Năm 14 tuổi, Xiao Jia (quê ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) được chẩn đoán bị viêm võng mạc sắc tố. 2 năm sau, cô hoàn toàn mất đi thị lực, ước mơ được học tại Học viện Mỹ thuật Trung ương - một trong những trường đại học tốt nhất trong nước - mãi mãi không thể thành hiện thực.
Không chịu đầu hàng số phận, Xiao Jia chuyển hướng dành tình yêu cho mỹ thuật của mình sang một cách thể hiện khác, đó là trang điểm. Đến nay, khi đã 27 tuổi, Xiao Jia phần nào hài lòng khi trở thành nghệ sĩ trang điểm thành công, truyền cảm hứng làm đẹp cho nhiều cô gái khiếm thị khác trên khắp Trung Quốc.
Ai cũng có quyền xinh đẹp, kể cả khi không thể nhìn thấy vẻ đẹp ấy
Trước khi mắc bệnh, Xiao Jia đã học hội họa 6 năm ở trường. Đến lúc mất đi thị lực, giống như khoảng 12 triệu người mù khác ở Trung Quốc, cô theo học và làm công việc trị liệu mát xa.
Năm 20 tuổi, Xiao Jia được cha mua cho một chiếc máy tính. Từ đó, Internet mở ra một chân trời mới cho cô. 9X đã viết và gửi các bài tiểu luận của mình cho tạp chí dành cho người khuyết tật Youren, nhận về nhiều phản hồi tích cực.
Sau đó, cô nghỉ việc ở quê nhà để chuyển đến Bắc Kinh (Trung Quốc) và có công việc mới là người viết tốc ký. Ít lâu sau, cô tới làm việc cho một tổ chức từ thiện, thực hiện các dự án cho phụ nữ khuyết tật.
Cuối năm 2014, Xiao Jia tham dự một sự kiện và diễn thuyết trước nhiều người. Khi đó, cô được người khác trang điểm cho trước khi lên sân khấu.
"Chuyên gia trang điểm nói trông tôi rất xinh, giống như người nổi tiếng vậy", cô nhớ lại.
Đó cũng là lúc cô gái 27 tuổi cảm thấy như đã tìm được niềm đam mê của đời mình.
Xiao Jia bắt đầu học trang điểm từ năm 2015. |
Cô bắt đầu học trang điểm từ Ji Chunli - nghệ sĩ trang điểm cô gặp và kết bạn trong một sự kiện về làm đẹp.
"Phần khó nhất không phải là tôi có trở thành người trang điểm giỏi hay không, mà là liệu tôi có đủ dũng khí để vượt qua nỗi sợ, tin vào bản thân hay không", 9X nói với Sixth Tone.
Chunli không có kinh nghiệm giảng dạy cho người khiếm thị nhưng đã bị xúc động bởi quyết tâm của cô bạn. Trong vòng một năm, đều đặn mỗi cuối tuần, Xiao Jia đều đi xe bus trong hơn một giờ tới studio của Chunli để học make up.
Tại đây, Chunli sẽ trang điểm một nửa khuôn mặt, để Xiao Jia chạm vào và cảm nhận sự khác nhau, sau đó yêu cầu cô hoàn thành nửa khuôn mặt còn lại. Chunli chưa bao giờ nghĩ khiếm khuyết cơ thể của Xiao Jia là vấn đề lớn.
"Kinh nghiệm vẽ tranh giúp Xiao Jia có tư duy phối màu tốt. Bên cạnh đó, khoảng thời gian làm trị liệu mát xa cũng giúp cô ấy quen với cấu trúc khuôn mặt", nữ giáo viên nói.
Thời gian đầu tự trang điểm cho bản thân khi ra ngoài, 9X thường mắc lỗi trang điểm quá đậm.
