Cô gái 22 tuổi nức nở vì mãi không tìm được việc làm. |
Quá bất lực, cô gái 22 tuổi quay một video đầy nước mắt, chia sẻ về quá trình xin việc gian nan của mình và đăng tải trên mạng xã hội.
Đoạn clip đã vô tình khơi dậy cuộc tranh luận sôi nổi về thị trường việc làm siêu cạnh tranh ở Trung Quốc, cũng như những thách thức mà sinh viên mới ra trường phải đối mặt, Channel News Asia đưa tin.
Trong video, tân cử nhân giấu tên đến từ tỉnh Hồ Nam thắc mắc về giá trị bằng cấp của mình, cũng như mục đích vào đại học. Mặc dù học chuyên ngành copywriting (viết quảng cáo), cô gái cũng tham gia nhiều khóa học khác như nghiên cứu xã hội, lập trình và khởi nghiệp.
“Tôi biết mỗi thứ một chút nhưng cuối cùng, có vẻ tôi chẳng nổi trội ở kỹ năng nào”, cô than thở. Cô cũng cho biết mình phát hiện ra những người không học đại học cũng có những kỹ năng tương tự.
Cô gái thậm chí không về quê ăn Tết vì sợ đối mặt với áp lực tìm việc làm của gia đình. |
Sinh viên mới ra trường cho biết trong số 30 công ty đã phỏng vấn, một số bên đã đề nghị vị trí thực tập không lương cho cô, nhưng không đảm bảo một công việc toàn thời gian sau khi kết thúc thời gian thực tập.
Sau đó, cô kể về một người bạn thân đã tìm được việc làm tại một công ty lớn ở Bắc Kinh, với mức lương hàng tháng là 7.500 NDT (khoảng 1.100 USD).
Mặc dù đó là mức lương khá đối với một sinh viên mới ra trường, cô gái cho biết người bạn này phải dành 2.000 NDT để thuê căn hộ nhỏ mỗi tháng và phải làm việc liên tục tới sáng. Ngay cả vào ngày nghỉ, bạn của cô có thể bị gọi lên công ty bất kỳ lúc nào.
Tiếp theo, cô gái 22 tuổi so sánh mình với những người trẻ tuổi hơn và dường như đã đạt được thăng tiến nhất định trong sự nghiệp do bắt đầu đi làm từ rất sớm.
“Ngay cả các giám sát viên của tôi cũng trẻ nữa. Họ gia nhập lực lượng lao động rất sớm, kết nối mạng lưới xã hội cũng như tích lũy kinh nghiệm. Nhưng tôi thì sao?”, cô òa khóc.
Cô gái thừa nhận trưởng thành với niềm tin rằng một công việc tốt sẽ đến với mình, miễn là cô tốt nghiệp đại học.
“Nhưng sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế lớn đến mức khiến tôi cảm thấy sắp tuyệt vọng”, cô nói.
Vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cô gái còn không dám trở về nhà vì sợ gia đình gây áp lực tìm việc làm. Họ cũng thúc giục cô trở thành giáo viên hoặc công chức nhà nước.
Người trẻ Trung Quốc phải chật vật để tìm kiếm được việc làm ổn định trong một thị trường biến động mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Zuma Press. |
Đoạn video của tân cử nhân đã thu hút gần 400.000 lượt thích và 91.000 bình luận trên mạng xã hội, cho thấy những khó khăn của những sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc và đang dần bước vào lực lượng lao động.
Nhiều người bày tỏ nỗi đồng cảm với tình cảnh của cô gái, nói rằng nhiều trường đại học không trang bị cho sinh viên những kỹ năng xã hội cần thiết.
Một số người lại cho rằng vấn đề nằm ở ngành học của cô gái - thiên về giáo dục khai phóng. Thế nhưng, lập luận này sớm bị phản bác. Nhiều người có bằng cấp về khoa học cho biết họ cũng phải đối mặt với khó khăn tương tự trong thị trường việc làm cạnh tranh cao ở Trung Quốc.
Năm nay, Trung Quốc chuẩn bị đón 11,5 triệu sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, Bloomberg đưa tin. Con số kỷ lục này càng gây thêm áp lực lên tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc vốn đã gần đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để giúp thị trường lao động chấp nhận tất cả người trẻ mới tham gia, bao gồm khuyến khích các doanh nghiệp giữ lại thực tập sinh, cũng như hỗ trợ tân cử nhân muốn bắt đầu kinh doanh riêng.
Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.