Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cô gái làm freelance, sống mỗi nơi vài tháng, từ Tà Xùa đến Phú Quý

Duy trì thu nhập qua các công việc freelance, Tạ Thị Thùy có thể đảm bảo tài chính trong khi thoải mái xê dịch nhiều nơi sống.

Những ngày tháng 5 nắng gió trên đảo Phú Quý, thời gian biểu trong một ngày của Tạ Thị Thùy (sinh năm 2000) khá thảnh thơi, chủ yếu chỉ xoay quanh việc ăn, ngủ, dạo chơi loanh quanh, đôi lúc viết bài sale cho nơi cộng tác hay trả lời tin nhắn khách hàng mua tour du lịch.

Song một tuần nay, cứ khoảng 16h, Thùy và nhiều người bạn mới quen có thêm hoạt động mới: đi nhặt rác trên hòn đảo.

“Ban đầu tôi chỉ tính ra đảo nghỉ ngơi, khám phá một chút song vào ngày thứ 3 ở đây, tôi muốn có hoạt động gì đó vui vui, giúp ích nên nghĩ ra ý tưởng đi nhặt rác. Cũng may sau khi đăng bài kêu gọi trên nhóm dành cho người sống trên đảo, tôi được nhiều bạn trẻ hưởng ứng”, Thùy nói.

Phú Quý hiện cũng là cái tên mới nhất trong danh sách nơi sống của cô gái quê Thái Nguyên. Cô đến hòn đảo từ ngày 11/5.

Kể từ sau khi tốt nghiệp đại học năm 2022, Thùy đổi chỗ ở ít lâu một lần để thay đổi không khí, tìm những trải nghiệm mới. “Người bản địa part-time” - cách nhiều bạn bè gọi cô gái 23 tuổi - chia sẻ với Zing rằng cô không muốn bó buộc quá lâu ở một nơi, tranh thủ những tháng ngày còn sức khỏe, còn năng lượng.

nhat rac dao Phu Quy anh 1

Thùy và các bạn trẻ nhặt rác trên đảo Phú Quý.

Luôn sẵn sàng cho môi trường mới

Tự nhận là người thích bay nhảy, ngay khi bắt đầu cuộc sống đại học ở Hà Nội, Thùy đi làm thêm, tiết kiệm tiền phục vụ đam mê này. Chuyến đi đầu tiên của Thùy là phượt bằng xe máy cùng bạn lên Mộc Châu.

Vì những năm tháng cuối đại học trùng thời điểm dịch Covid-19, chủ yếu học online, tháng 3/2022, cô quyết định đặt vé máy bay vào Đà Lạt, TP.HCM để vừa chơi, trải nghiệm vừa tìm hiểu làm báo cáo thực tập về các mô hình farmstay, nông nghiệp kết hợp du lịch.

Tháng 6/2022, Thùy về lại Hà Nội, hoàn tất việc tốt nghiệp đại học rồi di chuyển lên Sa Pa, hào hứng với cuộc sống mới. Để có tiền trang trải, ngoài nhận job freelance mảng sale, content, Thùy nhận việc thêm tại một homestay vừa khai trương, nằm ngay trong làng của người dân tộc Giáy.

“Vì homestay mới nên chưa nhiều lượt tiếp cận, tôi gợi ý chủ nhà nhận các tình nguyện viên đến trải nghiệm theo phong cách nghỉ ngơi, chữa lành. Đây cũng là xu hướng tôi thấy được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, nhất là sau đại dịch. Quả thực, mọi người đón nhận chương trình này rất nhiệt tình”.

Vào tháng 9, sau một lần đau bụng dữ dội, Thùy phát hiện bị đa nang buồng trứng. Vì muốn yên tâm, cô quyết định về Thái Nguyên để kiểm tra kỹ hơn và thực hiện phẫu thuật. May mắn là nhờ hồi phục nhanh, cô được xuất viện chỉ sau 7 ngày.

Ở nhà thêm được một tuần, chân đã bắt đầu “bồn chồn”, Thùy muốn đi tiếp. Điểm đến lần này là Cà Mau - vùng cực nam của Tổ quốc. Giống các lần trước, cô xin đến ở một farmstay trong khoảng 10 ngày. Sau đó, cô trở lại thăm Đà Lạt khoảng nửa tháng.

“Lúc ở Đà Lạt, tôi nhờ một người bạn trên Tà Xùa kết nối giúp chỗ ăn ở, nhận tình nguyện viên làm việc và được giới thiệu tới một quán cà phê địa phương. Tất nhiên song song đó, tôi vẫn làm các dự án từ xa cho những nơi cộng tác để đảm bảo thu nhập”.