"Vì trước đó tôi chưa bao giờ dùng bút kẻ mắt hay chuốt mi nên thường tự làm đau bản thân và bị chảy nước mắt. Mọi người thường nhắc là lông mi của tôi bị vón cục, trông như mấy cái chân ruồi vậy. Lần khác, có người lại bảo lớp nền trên mặt tôi không đều, chỗ đậm chỗ nhạt. Nhưng tôi vẫn thấy rất vui và cảm thấy bản thân xinh đẹp", cô nhớ lại quãng thời gian đầu ngô nghê của mình.
Lan tỏa năng lượng tích cực
Khi đã thành thạo việc trang điểm, cô gái 27 tuổi muốn chia sẻ kỹ năng của mình với cộng đồng, đặc biệt là những cô gái khiếm thị khác.
"Có rất nhiều người mù muốn làm cho mình đẹp hơn bằng cách trang điểm, nhưng thường không biết làm thế nào hoặc không thể tìm được chuyên gia dạy họ. Trang điểm cho phép chúng tôi thay đổi ấn tượng của nhiều người về người khiếm thị bằng vẻ ngoài của mình", Wang Jiaojiao (31 tuổi) - một trong những học sinh của Xiao Jia - bày tỏ.
2 người gặp nhau vào một ngày mùa hè năm ngoái, khi Wang tìm đến xin học trang điểm ở studio của Xiao Jia, sau khi biết đến cô qua mạng xã hội như nhiều học viên khác.
"Nhiều người cảm thấy lo lắng, bất an khi tôi yêu cầu họ tháo kính râm ra. Tuy nhiên, sau vài lần, họ quen dần và bắt đầu biết khoe đôi mắt của mình", Xiao Jia nói.
Mỗi dụng cụ trang điểm đều được Xiao Jia đánh dấu để nhận biết. |
Cô gái 27 tuổi ra thành lập khoản WeChat mang tên "Cô gái khiếm thị nói về vẻ đẹp" vào đầu năm 2017. Không có quá nhiều người theo dõi, chỉ khoảng 500 người song hoạt động rất tích cực.
Xiao Jia cũng đăng tải nhiều video về kiến thức làm đẹp trên nền tảng chia sẻ âm thanh trực tuyến Ximalaya FM - nơi cô miêu tả những mẹo nhỏ của mình là "cách chăm sóc da và sử dụng mỹ phẩm mà bạn có thể học được cả khi nhắm mắt lại".
Hàng tháng, với sự trợ giúp của đồng nghiệp, cô lại thu âm những chia sẻ về các chủ đề khác nhau như làm thế nào để phân biệt các loại da, thứ tự sử dụng các loại mỹ phẩm và cách chọn quần áo phù hợp.
Đôi khi, cô nhận được các cuộc gọi lúc nửa đêm nhờ tư vấn từ người theo dõi của mình và đáp lại bằng thái độ nhiệt tình. Đến nay, Xiao Jia là khách mời phát biểu thường xuyên tại nhiều hội thảo về làm đẹp.
Cô gái 27 tuổi là nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ khiếm thị tại Trung Quốc. |
Là thính giả trung thành của Xiao Jia hơn một năm nay, An Xin (sống tại Liêu Ninh, Trung Quốc) luôn ngóng chờ những bài giảng của nữ giáo viên online. Đối với cô, công đoạn khó nhất là kẻ mắt và chuốt mi.
"Chỉ cần thao tác lệch một chút là tôi biết ngay mình phải tẩy trang đi để vẽ lại. Tuy nhiên, đối với tôi, quá trình quan trọng hơn kết quả", cô nói.
Đối với nhiều người theo dõi Xiao Jia, câu chuyện về tinh thần đáng khâm phục của cô còn ý nghĩa và truyền cảm hứng nhiều hơn cả việc dạy trang điểm.
"Cô ấy đã truyền cảm hứng cho tôi khám phá ra những vẻ đẹp và điểm mạnh của mình, đồng thời khiến tôi hiểu được rằng mỗi người đều đặc biệt theo cách của riêng họ", An Xin chia sẻ.