Tai họa ập đến
Nhà Nguyễn Thị Nga (xóm 1, thôn An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ, Hải Dương) nằm ở cuối một con ngõ nhỏ. Nga - một “nhúm thịt nhỏ” như miêu tả của chính cô bất động trên giường. Cô gái 26 tuổi này nằm như thế đã gần chục năm nay, từ sau một cuộc phẫu thuật bất thành đầu năm 2004.
Năm học lớp 9, đôi chân của cô bé Nga xinh tươi, nhí nhảnh, hay múa hay hát bỗng dưng tê dại dần, không thể chạy được trong giờ thể dục. Những ngày nghỉ học, ở nhà thêu ren giúp đỡ bố mẹ, chân Nga càng tê buốt hơn. Rồi sau một đêm ngủ dậy, Nga không thể đứng lên và đi lại được.
Sau nhiều đợt khám, xét nghiệm, bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, Nga bị một khối u bám vào tủy của 7 đốt sống cổ nên phải thực hiện cuộc phẫu thuật rất phức tạp mà tỷ lệ thành công là rất nhỏ. Chần chừ mãi, sau khi đưa Nga đi khám khắp nơi, chuyển sang điều trị bằng cả Đông y... cũng không được, gia đình Nga đồng ý ký vào cam kết xin phẫu thuật.
Bà Dụ chăm sóc cô con gái bất hạnh nhưng giàu lòng nhân ái. |
Ca phẫu thuật phức tạp của Nga không thành công. Nga bị liệt, vĩnh viễn phải sống đời thực vật. Bố mẹ còn chật vật với gánh nặng mưu sinh, nên Nga chỉ được đảo tư thế nằm vào ban đêm. Nằm lâu trên giường, nhiều phần cơ thể Nga bị lở loét, phần xương đùi đã gãy vụn.
Mẹ Nga - bà Vũ Thị Dụ nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi phải làm quần quật để lo thuốc thang cho Nga và cái ăn cho cả gia đình. Con bé ngoan ngoãn bị “trời đày” như vậy, còn anh trai nó khỏe mạnh thì lại mải chơi. Đợt anh trai nó chơi bời, nợ tiền người ta, tôi thấy đời mình cực quá, nghĩ quẩn, bảo với Nga là lấy dây điện buộc hai mẹ con lại rồi cắm điện cho giật chết quách đi”.
Nhưng khi ấy, Nga lại rất bình tĩnh động viên mẹ: “Mẹ đã giúp con chiến đấu giành sự sống, chúng ta không thể chết dễ như thế”. Nghe con nói, bà Dụ choàng tỉnh, ôm con khóc nức nở.
Vượt lên nỗi đau
Hàng ngày, bố mẹ Nga cắm ống tiểu, rồi lấy những mảng da chết cho Nga khỏi đau. Nhìn con gái chết mòn trong căn nhà tuềnh toàng, ông bà thường phải lén lau nước mắt, nén tiếng thở dài. Thế nhưng, vượt qua nỗi buồn và nỗi đau thể xác, chính Nga lại là người luôn an ủi, động viên bố mẹ, cho bố mẹ thấy nghị lực sống và yêu đời mãnh liệt của cô để từ đó, ông bà vơi bớt buồn đau.
Năm 2007, Nga biết đến chương trình hiến giác mạc cho Ngân hàng Mắt Trung ương, cô suy nghĩ suốt hai năm mới quyết định nói cho bố mẹ biết ước nguyện của mình.
Nghe Nga nói, bố mẹ cô quyết liệt phản đối. Ông bà vốn thương đến thắt lòng đứa con gái phải chôn vùi tuổi thanh xuân trong bệnh tật, nay càng xé lòng khi nghĩ đến cảnh con ra đi mà thân thể không vẹn toàn.
Nhưng Nga cứ dần dần thuyết phục bố mẹ, cô nói đó là việc làm thiện nguyện, giúp ích cho đời duy nhất mà cô có thể làm trong tình trạng bệnh tật này: “Con sẽ ra đi, nhưng đôi mắt của một người khác sẽ sáng hơn, điều đó làm con ấm lòng hơn và bố mẹ cũng sẽ vui hơn khi biết đôi mắt con còn sống, còn hữu ích”. Và Nga đã thuyết phục được mẹ gọi điện đăng ký hiến giác mạc, để cô đã trở thành người đầu tiên của tỉnh Hải Dương tự nguyện hiến giác mạc.