Đinh Thị Lừng sinh năm 1993, quê ở Hải Dương. Lừng luôn đạt thành tích học tập về các đồ án chuyên ngành điểm giỏi trở lên nên khi vừa mới tốt nghiệp, cô gái đã được nhận vào làm việc tại công ty cổ phần Phidias.
23 tuổi và đồ án xây dựng chợ tình Sa Pa
Tại đây, Lừng được học hỏi kinh nghiệm để làm việc về các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc công trình... Cô cảm thấy rất thích thú với công việc liên quan đến kiến trúc.
Cô gái xinh đẹp Đinh Thị Lừng. |
Lừng chia sẻ: “Người ảnh hưởng đến em nhiều nhất trong quá trình phát triển nghề kiến trúc chính là các thầy cô trong xưởng 3 của trường - những người đã góp phần rất lớn khiến tư duy kiến trúc của em được tốt hơn.
Đặc biệt với đồ án tốt nghiệp, em xin gửi lời cảm ơn đến PGS.TS Lê Quân. Thầy đã chỉ dẫn và giúp em học hỏi được rất nhiều để đạt được thành tích như hiện tại”.
Đồ án của cô gái 23 tuổi này là “Chợ dân tộc thị trấn Sa Pa”. Lừng vốn rất thích bà con vùng cao, yêu những cảnh đẹp núi rừng. Trước khi đến với Sa Pa cô chỉ đơn thuần thích Sa Pa qua những tấm ảnh chụp, từ những bài hát về phiên chợ tình nổi tiếng.
Cho đến khi biết được dự án xây dựng chợ của Sa Pa, với niềm yêu thích dược du lịch khám phá, Lừng đã đến Sa Pa và quyết định làm "Chợ dân tộc thị trấn Sa Pa ".
Sa Pa - nơi 'gặp gỡ'...
Đinh Thị Lừng nói say sưa về chợ dân tộc thị trấn Sa Pa như chính mình là người con của vùng đất thiên nhiên đẹp đẽ này: “Ở mỗi nơi , mỗi vùng miền chợ đều có những nét đặc trưng riêng, định nghĩa riêng.
Đối với Sa Pa, chợ không chỉ là nơi giao lưu buôn bán, chợ còn là nơi gặp gỡ giữa đất và trời, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người và con người, và đặc biệt, đó là nơi gặp gỡ giữa chữ tình: tình yêu, tình bạn, tình đồng chí, đồng bào, tình người.
Chợ còn là nơi gặp gỡ của những nền văn hóa giữa các dân tộc địa phương với các dân tộc anh em, cũng là nơi gặp gỡ của Việt Nam với văn hóa bạn bè thế giới. Và ở Sa Pa, nơi gặp gỡ đó gọi là Chợ”.
Mong muốn của Lừng khi làm đồ án này là tạo ra một không gian xanh, không gian thông thoáng tự nhiên của cả trục phố cổ sầm uất Cầu Mây.
Cùng đó, tạo ra hình thức kiến trúc hòa hợp với điều kiện hiện trạng, ngoài ra do công trình là chợ nhằm phục vụ toàn cộng đồng do đó việc tích hợp không xanh, không gian vui chơi chơ khu vực có thể tạo ra sân chơi cho số đông người bản địa và du khách.
Phối cảnh tổng thể đồ án của Lừng. |
Việc kết hợp không gian chơi và chợ cũng phù hợp với văn hóa “đi chơi chợ” của người bản địa để giữ gìn bản sắc chợ dân tộc thị trấn Sa Pa.
Kỷ niệm đặc biệt của cô gái xinh đẹp, đầy đam mê với những thiết kế là khi đi hiện trạng trong quá trình thực hiện đồ án, Lừng đã đi vào một ngày Sa Pa có tuyết rơi và gặp được những người sinh sống tại Sa Pa lâu năm chia sẻ về đặc trưng kiến trúc, văn hóa cũng như khó khăn của bà con bản địa, bà con vùng cao nhất là vào những ngày đông khách du lịch.
Thế nhưng, bà con vùng cao lại không có điều kiện về nơi buôn bán, cư trú qua những ngày tuyết để khai thác triệt để lợi thế du lịch bởi giao thông, sức khỏe, không đủ chăn áo vượt qua cái lạnh…
Những hình ảnh khó khăn của bà con vùng cao khi bán hàng trên những hè phố lạnh cóng của Sa Pa ngày tuyết đã in sâu vào tâm trí cô gái.
Không bao giờ bỏ nghề!
Khi thực hiện đồ án, Lừng phải mất 7 tháng hết đi lên Sa Pa lại xuống Hà Nội. Cô đã gặp không ít khó khăn khi đưa ra những phương án, rồi lại lúng túng để chọn ra kết quả thích hợp nhất.
Lừng muốn xây dựng chợ với không gian xanh, được quy hoạch tổng thể làm 3 tầng với Mặt bằng giao thông tiếp cận tới công trình tận dụng tối đa hướng đường Cầu Mây;
Diện trải dài công trình chỉ nổi trên mặt đất một tầng và toàn bộ không gian mái là không gian xanh tiếp nối từ đường Cầu Mây trải dài tiếp nối đến đường Fan Xi Păng; Không gian như vậy tạo không gian thoáng như một công viên chợ với những khu vực buộc ngựa trên mái tạo nên nét độc đáo thu hút những du khách ghé qua.
Cô gái còn tính toán đường tiếp cận bãi gửi xe được tiếp cận từ đường Fansipan để giảm lưu l trên đường Cầu Mây khi vào mùa du lịch. Không gian mái gồm 2 lớp mái đan khác cốt tạo khoảng sân cui chơi đa dạng và mặt đứng công trình độc đáo…
Tất cả niềm đam mê với công trình, những bản vẽ, thiết kế đã in lên khuôn mặt tươi vui của Lừng, cô gái ấy hiểu rõ theo đuổi ngành kiến trúc có rất nhiều khó khăn.
Nhưng khó khăn lớn nhất là khi ra làm nghề ngoài việc giữ đam mê với nghề thì việc phải dành toàn bộ thời gian cho công việc. Vì đặc trưng nghề nghiệp thường phải thức đêm và đi nhiều nơi phụ thuộc nhiều vào dự án và chủ đầu tư do đó không có nhiều thời gian cho gia đình và bản thân, nhất là đối với một cô gái.
Thế nhưng, Lừng vẫn cười tươi: "Em sẽ không bao giờ bỏ nghề đâu, bởi em đã 'yêu' anh chàng mang tên 'Kiến Trúc' mất rồi!".