Thường đứng hóng mát ở ban công căn hộ, Nguyễn Kim Oanh (sinh năm 1986, Hoàn Kiếm, Hà Nội) thấy nhiều cô chú lớn tuổi nhặt ve chai hay chị lao công dọn vệ sinh đi ngang.
Cô thường gửi tặng họ hộp bánh, túi hoa quả, hỏi han sức khỏe, hy vọng có thể tiếp sức cho họ trong ngày làm việc hôm đó.
"Tuy nhiên, kể từ khi thành phố thực hiện 2 đợt giãn cách xã hội, gần đây lại tiếp tục đến ngày 6/9, tôi thực sự lo lắng cho những cô chú, anh chị thuộc nhóm lao động dễ bị tổn thương này", chị Oanh nói với Zing.
Vì vậy, không còn là những món quà lặt vặt nữa, Kim Oanh bắt đầu mua một số như yếu phẩm như gạo, mì tôm, nước mắm, trứng... để giúp đỡ các trường hợp khó khăn đi ngang qua khu nhà mà mình bắt gặp.
Chiếc ban công nơi Kim Oanh hay đứng hóng mát và bắt gặp trường hợp khó khăn. |
Đối với Kim Oanh, cách hỗ trợ này thiết thực và phù hợp với cô bởi bản thân không có đủ tiềm lực ủng hộ nhiều người cùng một lúc.
Hơn nữa, những người cô phát hiện qua chiếc ban công sẽ là trường hợp khó khăn thực sự, đang cần giúp đỡ.
Mỗi lần thấy người phù hợp tiêu chí đi ngang, Kim Oanh gọi với: "Cô/chú ơi, cô/chú có nấu cơm được không ạ? Cô/chú chờ con một chút nha". Xong xuôi, cô nhanh chóng chạy xuống từ căn hộ ở tầng 2 trong ngõ, đem theo những phần quà đã chuẩn bị.
Cứ như vậy, chỉ trong vài ngày, Kim Oanh đã gửi tặng tấm lòng cho khoảng 20 trường hợp, phần lớn là người lao động nghèo, cao tuổi.
"Đa phần họ là người ngoại tỉnh, cuộc sống rất chật vật, lại phải thuê nhà ở. Có lần, khi nhận món quà bất ngờ của tôi, một cô chực khóc: 'Cảm ơn cháu, mấy hôm nay cô đói quá, chẳng còn gì ăn'. Một chú khác nhận túi gạo xong cũng rất vui, nói sắp tới sẽ an tâm có vài bữa no rồi. Thương lắm".
Những món quà nhỏ Kim Oanh san sẻ với người khó khăn trong đại dịch. |
Làm nhân viên cho một cửa hàng bán đồng hồ, khoảng một tháng nay, Kim Oanh cũng không còn việc để làm, thu nhập bị ảnh hưởng. Dù vậy, cô vẫn muốn đùm bọc, san sẻ với những người khó khăn hơn mình.
"Thực ra mình làm theo cách này không giúp được bao nhiêu người, có duyên với ai thì giúp người đó, nhưng nó khiến mình cảm thấy đỡ bứt rứt hơn rất nhiều so với ngồi một chỗ không làm gì".
Hiện, Kim Oanh sẽ tiếp tục việc tặng nhu yếu phẩm đến khi nào còn có thể. Cô hy vọng được bạn bè, người quen ủng hộ để có thêm tiềm lực duy trì hoạt động.
"Mong rằng trong đại dịch này, những người khó khăn thật sự sẽ nhận được sự đùm bọc, giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Dịch bệnh cũng sớm được dập tắt, cuộc sống mọi người mau chóng trở lại bình thường".