Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái bỏ công việc văn phòng về quê làm thợ mộc

Đang làm quản lý thiết kế cho một tập đoàn xây dựng với thu nhập khá, Nguyễn Hảo quyết định nghỉ việc, về quê mở xưởng mộc để nối nghiệp cha.

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, Nguyễn Hảo (28 tuổi, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) từng có thời gian hơn 5 năm làm quản lý thiết kế với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng.

co gai bo nghe ve lam tho moc anh 1

Cô gái sinh năm 1992 bỏ việc công sở về quê làm thợ mộc.

Tuy nhiên, cô đã từ bỏ cuộc sống ở thành phố, về quê mở xưởng theo đuổi nghề mộc.

Quyết định của cô gái sinh năm 1992 khiến gia đình và bạn bè không khỏi bất ngờ.

Chia sẻ với Zing, Hảo cho biết muốn tiếp nối sự nghiệp dở dang của cha.

Trước đây, ông là thợ mộc có tiếng. Thế nhưng, sau khi bị tai biến, ông không thể tiếp tục làm nghề.

"Từ nhỏ, tôi đã được chơi với dụng cụ làm mộc, mùn cưa, bã bào, các mẩu gỗ vụn. Lúc đó, tôi thích lắm. Có thể những ký ức hồi nhỏ, niềm hạnh phúc khi được chơi, được làm với cha chính là động lực thôi thúc tôi làm điều gì đó liên quan đến công việc này", Hảo tâm sự.

"Với tôi, nghề mộc không chỉ dành cho con trai, người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức mỗi người. Không đóng được giường tủ, tôi làm các đồ vật trang trí, dụng cụ học tập, đồ chơi cho trẻ em… miễn là tìm thấy hứng thú, niềm đam mê".

Tự học theo đuổi đam mê

Nói là làm, Hảo bắt đầu mua dụng cụ cầm tay, máy sử dụng đa năng, cưa, máy mài. Địa điểm cô khởi nghiệp chính là góc chuồng gà của gia đình.

Thời điểm mới bắt đầu công việc, Hảo một mình thực hiện các bước nên khá vất vả và tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, cô cũng phải tập làm quen với việc sử dụng máy móc nặng, bê đồ gỗ hay các vấn đề kỹ thuật.

Thế nhưng, vượt qua mọi trở ngại, Hảo luôn cố gắng từng ngày và tin vào con đường mình lựa chọn.

Cô tự tìm hiểu cách sử dụng máy móc sao cho an toàn, hiệu quả. Hảo tham gia vào hội nhóm làm mộc và học được nhiều bí kíp độc đáo từ đàn anh trong nghề.

Hàng ngày, cô đi đến các hộ làm mộc xung quanh gia đình để xin những mẩu gỗ thừa. Vốn là dân kiến trúc, Hảo tư duy ra hình thù các đồ vật rồi sáng tạo sao cho đẹp mắt.

Từng có thời điểm, cô làm việc từ 6 giờ sáng đến đêm muộn mà vẫn chưa hết việc. Khi đó, khách đặt gì cô cũng làm, có sản phẩm làm mất hai đến ba ngày mà chỉ nhận được vài chục nghìn đồng. Thế nhưng, Hảo vẫn cảm thấy vui bởi đó là cách giúp cô rèn luyện tay nghề.

Sau gần 1 năm theo nghề, sản phẩm ở xưởng gỗ của Hảo rất đa dạng, bao gồm các loại đồ trang trí nhà cửa, đồ chơi trẻ em, khuyên tai,…

Điểm nổi bật của các sản phẩm này là đều được làm từ gỗ tái chế có thiết kế độc đáo, được làm và chế tác rất kỳ công, tỉ mỉ.

Hảo cho biết việc sử dụng các sản phẩm từ gỗ tái chế góp phần giảm thiểu thói quen sử dụng vật liệu nhựa, hạn chế rác thải ra môi trường.

Gắn bó với nghề mộc cuộc sống của Hảo thay đổi rất nhiều, đặc biệt, cô có thể thỏa sức sáng tạo các sản phẩm đồ chơi thân thiện với môi trường.

Hiện tại, Hảo đã có thêm những người bạn đồng hành phụ giúp trong công việc. Các sản phẩm từ gỗ của cô được nhiều người đặt hàng, đưa vào sử dụng tại các trường mầm non, tiểu học.

Tâm sự về nghề nghiệp, Hảo cho hay cô đang trên con đường chinh phục đam mê. Từ bỏ công việc văn phòng với mức lương hấp dẫn, thế nhưng, Hảo không hối hận. Cô gái sinh năm 1992 luôn tin vào sự lựa chọn và quyết định của bản thân.

Loạt app chỉnh ảnh chị em nên cài khi mua iPhone mới

Ulike, Snow, Camera 360, Snapseed, VSCO Cam là những ứng dụng thường được các cô gái cài đặt trên smartphone để phục vụ nhu cầu chụp và chỉnh sửa ảnh.

Kiều Trang

Ảnh: FBNV

Bạn có thể quan tâm