Ở Zimbabwe, các cô gái dưới 10 tuổi bị buộc phải kết hôn vì nghèo đói, hủ tục và tôn giáo. Nhận thức được vấn nạn đó, Natsiraishe Maritsa đã tổ chức các lớp học taekwondo giúp phụ nữ và trẻ em gái chung tay chống lại nạn tảo hôn.
Thành viên của lớp học rất đa dạng, từ các bé gái cho đến phụ nữ đã lấy chồng và sinh con. Ngoài việc dạy trực tiếp, cô còn tổ chức các buổi chia sẻ về giới tính, sức khỏe sinh sản và hôn nhân.
Tại đây, nhiều vấn đề bức xúc của nạn kết hôn sớm được giãi bày. Hầu hết cuộc hôn nhân của họ không xuất phát từ tinh thần tự nguyện. Trẻ em gái bị lạm dụng, thậm chí cưỡng hiếp bởi chính chồng mình.
Những cuộc hôn nhân ép buộc để lại những tổn thương sâu sắc về thể xác lẫn tinh thần của các em. "Chúng tôi quá trẻ, quá non nớt để kết hôn", Maritsa nói với AP.
Natsiraishe Maritsa vui vẻ khoe những thành tích mà mình đạt được. Ảnh: New York Post. |
“Vai trò của các bà mẹ nhỏ tuổi thường bị bỏ qua khi mọi người vận động chống lại nạn tảo hôn. Qua lớp học này, tôi muốn khuyến khích họ ngừng quan hệ tình dục và lấy chồng sớm”, Maritsa nói.
Theo điều luật được thông qua tại Tòa án Hiến pháp Zimbabwe năm 2016, nước này bãi bỏ quy định cho phép các cô gái lấy chồng trước 16 tuổi. Ngoài ra, nam và nữ giới không được phép kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, hủ tục tảo hôn vẫn phổ biến ở nước này.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, ước tính mỗi năm có khoảng 30% trẻ em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi. Tình trạng nghèo đói trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã buộc các gia đình phải gả con gái nhỏ.
“Kết hôn với một bé gái sẽ tốn ít chi phí hơn so với việc cưới một người phụ nữ đủ 18 tuổi. Điều này thường được các gia đình nghèo ở Zimbabwe sử dụng như một phương tiện để tồn tại”, theo Girls Not Brides, một tổ chức vận động chấm dứt tình trạng kết hôn sớm ở trẻ em, đưa tin.
Lệnh cấm tụ tập nơi công cộng của Zimbabwe do Covid-19 buộc Maritsa phải tạm dừng các buổi tập. Tuy nhiên, cô hy vọng lớp học sẽ tiếp tục ngay sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Lớp học taekwondo của nữ võ sĩ 17 tuổi cũng thu hút nhiều nam giới tham gia. Ảnh: New York Post. |
Năm 2018, Maritsa lập nên tổ chức Vulnerable Underaged People’s Auditorium nhằm nâng cao sự tự tin của các cô gái thông qua các bài học võ thuật và những cuộc thảo luận. Nữ võ sư cho biết ý tưởng này nảy sinh khi cô chứng kiến bạn bè bỏ học để lấy chồng.
“Từ chỗ tuyệt vọng, các bà mẹ trẻ cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh. Họ có thể dùng câu chuyện của mình để khuyên răn những cô gái khác không rơi vào cảnh tương tự", cô nói.
Vulnerable Underaged People’s Auditorium đang có nhiều tác động tích cực đến phụ nữ nơi đây. Bà mẹ 2 con Privilege Chimombe (17 tuổi) dũng cảm từ bỏ người chồng vũ phu. Pruzmay Mandaza (21 tuổi), người bạn thân nhất của Maritsa và cũng là phó chủ tịch hiệp hội, đang lên kế hoạch trở lại trường học mặc cho chồng ngăn cản quyết liệt.
Maritsa cho biết: “Lớp học chỉ có thể dạy 15 người mỗi buổi vì điều kiện không cho phép. Sự hỗ trợ duy nhất mà tôi nhận được là từ bố mẹ. Bố tôi là nông dân nghèo, mẹ làm nội trợ toàn thời gian nhưng họ luôn giúp đỡ để dự án được duy trì. Công việc này chẳng dễ dàng, nhưng nó cần được thực hiện”.