Gần nửa năm ở Tà Xùa, từ tháng 10/2022 đến cuối tháng 4, Thùy vận động tổ chức dự án “kẹo ngọt cho em”, theo đó quán cà phê nơi cô làm việc đồng ý trích ra 1.000 đồng doanh thu từ mỗi ly nước để ủng hộ. Cộng thêm tiền tip của nhân viên gom lại, cô và mọi người đều đặn tổ chức các buổi nấu ăn, mua bánh kẹo cho nhiều em nhỏ địa phương 1-2 lần/tháng.

“Ở mỗi nơi đi qua, tôi cố gắng làm điều gì đó có ích hay ý nghĩa cho cộng đồng, cũng là để bản thân nhận lại nhiều năng lượng tích cực. Tôi cũng rất vui khi lan tỏa được suy nghĩ này đến những người bạn quen trên hành trình”, Thùy chia sẻ.

Chưa hẹn ngày về

Những ngày đầu ra Phú Quý, cô gái vốn quen không khí se lạnh nơi vùng núi gặp chút khó khăn để thích nghi với cái nóng ở đảo. Bù lại, cảnh đẹp, không khí yên bình và người dân địa phương hiếu khách khiến cô thực sự cảm thấy dễ chịu, thoải mái.

“Tôi được một người bạn là dân địa phương ngỏ lời mời đến nhà sống. Bố bạn thường xuyên đi biển, mẹ đi chợ nên tôi may mắn được thử nhiều loại hải sản lạ. Đây cũng chính là một trong những trải nghiệm khó có được với du khách bình thường”.

nhat rac dao Phu Quy anh 4

Cô gái 23 tuổi chưa xác định ngày trở về đất liền.

Ở mỗi nơi đến, Thùy không đặt nặng chuyện phải làm được gì, khám phá bao nhiêu mà tranh thủ tận hưởng theo ý thích. Luôn trong tâm thế sẵn sàng di chuyển, đến môi trường mới, cô gái 23 tuổi thủ sẵn chiếc balo đựng vài bộ đồ, vật dụng cơ bản đồng hành.

Những ngày này, ngoài thảnh thơi thăm thú hòn đảo, Thùy vẫn duy trì việc nhặt rác với mọi người. Cả nhóm thống nhất trước lịch trình, quân số qua nhóm chat chung.

Từ ngày đầu khoảng 10 người, hiện trung bình mỗi buổi nhặt rác, nhóm của Thùy có sự tham gia của khoảng 20 thành viên, phần lớn là hướng dẫn viên du lịch, người dân địa phương, du khách và cả các bạn trẻ bỏ phố ra đảo sống trải nghiệm như Thùy.

Vì là hoạt động tự phát, các thành viên tự bỏ tiền mua bao, găng tay, nước uống và thậm chí phí xử lý rác tại nhà máy, tính theo kg.

“Về sau, chúng tôi được ủng hộ và xin được bao cũ, song vấn đề mới phát sinh là rác thu được quá nhiều, có lúc lên tới hàng trăm bao, nên phí xử lý tại nhà máy cũng bị đội lên từ vài chục thành hàng trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, cả nhóm thống nhất gắng được tới đâu sẽ gắng”.

Cũng nhờ những buổi đi nhặt rác, Thùy và các thành viên quen được nhiều người mới trên đảo, có người đang sống một mình thành có bạn ghép chung. Tối tối, cả nhóm í ới rủ nhau đi ăn uống, cà phê hóng gió.

Cô gái 23 tuổi vẫn chưa mua vé về đất liền, dự định “khi nào nhặt rác được một vòng quanh đảo sẽ tính”. Hiện, những người bạn đã đi được khoảng 1/3 quãng đường.

“Sau Phú Quý, có lẽ tôi sẽ vẫn trở lại Tà Xùa vì yêu thích cuộc sống ở nơi này. Tôi quan niệm cứ còn sức khỏe, tự kiếm ra tiền và đôi chân chưa chùn thì sẽ vẫn theo đuổi lối sống này”.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Công việc thu hút giới trẻ Hàn Quốc khi dân số ngày càng già đi

Tại xứ củ sâm, ngày càng nhiều người trẻ độ tuổi 20, 30 đăng ký tham gia các lớp đào tạo về ngành tang lễ trong bối cảnh dân số già hóa.

Mai An

Bạn có thể quan tâm