Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Tôi là bố mẹ Gen Z'

Lên chức cha mẹ khi chưa tới 30 tuổi, nhiều cặp vợ chồng trẻ có những thuận lợi nhất định song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Sáng 16/10, Mạnh Hùng (sinh năm 1999, Hà Nội) đưa vợ tới đăng ký sinh, làm một số xét nghiệm tại Bệnh viện Quân Y 354. Vợ Hùng - Thùy Trang (sinh năm 2001) - đang ở tuần 37 của thai kỳ, ngày dự sinh là 5/11.

Mô tả trải nghiệm lần đầu có, Hùng nói với Tri Thức - Znews rằng cả hai vợ chồng vừa lo lắng, cũng vừa háo hức. Có chút lóng ngóng ban đầu, song ông bố tương lai đã "hoàn thành nhiệm vụ" chuẩn bị những bước cuối cùng để chào đón đứa con đầu lòng.

"Có con ở độ tuổi 25 còn vợ 23, thú thật chúng tôi nửa mừng nửa lo, mừng vì mình đã có con, lo vì cũng còn trẻ, sợ sự nghiệp, tâm lý chưa đủ vững vàng", Hùng chia sẻ.

Không riêng Hùng - Trang, nhiều cặp vợ chồng Gen Z cũng có chung tâm trạng khi "lên chức" ở độ tuổi khá trẻ. Một số may mắn có sự hỗ trợ, hậu thuẫn vững vàng từ gia đình, chủ động chuẩn bị đầy đủ từ kiến thức đến tài chính để đón thành viên mới. Cũng có không ít cặp đôi hoang mang, bỡ ngỡ trước vô vàn lựa chọn để tìm ra phương án phù hợp nhất cho gia đình.

Chuẩn bị tài chính, kiến thức

Theo thông tin tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp hồi tháng 8, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của thanh niên Việt Nam ngày càng muộn, hiện ở 27,2 tuổi, tăng 2 tuổi so với năm 2019. Ngoài bận rộn công việc, chưa tìm kiếm được hình mẫu lý tưởng, tài chính là một trong những lý do khiến nhiều người ngại kết hôn, sinh con, nhất là khi ở độ tuổi dưới 30.

Tài chính cũng là một trong những yếu tố vợ chồng Ngọc Thuận (sinh năm 1999) xét đến đầu tiên khi về chung một nhà vào tháng 12/2023.

"Khi kết hôn, chúng tôi cũng xác định phải có tài chính để sẵn sàng cho việc có em bé. Sau khi làm đám cưới, có những phần dư ra nên hai đứa đã lập sẵn khoản dành cho việc sinh con. Ngoài ra, chúng tôi cũng có tư tưởng an cư lạc nghiệp, kết hôn để có trách nhiệm hơn, tiết kiệm để cùng nhau làm những việc lớn hơn", Thuận chia sẻ.

Vì vậy, khi biết tin mang thai sau gần nửa năm kết hôn, vợ chồng Thuận không quá bối rối bởi mọi thứ nằm trong kế hoạch, tài chính và tinh thần gần như đã sẵn sàng. Hiện, nữ nhân viên truyền thông đang ở tuần 29 của thai kỳ.

bo me gen z anh 1

Vợ chồng Ngọc Thuận đang mong chờ đứa con đầu lòng chào đời.

Ngoài tài chính, gần 7 tháng qua, vợ chồng Thuận chủ động tìm hiểu nhiều kiến thức liên quan tới bà bầu, thai nhi, sự phát triển và cân nặng của em bé trong từng tuần thai qua các kênh mạng xã hội, sách thai giáo, hay tìm hiểu về các dòng âm thanh tốt cho sự phát triển của trẻ trong bụng mẹ.

"Về đồ đạc, quần áo hay bỉm sữa, tôi đã tìm hiểu, đi hỏi thêm các chị đi trước có kinh nghiệm để lên danh sách, ngân sách cũng đã sẵn sàng. Tuy nhiên, vì dân gian kiêng việc mua sắm sớm nên tôi dự định đợi đến những tháng cuối thai kỳ mới xuống tiền", Thuận cho hay.

Cũng chưa quá vội vàng sắm sửa, vợ chồng Nhật Minh (sinh năm 1998) và Vũ Thị Trà (sinh năm 2000) tập trung trang bị kiến thức và tài chính cho sự chào đời của em bé đầu lòng. Trà hiện đã bước sang tháng thứ 5 của thai kỳ.

"Mặc dù là lần đầu có con nhưng may mắn phần nào được trang bị kiến thức và tâm lý trước đó nên tạm thời đến thời điểm hiện tại, chúng tôi không gặp quá nhiều vấn đề về việc chăm sóc mẹ bầu, mong là thời gian sau của thai kì cũng sẽ 'trộm vía' như vậy", Minh chia sẻ.

Hoang mang "tập đầu"

Dù cố gắng chuẩn bị đầy đủ từ vật chất đến tinh thần, các cặp vợ chồng trẻ nhiều lúc vẫn bối rối trước một "bầu trời" kiến thức mới khi lần đầu có con.

