Năm 2012, Sonali Mukherjee (sinh năm 1985, đến từ New Delhi) xuất hiện trong tập đặc biệt của Ai là triệu phú phiên bản Ấn Độ dành cho nạn nhân của các vụ tấn công và bạo lực. Cô bị mù, điếc 1 bên tai và có gương mặt biến dạng do bị tạt axit năm 2003, khi mới 17 tuổi. Vượt qua toàn bộ câu hỏi, Sonali giành giải thưởng cao nhất của chương trình - 2,5 triệu rupee (khoảng 35.000 USD). Câu chuyện nghị lực và lòng dũng cảm của cô gái nhanh chóng lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả, đồng thời thu hút truyền thông trong và ngoài Ấn Độ. Cuộc đời của cô bước sang trang mới khi nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng. Ảnh: FB. |
Trước khi bị tấn công, Sonali có cả tương lai rộng mở trước mắt. Cô được bầu làm đội trưởng Tổng đội Thiếu sinh quân Ấn Độ (NCC), chủ tịch hội học sinh ở trường trung học và muốn theo đuổi bằng cấp về xã hội học. 8X luôn nỗ lực với mơ ước giúp gia đình nghèo khó của mình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi hoàn toàn vào một đêm tháng 4/2013. Khi Sonali đang ngủ trong nhà, 3 gã thanh niên đột nhập và đổ tezaab - hóa chất được sử dụng để làm sạch các dụng cụ rỉ sét - lên mặt khiến cô bị bỏng 70%, gương mặt biến dạng, mù 2 mắt và gần như điếc. Một trong 3 kẻ tấn công từng bị Sonali từ chối lời cầu hôn nên ra tay tàn độc để trả thù. Ảnh: Hamid Ashraf. |
Trong một cuộc phỏng vấn, Sonali nhớ lại: “Tôi bật dậy vì cảm thấy toàn bộ cơ thể đang bốc cháy. Tôi cứ thế gào thét trong đau đớn cho đến khi ngất đi. Ngày thứ 4 nằm viện, tôi biết thị lực mình không thể phục hồi. Nhưng kỳ lạ thay, tôi cảm thấy biết ơn vì như thế sẽ không phải nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của mình nữa”. Vụ tấn công không chỉ phá hỏng tương lai của Sonali, mà còn ảnh hưởng lớn đến gia đình cô. Trong khi mẹ 8X suy sụp đến mức trầm cảm, ông nội cô đột tử vì đau tim. Tuy nhiên, 3 kẻ tấn công Sonali chỉ bị kết án tù 9 năm, rồi lại được tại ngoại chỉ sau 4 tháng ngồi sau song sắt. Ảnh: Cover Asia Press. |
Theo Cover Asia Press, Sonali đã trải qua 35 cuộc phẫu thuật trong vòng 14 năm sau vụ tấn công. Để cứu chữa cho con gái, cha mẹ cô đã bán đất hương hỏa, gia súc, đồ trang sức, dốc toàn bộ tiền tiết kiệm và đi vay mượn khắp nơi. Đáng buồn là Sonali không nhận được khoản hỗ trợ nào của chính phủ trong quá trình điều trị. Năm 2012, cảm thấy chán nản vì cuộc sống bất công, 8X gửi thư kiến nghị chính phủ chấp thuận cho mình được chết. Tuy nhiên, do điều này là bất hợp pháp ở Ấn Độ, yêu cầu của cô bị từ chối. Sau đó, Sonali quyết tâm đứng lên đấu tranh cho những người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh đau thương của mình. Ảnh: AFP/Getty. |
Sau chiến thắng tại Ai là triệu phú, Sonali dùng tiền thưởng để trang trải chi phí phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi thị lực, đồng thời quyên góp cho các tổ chức từ thiện, hoạt động xã hội. Nhờ sự hỗ trợ của truyền thông, cô tích cực đấu tranh và nâng cao nhận thức về các nạn nhân bị tấn công bởi axit. Sau những nỗ lực không mệt mỏi của Sonali, các nhà chức trách Ấn Độ đã sửa đổi luật nhằm trừng phạt nghiêm minh hơn đối với các vụ tấn công bằng axit kể từ tháng 4/2013. Theo đó, kẻ thủ ác sẽ bị phạt tiền và kết án 10 năm tù, trong khi nạn nhân được chính phủ hỗ trợ tài chính và tinh thần. Ảnh: AFP/Getty. |
Năm 2014, Sonali được đích thân lãnh đạo Văn phòng chính quyền quận Bokaro (bang Jharkhand) mời tới làm việc tại vị trí văn thư. Tình yêu cũng tìm đến bên đời cô. Thông qua một chương trình truyền hình, chàng kỹ sư điện Chittaranjan Tiwari biết tới câu chuyện đầy nghị lực của Sonali và liên lạc ngỏ ý muốn giúp đỡ. Sau hơn 1 năm làm bạn, Chittaranjan cầu hôn Sonali vào năm 2015. “Tôi chưa từng dám mơ một cuộc hôn nhân sẽ đến trong đời. Hơn 10 năm qua, tôi luôn mạnh mẽ và độc lập vì xác định sẽ ở một mình. Anh ấy tới và biến giấc mơ trở thành sự thật”, Sonali chia sẻ. Trong lễ cưới của hai người diễn ra vào tháng 4 cùng năm đó, nhiều người rơi lệ vì cảm phục và chúc phúc cho họ. Ảnh: Cover Asia Press. |
Với Sonali, chồng là người đàn ông giàu cảm xúc và yêu thương cô vô điều kiện. Tháng 12/2016, hai người chào đón bé gái đầu lòng, đặt tên là Niharika. Ở nhà, em bé được gọi là Pari, có nghĩa là “thiên thần” trong tiếng Hindi. Dù không thể nhìn thấy hình hài của con, Sonali vẫn cảm thấy hạnh phúc. Cô tâm sự: “Mỗi khi chạm nhẹ lên khuôn mặt nhỏ xinh của con gái, tôi lại có cảm giác như đã tìm lại được gương mặt ngày xưa của mình”. Ảnh: Cover Asia Press. |
Từng chia sẻ với Anandabazar vào dịp sinh nhật 1 tuổi của con gái, Sonali cho hay: “Tôi từng lo con sẽ hoảng sợ khi nhìn gương mặt bỏng nặng của mình. Nhưng giờ khi nhìn thấy mẹ, con bé đều chạy tới và muốn sà vào lòng tôi”. Ảnh: Anandabazar. |
“Giờ tôi cảm thấy cuộc sống của mình trọn vẹn. Đó là cảm giác tuyệt vời sau nhiều năm chìm trong tuyệt vọng và đau đớn. Tôi cảm thấy mình được bù đắp cho tất cả nỗi đau mình phải chịu đựng”, Sonali từng nói. Hiện, cô vẫn làm công việc văn thư, tham gia hoạt động xã hội và có cuộc sống yên ấm bên chồng và con gái hơn 3 tuổi. Ảnh: Friends of Sonali. |