Nhận định về vấn đề trên, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), chia sẻ với Zing rằng người ta thường gắn cho nam giới là trụ cột, ăn to nói lớn, phù hợp với công việc tạo ra của cải, thu nhập cho bản thân, gia đình.
Trớ trêu thay, việc nội trợ là công việc không lương. Như vậy có thực sự công bằng với hai giới?
Ngô Thị Thu Hà - Giám đốc CEPEW. Ảnh: NVCC. |
Bà Hà phân tích việc phụ nữ phải gánh vác công việc gia đình làm giảm thời gian để họ tham gia vào hoạt động xã hội và kinh tế. Như vậy, địa vị của phụ nữ trong các hoạt động này khó có thể cao bằng người nam.
Đồng thời, công việc bếp núc thường không được ghi nhận vì không cân đo đong đếm được, ít ai hiểu để thông cảm.
Nhiều khi, gia đình có trẻ con, người ốm đau, phụ nữ không có thời gian để chăm sóc bản thân, nhưng không mấy người biết.
Những tưởng đây là vấn đề của một thời đã xa. Nhưng nghiên cứu của CEPEW gần đây cho thấy trên 50% thanh niên được hỏi đồng ý với quan điểm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.
Hơn nữa, họ còn yêu cầu phụ nữ phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Như vậy, phụ nữ còn bị đổ gánh nặng về vai trò sản xuất và tái sản xuất mà chưa gỡ ra được.
Gánh nặng dồn lên vai phụ nữ
Chia sẻ với Zing, chị D.T. - một phụ nữ đã lập gia đình - cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã được dạy rằng 'Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu'. Gia đình chồng cũng luôn khuyên nên để đàn ông gánh vác việc lớn còn mình cứ vui vẻ và đẹp là được. Nhưng khốn nỗi, hầu như việc hàng ngày đều là công việc tủn mủn, vụn vặt chiếm hết 80% thời gian rồi. Mình làm hết thì cũng chẳng còn việc gì để cùng làm nữa cả”.
Bà Hà phân tích việc nhà hay việc không tên, về bản chất chính là công việc chăm sóc không được trả công. Có hai loại hình là công việc chăm sóc trực tiếp như chăm sóc trẻ em, người già, ốm đau; việc nhà như cơm nước, chợ búa là công việc gián tiếp. Ngoài ra, các công việc chăm sóc trong cộng đồng như hiếu, hỉ,...
Đây là các công việc tái sản xuất ra con người rất cần thiết để duy trì gia đình, tạo ra phúc lợi cho gia đình, xã hội.
Định kiến giới khiến cho phụ nữ vô tình thành nhóm đảm nhiệm các công việc chăm sóc không lương. Ảnh: YBR. |
Các số liệu nghiên cứu trên thế giới cho thấy công việc này đóng góp 20% GDP toàn cầu, về mặt truyền thống chủ yếu do phụ nữ và trẻ em gái đảm nhận và được cho rằng là việc vặt, không đáng tính đến.
Một tin đáng mừng là gần đây, nhiều quốc gia đã đặt vấn đề ở mặt chính sách và trong mục tiêu phát triển bền vững SDGs yêu cầu phải có thống kê cụ thể trong việc mỗi giới đã dành thời gian bao nhiêu cho công việc “không tên” này. Sau đây là vài con số đáng lưu ý của các thống kê.
Trên thế giới, trung bình mỗi phụ nữ dành khoảng 5 tiếng/ngày cho công việc chăm sóc không lương; nam giới làm ít hơn phụ nữ 2-3 tiếng.
Khi được nghe về thống kê này, chị D.T. kể chị có quan điểm rất rộng rãi rằng “Đàn ông giỏi hơn thì để nó làm việc lớn”. Nhưng trên thực tế, địa vị và lương của chị cao hơn của chồng. Tuy nhiên, vì muốn có thêm thời gian chăm sóc cho gia đình, chị đã nghỉ việc với sự tự tin có thể làm từ xa với mức lương không quá chênh lệch.
Nhưng khi nghỉ việc toàn thời gian, chồng dồn toàn bộ trách nhiệm làm việc nhà lên chị. Trong khi đó, chị vừa bị nhà chồng coi thường vì nghi ngờ chồng nuôi, vừa phải trau dồi và làm việc từ xa, nếu việc nhà không ổn thì lại bị phàn nàn là làm đảo lộn nếp nhà cửa, không chỉn chu, ngăn nắp.
Kể từ lúc đó, “nhà ấm hay không ấm” đều một tay chị chịu trách nhiệm, lúc ấy chị rơi vào trầm cảm.
Phụ nữ bị cho là phải "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Nguồn: Pinterest. |
Theo bà Hà, công việc không lương dồn gánh nặng nhiều hơn với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là nhóm ở những nơi nghèo do đường xá đi lại khó khăn, mất rất nhiều thời gian cho việc lấy nước, lấy củi và nguồn sống.
Theo nghiên cứu từ Action Aid, phụ nữ H’Mông mất 9 tiếng/ngày cho các việc chăm sóc và 4-5 tiếng/ngày để lấy nước, lấy củi, trong đó phụ nữ ở đô thị chỉ mất 15 phút.
Nhưng cuộc sống ở đô thị không thực sự dễ dàng hơn cho phụ nữ. Thực tế, sự bất công được diễn ra theo một chiều hướng khác, ví dụ việc đưa đón con đi học chính, học thêm mất rất nhiều thời gian.
Một vấn đề thường gặp nữa là hệ thống công lập chăm sóc người già, người cao tuổi gần như không được đầu tư.
Các lựa chọn tư nhân cũng chỉ phù hợp với nhóm có thu nhập cao và đương nhiên, phụ nữ là người đảm nhận chính các công việc chăm sóc này cho “tròn đạo làm dâu, làm mẹ và làm con”.
Giải pháp nằm ở đâu?
Bà Hà cho biết một trong những giải pháp triệt để giảm bớt gánh nặng cho các giới trong công việc này là tăng đầu tư ngân sách vào việc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt lưu tâm đến dịch vụ công chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số.
Tiếp đến, nhà nước cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư vào phát triển kinh tế, dịch vụ chăm sóc người già và trẻ em tốt. Đồng thời, cần giáo dục cho nam giới cùng các thành viên trong gia đình san sẻ công việc này để giảm gánh nặng cho nữ giới.
Ngoài ra, mọi người cần ghi nhận đúng đắn hơn vai trò của công việc chăm sóc không lương, rằng đây là việc đem lại phúc lợi cho gia đình và xã hội ở cấp độ gia đình cũng như cấp độ chính sách.
Chị D.T. cũng chia sẻ thêm rằng chị chỉ mong một ngày xã hội không còn người phụ nữ phải gồng mình lên thành người “ba đầu, sáu tay” như chị nữa.