Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái khuyết tật đi thi hoa hậu

Lê Thị Thúy Đoan đi thi hoa hậu. Tin ấy làm nhiều người ở ngõ 402, đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) ngạc nhiên, bởi Đoan là người khuyết tật, câm điếc bẩm sinh.

Cô gái khuyết tật đi thi hoa hậu

Lê Thị Thúy Đoan đi thi hoa hậu. Tin ấy làm nhiều người ở ngõ 402, đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) ngạc nhiên, bởi Đoan là người khuyết tật, câm điếc bẩm sinh.

Thí sinh khuyết tật Lê Thị Thúy Đoan với công việc thường ngày là thợ may.

Buổi sáng một ngày cuối tuần, đoàn ba người trong ban giám khảo đến nhà Đoan để chụp hình và phỏng vấn cho vòng chung kết. Đoan đứng dưới giàn bầu xanh mướt trước sân, tự tin cười duyên dáng và làm theo hướng dẫn của nhiếp ảnh gia. Đứng trên bậc thềm nhìn con gái, mẹ Đoan vừa cười vừa lấy tay lén lau nước mắt.

Vẽ cuộc đời bằng sự khiếm khuyết

14 tháng tuổi, Đoan được mẹ đưa đi khám. Cả gia đình chết lặng khi bác sĩ bảo Đoan bị câm điếc bẩm sinh. Đoan lớn lên trong thế giới câm lặng của mình. Khi đau ốm, Đoan phải khóc để bố mẹ biết. Lớn lên Đoan dùng tay, biểu cảm khuôn mặt cũng không đủ diễn đạt cho mẹ hiểu tâm tư của mình. Cho đến bây giờ, bà Nguyễn Thị Thuyên (mẹ Đoan) vẫn rưng rưng nước mắt khi nhắc lại câu hỏi mà ngày còn bé Đoan thường viết ra giấy: “Sao cùng bố mẹ mà chị và em út nghe nói được, còn con thì không?”.

Thương con, bố Đoan tìm các câu lạc bộ người khiếm thính cho con tham gia. Ông chở con gái đi tham gia các hoạt động của câu lạc bộ, rồi cho con đi học lớp ngôn ngữ ký hiệu. Đoan tự mày mò học vi tính, biết về cuộc thi hoa hậu dành cho người khuyết tật mang tên “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”,  Đoan đăng ký tham gia.

Cũng như Đoan, gần 70 thí sinh trên cả nước tham gia cuộc thi này đều là người khuyết tật. Nhưng nhìn vào hồ sơ của 70 thí sinh ấy, người ta quên ngay hình ảnh các thí sinh phải ngồi xe lăn, cụt mất một cánh tay hay đôi chân teo tóp, chỉ còn đọng lại nụ cười rất tươi, sự lạc quan và khao khát có thể đóng góp được điều gì đó cho cộng đồng.

Trong lời tâm sự của mình gửi về ban tổ chức cuộc thi, Nguyễn Thị Thu Huyền (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) viết: “Cơn sốt năm 1 tuổi làm tôi bị liệt cả hai chân, có lẽ suốt đời cuộc sống của tôi sẽ gắn liền với chiếc xe lăn. Tôi lớn lên với mặc cảm bởi sự kỳ thị mà mọi người dành cho mình. Họ bảo tôi bệnh thế này học cao làm gì.

Mẹ là người đã cõng tôi đi học, từ cấp I, cấp II, cấp III và lên cao đẳng. Nếu mình không may mắn được sinh ra bình thường như bao người khác thì phải cố gắng hơn rất nhiều lần. Tôi tốt nghiệp bằng cử nhân công nghệ thông tin loại giỏi. Tôi luôn học cách yêu bản thân, vượt qua chính mình và luôn tin rằng mình có thể làm được nhiều hơn thế. Tôi tham gia cuộc thi để mọi người có cái nhìn khác hơn và hòa đồng hơn với cộng đồng người khuyết tật. Họ cần nhận được sự khích lệ của xã hội. Nếu được vào top 10, tôi sẽ thể hiện tài năng ca hát, ngoài ra tôi biết chơi đàn piano”.

Yêu người, yêu đời

Không ít thí sinh đã tròn mắt ngạc nhiên khi gặp và biết thành viên ban giám khảo, ban tổ chức cuộc thi cũng là người khuyết tật: nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh (ban giám khảo) bị cụt mất một cánh tay, anh Trịnh Công Thanh (Hội người khuyết tật Hà Nội, ban tổ chức) đã cắt bỏ một chân và phải dùng chân giả vì bệnh ung thư xương... Cũng không có cuộc thi hoa hậu nào mà ban giám khảo phải “chạy theo” thí sinh như cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”. 15 thí sinh vào vòng bán kết lẽ ra phải về Hà Nội thì ban tổ chức lại lặn lội đến tận nhà thí sinh để phỏng vấn và chụp ảnh. Nhiếp ảnh gia Đăng Thanh chia sẻ một điều giản dị: “Các bạn đều là người khuyết tật, đi lại vất vả tốn kém, thôi thì mình chịu khó một chút vậy”.

“Chịu khó” như suy nghĩ của ông Đăng Thanh là nửa tháng cùng với anh Trịnh Công Thanh và anh Bùi Thế Hùng (Hội Người khuyết tật Hà Nội) gần như ăn ngủ trên xe để đến nhà thí sinh phỏng vấn cho kịp lịch trình. Khuya nay ông vừa ở TP.HCM về, sáng mai đã đi phỏng vấn ba thí sinh ở Hà Nội, chiều lại ra thẳng bến xe để đón xe đi Quảng Ninh gặp thí sinh khác. Ông Đăng Thanh cũng như các thành viên trong ban tổ chức làm việc miệt mài, tận tụy như thế mà không nhận bất cứ đồng thù lao nào, chỉ với mong muốn “làm được điều gì đó động viên tinh thần cho cộng đồng người khuyết tật”.

 

Khó khăn, nhưng với tấm lòng và sự chung tay của mọi người, việc chuẩn bị cho đêm chung kết đã dần hoàn tất. Các thí sinh ai cũng háo hức. Bà Thuyên kể chưa thấy khi nào Đoan vui và cười nhiều như khi tập múa chuẩn bị cho cuộc thi. Nếu được vào đêm chung kết, Đoan sẽ thể hiện phần thi năng khiếu của mình là múa. Đoan không nghe được nhạc, nhưng với sự giúp đỡ của bạn bè, Đoan đang tập múa trên nền nhạc một bài hát.

Anh Thanh đã tìm được một bạn hỗ trợ để phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho Đoan trong đêm chung kết. Anh cũng phải tính cả những việc đơn giản nhất như bố trí sân khấu, tìm địa điểm nào thích hợp nhất để các cô gái vận động ở nhiều dạng khác nhau có thể di chuyển dễ dàng. Rồi lưu ý việc các thí sinh sẽ rất dễ bị ngã khi di chuyển, tình nguyện viên cho cuộc thi cũng phải tìm người rất gần gũi với người khuyết tật... Hàng trăm nỗi lo có tên và không tên như thế đã được mọi người trong ban tổ chức hóa giải, chỉ nhờ có tình yêu thương và những tấm lòng!

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm