Cách đây 3 tháng, vòng bụng của L.T.D. (19 tuổi, quê Bạc Liêu) to lên khủng khiếp đến 120 cm. Người em gầy gò, tay chân khẳng khiu và phải ngồi sấp, hai tay ôm thành giường để ngủ. Ngày 25/7, lần đầu tiên sau 18 năm, em có thể nằm ngủ một cách thoải mái mà không vướng khối bướu khổng lồ trước bụng.
Bụng to, gãy tay 6 lần vẫn quyết đi học
Sáng 26/7, gặp D. tại khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, gương mặt em tươi tỉnh, rạng rỡ dù trên người đang phải mang vô số ống truyền dịch. “Em mừng lắm, lấy hết nước trong bụng, em như trút được tảng đá trong người xuống”, D. nói.
Bệnh nhân cho biết từ lúc mới sinh ra, bụng em đã to và ngày càng lớn dần. Sau đó, tay và chân trái của D. cũng phù to. 4 tuổi, mọi sinh hoạt hàng ngày của D. rất khó khăn do vòng bụng ngày một lớn. Gia đình đã đưa em đi khám nhiều nơi nhưng các bệnh viện đều kết luận D. mắc bệnh bẩm sinh không thể chữa khỏi.
Cô gái mang chiếc bụng khổng lồ lên đến 120 cm khiến nhiều người ám ảnh. Ảnh: BSCC. |
Năm 8 tuổi, D. xin cha mẹ đến trường để bắt đầu học lớp 1. Suốt nhiều năm liền, dù mang chiếc bụng khổng lồ đến lớp, không thể tự tắm và nằm ngủ bình thường, em luôn là học sinh giỏi.
“Ban đầu cũng nhiều người nói em có thai, khi biết em bị bệnh, ai cũng thương nên em thấy lạc quan, không buồn. Số phận đã như vậy, em không dám trách cha mẹ vì mẹ cũng buồn, cũng khổ nhiều”, D. tâm sự.
Cô gái này cho biết vì chiếc bụng quá lớn, người lại gầy nên khi di chuyển, chỉ cần vấp phải viên đá nhỏ cũng khiến em ngã. Năm học lớp 4, không đành lòng để cha đưa đi học, D. quyết định tự đạp xe đến trường. Em yếu nên bị ngã xe, gãy tay hơn 6 lần.
“Thấy cha mẹ khổ quá còn phải nuôi ba em nhỏ nên học hết lớp 9, em xin gia đình đi bán vé số dành dụm tiền chữa bệnh. Đến khi bụng quá to, không thể đi làm, gia đình đưa em vào Bệnh viện Ung Bướu chữa trị”, cô gái 19 tuổi chia sẻ.
Nhớ lại ca mổ thập tử nhất sinh cách đây 2 ngày, D. ngập ngừng: “Lúc đó em không nghĩ gì nhiều, chỉ biết rằng mình đã chịu đựng 18 năm rồi, mổ sống có là gì đâu. Chỉ cần qua ca mổ này thôi, em sẽ trở lại bình thường”.
Hiện bệnh nhân được các bác sĩ khoa Ngoại 1 chăm sóc và theo dõi đặc biệt sau khi phẫu thuật. Ảnh: BH. |
Ca bệnh ám ảnh bác sĩ đến cuối đời
BSCKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, cho biết em D. là trường hợp đầu tiên ông gặp từ khi bắt đầu làm tại Bệnh viện Ung Bướu.
“Đây có lẽ sẽ là trường hợp ám ảnh tôi đến cuối đời về sự khốn cùng và nỗi bất hạnh vì bệnh tật một con người có thể chịu đựng. Với vóc dáng của một đứa bé khoảng 10 tuổi phải mang trên người khối bướu trên 50 kg, không ai nghĩ rằng đây là sự thật. Bệnh nhân như con ễnh ương, chỉ thấy cái bụng không kể cả lúc đứng. Không tưởng tượng được làm sao mà con bé để như thế này qua bao năm tháng”, bác sĩ Tiến tâm sự.
Sau khi hội chẩn toàn viện, hội chẩn liên viện và gửi email thông tin bệnh nhân cho các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để tham khảo ý kiến, các bác sĩ quyết định hút dần dịch để bé đảm bảo đủ sức khỏe chịu đựng được ca mổ.
Cô gái 19 tuổi mơ ước mau chóng khỏi bệnh để đi bán vé số, kiếm tiền phụ gia đình. Ảnh: BH. |
“Tôi thật sự chưa bao giờ lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên như ca bệnh này. Vì bệnh nhân không mắc ung thư, hình ảnh siêu âm chỉ thấy một vùng trắng xóa toàn nước, ca mổ có quá nhiều nguy cơ. Lúc đó, ước gì mình có lá bùa của Phật tổ Như Lai thổi bay Ngũ Hành Sơn đè trên người của ‘cô bé Tề Thiên’ suốt 19 năm qua. Gia đình tin tưởng, bệnh viện giao phó nhiệm vụ, chúng tôi chỉ biết làm hết sức mình để cứu cô bé”, bác sĩ Tiến tâm sự.
Sau 10 ngày hút hơn 20 lít dịch, ngày 24/7, bác sĩ Tiến cùng ê-kíp đã phẫu thuật để lấy hết 20 lít dịch còn lại cho bệnh nhân.
“Do bụng bệnh nhân quá lớn không thể gây mê, các bác sĩ phải tiến hành gây tê, tức là mổ sống, bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo trong lúc mổ. May mắn, nhờ hút dịch trước đó cùng với đường rạch rất nhỏ, rút dịch từ từ, ca mổ diễn ra rất thuận lợi”, bác sĩ Tiến nói.
Quan sát ổ bụng khi mổ, các bác sĩ nhận thấy toàn bộ tử cung, buồng trứng, thận, gan, lách… của bệnh nhân đều bình thường và khối bướu bạch mạch sau phúc mạc bẩm sinh. Theo bác sĩ Tiến, đây là ca bệnh tràn dịch dưỡng chấp bẩm sinh đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận, trên thế giới cũng chỉ có một vài ca.
“Cô bé nói lâu rồi con không dám chạy, ước gì con có thể chạy được. Yên tâm, vài ngày nữa thôi con sẽ chạy như những cô gái bình thường, và con sẽ được trở lại trường lớp, sẽ được đi học”, bác sĩ Tiến hạnh phúc nói.