"Vì là lần đầu, kiến thức bằng 0, tôi phải đi tìm hiểu từng cái một, từ việc ăn uống, kiêng cữ. Vì là Gen Z và tính chất công việc nên thời gian đầu, hai vợ chồng vẫn quen lối sinh hoạt cũ, thức khuya, ăn đồ ăn nhanh - những việc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bạn nhỏ trong bụng", Thuận kể.

Đặc biệt 3 tháng đầu tiên, các thay đổi về cơ thể và tâm lý đôi lúc khiến cô gái sinh năm 1999 hoang mang và sốc. Cũng vì tâm lý Thuận thay đổi, nhiều khi cặp vợ chồng trẻ chưa cân bằng được cảm xúc và Thuận rất dễ bị tiêu cực.

Bà bầu 7 tháng thừa nhận: "Có lẽ khó khăn nhất của chúng tôi là cân bằng việc sinh hoạt và cảm xúc khi lần đầu làm bố mẹ".

May mắn là những tháng về sau, Thuận đã cân bằng cảm xúc, sức khỏe, tìm lại được những thói quen và niềm vui cũ nên hai vợ chồng thoải mái hơn, cũng bắt đầu sinh hoạt lành mạnh hơn. Dù chưa thay đổi hoàn toàn nếp sinh hoạt cũ, song đã cải thiện rất nhiều vì em bé.

Còn đối với Mạnh Hùng, điều khiến anh đau đầu khi cận kề ngày vợ sinh là việc lựa chọn các sản phẩm cho con. Ông bố trẻ hoang mang trước vô vàn loại bỉm, tã, sữa, bình sữa trên thị trường.

"Xem trên mạng thì có những bài review thật tâm, cũng có những bài quảng cáo quá lố. Bản thân tôi cũng làm trong ngành quảng cáo nên hiểu rõ phải tìm hiểu qua nhiều khía cạnh, đặc biệt là những người thân, người từng sử dụng qua", Hùng nói.

Sự hỗ trợ từ gia đình

Vợ chồng Mạnh Hùng, Ngọc Thuận hay Nhật Minh đều cho rằng gia đình hai bên là nguồn hỗ trợ, động viên và tham khảo lớn trong chặng đường chuẩn bị đón thành viên mới.

Dù còn nhiều phân vân, vợ chồng Hùng cho biết thường xuyên được các anh chị, bố mẹ hai bên quan tâm, chia sẻ rất nhiều nên giúp cả hai tự tin, sẵn sàng hơn.

bo me gen z anh 4

Minh và Trà nhận được sự hỗ trợ lớn từ gia đình hai bên trong quá trình chuẩn bị đón con chào đời.

Trong khi đó, cứ có gì không hiểu về thai kỳ, Thuận lại gọi điện nhờ bố mẹ, anh chị ở quê giải đáp. Còn sau khi sinh, việc chăm sóc khá phức tạp, vợ chồng cô chưa có kinh nghiệm nên dự định nhờ bố mẹ hai bên ra Hà Nội hỗ trợ cho an tâm.

Với vợ chồng Trà và Minh, cặp đôi không chỉ nhận được sự hỗ trợ về tinh thần mà còn cả vật chất. Gia đình Minh thường xuyên gửi thực phẩm sạch ở quê ra để bà bầu tẩm bổ, yên tâm sử dụng.

Ông bố tương lai sinh năm 1998 cho rằng việc có con ở độ tuổi trẻ vừa có những điểm thuận lợi song cũng không ít thách thức, khó khăn.

Theo đó, về bất lợi, cả hai chưa có nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chăm con, mọi thứ đang học hỏi và trau dồi hiện tại đều ở mặt lý thuyết. Bên cạnh đó, tài chính cũng chưa vững vàng, không thể tự tin 100% về mặt này khi có em bé. Bản thân vợ chồng Minh cũng phải cân đo đong đếm rất kĩ để có thể chuẩn bị tốt nhất cho con sau này.

Chưa kể, hai vợ chồng đều sống, làm việc ở Hà Nội, xa quê nên đôi lúc cảm thấy thiệt thòi vì không thể gần gũi, được hưởng sự hỗ trợ tận tình như những gia đình trẻ khác ở gần gia đình.

Bù lại, theo Minh, việc làm cha mẹ ở độ tuổi chưa tới 30 cũng có những điểm lợi nhất định.

"Tôi nghĩ về sức khỏe có lẽ là điều thuận lợi nhất. Hai vợ chồng đều đang có một cơ thể và tinh thần khỏe mạnh, nhanh hồi phục hơn cũng như mang lại nhiều năng lượng tích cực cho con nhất có thể. Bên cạnh đó, với độ năng động và sẵn sàng học hỏi, tiếp thu những kiến thức mới, chúng tôi cũng dễ trang bị các phương pháp chăm sóc mẹ bầu và cả những phương pháp dạy con hiện đại, hiệu quả hơn", Minh chia sẻ.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Tổ chức đám cưới ở Haidilao

Thay vì tổ chức đám cưới theo phong cách truyền thống tốn kém, nhiều cặp đôi trẻ ở Trung Quốc lựa chọn cách kỷ niệm ngày vui thiết thực, tiết kiệm hơn.

Ánh Hoàng

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm