Ngày thứ 5 sau khi sinh con gái đầu lòng vào năm 2021, Mỹ Thanh bị mẹ ruột tuyên bố “từ mặt” vì nuôi con theo kiểu E.A.S.Y (viết tắt của bằng tiếng Anh của Ăn - Chơi - Ngủ - Thời gian của mẹ). Mẹ cho rằng Mỹ Thanh đối xử với con theo cách “không thể chịu được” khi không ru ngủ và để con khóc.
Vừa sinh vào tháng 4, Quỳnh Hương đã rèn cho con trai ăn, ngủ, chơi theo nếp sinh hoạt E.A.S.Y. Cô còn tập cho bé ăn dặm theo kiểu Nhật Bản. Song, 6 tháng nuôi con là thời gian cô liên tục cãi nhau với mẹ. Bị chỉ trích về cách chăm con cùng nhiều vấn đề phát sinh, cô bị trầm cảm suốt 1 tháng sau sinh.
Nhờ sự phát triển của Internet, những bà mẹ gen Z tiếp cận với nhiều phương pháp nuôi con khác hẳn thế hệ trước. Từ đó, những xung đột về cách chăm sóc con giữa các bà mẹ trẻ và gia đình cũng nhiều hơn hẳn. Vấn đề này có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường, theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội, nguyên Trưởng khoa nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Nuôi con kiểu mới
Giữa căn phòng, bé Mio (5 ngày tuổi) nằm một mình trên giường. Em khóc to không rõ lý do. Mẹ em, Mỹ Thanh (28 tuổi, kinh doanh tự do), đứng bên cạnh quan sát nhưng không bế em lên dỗ dành.
Nghe tiếng Mio khóc, mẹ của Mỹ Thanh bước vào phòng. Bà tiến đến chuẩn bị dỗ cháu ngoại. Bất ngờ, Mỹ Thanh cản mẹ và yêu cầu bà để cháu khóc đến khi tự nín. Cô đang rèn cho con gái ăn ngủ theo nếp E.A.S.Y. Với nếp sinh hoạt này, Mio sẽ tự đi ngủ đúng giờ, ăn uống đúng bữa mà không cần dỗ dành.
“Con tôi là bà hoàng la hét, bé có thể khóc từ 20h đến 5h hôm sau nếu không được bế trong khi ngủ. Và khi được tập ăn ngủ đúng giờ, bé khóc rất nhiều trong những ngày đầu”, bà mẹ sinh năm 1996 chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Không đồng ý với cách nuôi con của Mỹ Thanh, mẹ cô nổi giận, đòi đi cho khuất mắt. Bà dọn về sống ở căn nhà còn lại của gia đình đến khi con gái hết chăm con theo kiểu hiện đại.
Gia đình Mỹ Thanh vừa đón con gái thứ hai vào ngày 11/10, cô cho biết sẽ tiếp tục chăm con theo kiểu E.A.S.Y. |
Quỳnh Hương (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng là một bà mẹ nuôi con theo các phương pháp mới. Con trai cô, bé Aiden, vừa tròn 6 tháng tuổi và có thể đi ngủ không cần ai dỗ dành. Bà mẹ sinh năm 1997 tự hào khi con trai ngủ một mạch từ 19h30 đến 7h30 hôm sau mà không quấy khóc, đòi bú đêm.
Để có một em bé ăn ngủ đúng giờ như hôm nay, Quỳnh Hương phải chịu đựng khá nhiều chỉ trích. Một trong những người chỉ trích kịch liệt nhất là mẹ cô.
“Tôi rèn cho con tự ngủ từ khi mới sinh nên bà không cần chăm cháu. Ngoại chỉ qua để nấu ăn và giúp tôi dọn dẹp trong thời gian đầu sau sinh nở”, cô kể. Dù vậy, mỗi lần qua nhà là bà ngoại lại chỉ trích vì Quỳnh Hương để con ngủ trong phòng ít ánh sáng.
“Con để Aiden ngủ trong phòng tối om như thế lỡ cháu nó tự kỷ thì sao?”, bà chỉ trích con gái. Khi Aiden bị vàng da và bà ngoại muốn đem cháu trai ra phơi nắng theo kinh nghiệm dân gian, Quỳnh Hương không đồng ý vì cho rằng đó là quan điểm “lỗi thời”.
Xung đột với mẹ ruột cộng thêm những vấn đề khác, bà mẹ 27 tuổi gặp trầm cảm sau sinh. Nhiều lúc, cô chỉ biết ôm con rồi khóc cho qua nỗi buồn. Phải đến khi mẹ cô ít qua lại, mọi chuyện mới dần ổn định.
