Nhảy việc dần trở nên phổ biến ở người lao động trẻ. Điều đó không hẳn là xấu nhưng bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định chính thức.
“Tôi đã tìm được một công việc mới, nó sẽ bắt đầu vào tháng 2. Hiện tại tôi đang phân vân giữa tiếp tục ở lại công ty cũ cho đến khi nhận thưởng Tết, hay từ bỏ hẳn để qua công ty mới?”.
Đây là một trong những câu hỏi mà Gregory Giangrande, người có hơn 25 năm kinh nghiệm trên cương vị giám đốc điều hành nguồn nhân lực, thường gặp phải, New York Post đưa tin.
Theo ông, người lao động cần đưa ra một quyết định thông minh. Cụ thể, bạn cần thông báo chính thức cho công ty cũ trước khi muốn nghỉ việc. Khi để lại nhiều công việc chưa được giải quyết, bạn sẽ trở thành kẻ vô trách nhiệm trong mắt nhà tuyển dụng.
Tiền thưởng ảnh hưởng đến quyết định làm việc của người lao động. Ảnh: Usnews |
Với bên công ty mới, bạn có thể trao đổi về thời gian bắt đầu công việc. Ngoài ra, cần kiểm tra kỹ lưỡng các quy định đãi ngộ trong hợp đồng lao động.
Một số công ty yêu cầu người lao động cam kết làm tiếp sau khi được trả lương và tiền thưởng. Vì vậy, từ bỏ công việc cũ sau khi nhận thưởng là điều bất khả thi.
“Nếu bạn thông báo nghỉ làm trước, rất có thể bạn sẽ không nhận được khoản tiền đó. Các nhà tuyển dụng có xu hướng mong đợi số lượng người từ chức gia tăng trước khi thưởng cho nhân viên”, vị giám đốc chia sẻ.
Bên cạnh đó ông Giangrande cũng nhận được thắc mắc rằng liệu có hợp pháp không khi phân biệt một ứng viên dựa trên nơi họ từng làm việc trước đây. Nhiều trường hợp bị công ty tuyển dụng loại trừ chỉ vì sếp cũ.
Một số công ty yêu cầu người lao động cam kết làm tiếp sau khi được trả lương và tiền thưởng. Ảnh: Caliber |
Đây không phải vấn đề pháp lý, mà lại thuộc về phạm trù đạo đức. Nhà tuyển dụng nên lựa chọn các ứng viên dựa trên kinh nghiệm chứ không phải nơi làm việc của họ. Việc buộc phải xem xét về nơi làm việc cũ chỉ phục vụ mục đích đánh giá ứng viên có phù hợp với vị trí cần tuyển hay không.
Theo ông Giangrande, các công ty đưa tiêu chí chính trị vào quy trình tuyển dụng được xem là thái quá. Một người đã làm việc ở đâu hoặc làm việc cho ai không có nghĩa là người đó có những đặc điểm giống như sếp của họ.
“Trong trường hợp này, tôi rất thông cảm nếu các nhân viên tuyển dụng làm theo lệnh sếp vì sợ bị mất việc. Nhưng bạn có muốn bị từ chối một công việc chỉ vì sếp cũ không? Nếu là tôi, tôi sẽ không làm việc đó”, Giangrande nói.
Theo New York Post, người lao động không nên quyết định ở lại hay ra đi chỉ dựa trên tiền thưởng Tết. Một quyết định đúng đắn nên được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố quan trọng khác như đồng nghiệp, lương tháng, đãi ngộ, môi trường làm việc...