng, cô quyết tâm tham gia tới khi nào thành phố hết dịch mới dừng lại.
“Chủ nhật tuần sau là mình tròn 18 tuổi. Mình hồi hộp lắm vì sinh nhật ở đây đều đặc biệt và rất vui. Mình mới làm quen với anh, chị trong nhóm chưa tròn tháng mà đã khăng khít, gắn bó như người một nhà. Chỉ mong sao thành phố sớm hết dịch, mọi người được trở lại cuộc sống bình thường”, cô bộc bạch.
Dù quen nhau chưa lâu, các thành viên trong đội phun khử khuẩn đã gắn bó, thân thiết như người một nhà. |