Quỳnh Hương gặp trầm cảm đúng 1 tháng sau khi sinh con trai Aiden. |
BS Trương Hữu Khanh cảnh báo những bà mẹ sau khi sinh đặc biệt nhạy cảm về tinh thần. Họ dễ gặp trầm cảm sau sinh. “Nếu quá nghiêm trọng, các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh có xu hướng tìm cách thoát khỏi con theo biện pháp tiêu cực nhất. Có lúc là con chết, có khi là mẹ chết”, ông nói thêm xung đột khi nuôi con là một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ sản phụ mắc trầm cảm sau sinh tại Việt Nam vào năm 2022 lên đến 33%. Tình trạng trầm cảm ở người mẹ có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Những bà mẹ bị trầm cảm có thể yêu thương và quan tâm con nhưng cũng có khi sợ hãi, không muốn chăm sóc con. Có nhiều trường hợp mẹ không làm chủ được tâm lý và làm hại con hoặc bản thân.
“Em bé rồi sẽ lớn”
Theo BS Khanh, các phương pháp nuôi con truyền thống hay hiện đại đều có lợi ích và bất cập riêng. Song, nếu trẻ được rèn ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ thì sẽ phát triển hiệu quả và lành mạnh hơn.
“Xung đột trong việc nuôi dạy con giữa các thế hệ là chuyện thường. Quan trọng là hai bên cùng đối thoại, giải thích ý kiến để đi tìm tiếng nói chung. Những bà mẹ trẻ cũng nên tham khảo thế hệ trước chứ không nên cứng nhắc áp dụng phương pháp mới”, BS Khanh chia sẻ.
Có ba điều cốt lõi trong quá trình nuôi dạy con, theo BS Khanh. Thứ nhất, những người mẹ không nên tự áp lực phải nuôi con thật khỏe, thật ngoan. “Em bé rồi sẽ lớn và bà mẹ rồi sẽ có kinh nghiệm nuôi con”, Trưởng phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi đồng 1 nhấn mạnh.
Thứ hai, ông khuyến khích các gia đình rèn cho con ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ để con khỏe mạnh và cha mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Song, BS cảnh báo người mẹ nên tiếp thu có chọn lọc các thông tin trên Internet, tránh áp dụng cứng nhắc vào em bé.
Quỳnh Hương đang xây dựng một kênh TikTok để chia sẻ về hành trình nuôi con. |
Cuối cùng, BS Khanh khẳng định nuôi con là trách nhiệm của vợ lẫn chồng. Do đó, người chồng phải đồng hành, chia sẻ với vợ đồng thời là người hòa giải khi vợ xung đột về cách dạy con với bố mẹ.
Sau 3 tháng "từ mặt" con, mẹ của Mỹ Thanh đã về nhà khi thấy cháu ngoại ngày một ngoan ngoãn, biết ăn ngủ đúng giờ. Bà mẹ gen Z vừa đón em bé thứ hai vào ngày 11/10 và cho biết sẽ tiếp tục chăm con theo kiểu E.A.S.Y.
Trong khi đó, Quỳnh Hương và mẹ vẫn thường xung đột vì bé Aiden. Cô quyết tâm rèn cho con sinh hoạt khoa học và tin rằng thế hệ trước, dù sớm hay muộn, cũng sẽ thấu hiểu khi nhìn thấy “quả ngọt”.
Quỳnh Hương đang lập một kênh TikTok về bí quyết nuôi con theo quan niệm hiện đại. Cô hiểu rằng sẽ có nhiều ý kiến trái chiều về cách nuôi bé Aiden. Song, bà mẹ 27 tuổi vẫn muốn chia sẻ hành trình lớn lên của con. “Mình muốn lưu giữ kỷ niệm cùng con đồng thời chia sẻ kinh nghiệm để mọi người tham khảo và nuôi con hợp lý”, cô tâm sự.
Rèn luyện kỹ năng tự học cho con
Tác giả sách Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học, TS Nguyễn Thị Thu, cho rằng trẻ cần có mục tiêu để tạo động lực học tập. Phụ huynh nên tìm hiểu, quan sát sở thích của con, rồi lồng ghép những hoạt động tìm hiểu khám phá kiến thức trong những sở thích đó để nuôi dưỡng sự tìm tòi nghiên cứu trong con. Ngoài ra, đọc sách là một cách hay và lành mạnh để trẻ tiếp nạp kiến thức.