Tình trạng môi của bệnh nhân sau tiêm. Ảnh: BSCC. |
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, thạc sĩ, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay đơn vị này mới điều trị cho một nữ bệnh nhân (25 tuổi) bị nhiễm trùng hoại tử vùng môi sau khi tiêm filler.
Trước đó, sau vài giờ tiêm filler tại spa, cô gái cảm giác sưng và đau nhiều vùng môi. Ban đầu, vùng môi chỉ đau nhẹ, nhưng càng về sau, hiện tượng này ngày một nghiêm trọng hơn.
Sau đó, bệnh nhân quay lại spa và được tiêm thêm thuốc giải chất làm đầy. Tuy nhiên, tình trạng sưng nề ở môi vẫn không giảm.
Bên cạnh đó, cô gái này cũng phát hiện vùng môi mọc nhiều nốt mụn mủ, da môi ửng đỏ, nứt nẻ, chảy máu nhẹ. Vùng môi có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng phù, nóng rát.
Quá lo lắng, cô gái đến khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, để cấp cứu.
"Dựa trên triệu chứng và tiền sử bệnh, bệnh nhân được chẩn đoán mắc nhiễm trùng hoại tử vùng môi do tắc mạch sau tiêm chất làm đầy", bác sĩ Hưng nhận định.
Tại đây, cô gái được chỉ định rạch tháo mủ, lấy mủ xét nghiệm kháng sinh đồ.
Bệnh nhân được điều trị với 2 loại kháng sinh mạnh để kiểm soát nhiễm trùng. Đồng thời, cô cũng được điều trị bằng thuốc kháng virus để ngăn ngừa tình trạng Herpes môi bùng phát.
"Bệnh nhân được hướng dẫn cách chăm sóc vùng môi để giúp nhanh chóng phục hồi và tránh nhiễm trùng thêm gây biến chứng. Người bệnh cần tái khám mỗi ngày để theo dõi tình trạng bệnh. Nếu có bất kỳ biến chứng hoặc tình trạng không cải thiện, bác sĩ sẽ có điều chỉnh và áp dụng phương pháp điều trị bổ sung", bác sĩ Hưng nói thêm.
Theo bác sĩ Hưng, nhiễm trùng hoại tử vùng môi do tắc mạch sau tiêm chất làm đầy có thể được kiểm soát và phục hồi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và chăm sóc đúng cách,
Bác sĩ khuyến cáo mọi người có nhu cầu làm đẹp nên tìm kiếm các cơ sở uy tín và đảm bảo quy trình được thực hiện bởi các chuyên gia có chứng chỉ và kinh nghiệm.
Trước khi tiến hành bất kỳ quy trình làm đẹp nào, mọi người nên thảo luận kỹ với bác sĩ để tránh các biến chứng không mong muốn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ có tỷ lệ căng thẳng, lo âu và trầm cảm liên quan đến công việc cao hơn nam giới. Tại sao lại như vậy? Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez cho thấy thực tại của lỗ hổng dữ liệu giới - những khoảng trống câm lặng đầy rẫy trong nền văn hóa của chúng ta.