Câu chuyện bắt đầu bằng một buổi sáng tưởng như hoàn hảo ở vùng ngoại ô Missouri yên bình. Nick Dunne (Ben Affleck) trở về nhà để kỷ niệm 5 năm ngày cưới với người vợ Amy (Rosamund Pike) và phát hiện ra cô đã biến mất. Cửa chính mở toang, nhà bếp có dấu hiệu của sự vật lộn, những vết máu được lau chùi sơ sài trên sàn nhà. Vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới truyền thông và công chúng vì Amy là hình tượng cho một nhân vật trong loạt sách thiếu nhi nổi tiếng Amy Huyền Diệu. Mọi nghi ngờ đổ dồn về phía Nick Dunne. Anh ta có giết vợ không? Nếu Amy đã chết thì xác của cô hiện đang được giấu ở đâu?
Giống như một lời cảnh báo thường thấy trong những bộ phim hành động, có một thông điệp cần được nhắc đi nhắc lại với khán giả trước khi bắt đầu đắm mình vào hành trình dài 150 phút của Gone Girl: “Đừng tin ai hết” và “Mọi thứ không giống như vẻ bề ngoài”.
Gone Girl khởi đầu bằng sự kiện Amy mất tích vào đúng ngày hai vợ chồng nhà Dunne kỷ niệm 5 năm ngày cưới. |
Với Gone Girl, khán giả như được ngồi ở vị trí thẩm phán, trong một vụ vợ chồng đâm đơn ly dị ra tòa và lắng nghe lời khai từ hai phía. Sẽ có hai phiên bản của câu chuyện, không phiên bản nào hoàn toàn là bịa đặt, nhưng cũng không phiên bản nào thực sự là đáng tin cậy. Người ta thường có xu hướng thêm bớt các tình tiết, đẩy lỗi cho kẻ còn lại, khiến mình trông có vẻ là nạn nhân để tranh thủ sự cảm thông của người nghe. Sự thật nằm ở đâu đó giữa hai lời kể chuyện và khán giả phải là người rất tinh tường để có thể nhận ra.
Gone Girl là một tác phẩm điện ảnh chuyển thể khá trung thành với nguyên tác bởi tác giả Gillian Flynn là người trực tiếp chắp bút cho kịch bản. Phim gay cấn, khó đoán, đưa khán giả đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những cú twist có thể không làm hài lòng những người theo chủ nghĩa hoàn hảo vì chúng vẫn chưa thực sự thuyết phục, song sẽ khiến số đông khán giả thỏa mãn.
Gone Girl, ở một khía cạnh nào đó, có thể coi là một câu chuyện cay đắng về tình yêu và hôn nhân. Đầu phim và cuối phim đều là những câu hỏi ám ảnh của nhân vật Nick Dunne: “Em đang nghĩ gì? Em đang cảm thấy như thế nào? Em là ai? Chúng ta đã làm gì nhau thế này?”.
Nick và Amy từng là những người rất yêu thương nhau, tiến đến hôn nhân một cách tự nguyện. Câu chuyện tình của họ đẹp như mơ. Chàng và nàng đều là dân viết lách, có học thức cao, sở hữu vẻ bề ngoài dễ gây cảm tình. Họ gặp nhau ở New York, trao nhau nụ hôn đầu dưới cơn mưa bụi đường trước một cửa hàng làm bánh. Chàng cầu hôn nàng một cách kịch tính và lãng mạn bằng cách giả vờ làm phóng viên trong một buổi họp báo. Một câu chuyện có khởi đầu đẹp như cổ tích nhưng lại kết thúc đầy cay đắng. Nick thốt lên rằng: “Anh đã từng yêu em, để rồi sau đó tất cả những gì chúng ta làm là hành hạ nhau, kiểm soát nhau. Chúng ta gây tổn thương cho nhau từng ngày”. Amy điềm tĩnh đáp lại bằng một câu trả lời có thể khiến người nghe lặng đi: “Hôn nhân chính là như vậy đấy”.
Toàn bộ bộ phim là một câu chuyện cay đắng về tình yêu và hôn nhân. |
Gone Girl khiến khán giả nghĩ ngợi về cách tình yêu khởi đầu và kết thúc. Ở giai đoạn tán tỉnh, hẹn hò, người ta thường có xu hướng đóng kịch, cố gắng trở thành hình ảnh mà đối phương mong muốn. Amy biết Nick thích một “cool girl” nên cô cố gắng trở thành một cô gái xinh đẹp, chịu chơi, lúc nào cũng mỉm cười và không bao giờ phàn nàn. Nick biết rằng Amy sẽ bị thu hút bởi một người sắc sảo, lịch lãm và quan tâm, anh cho cô thứ mà cô muốn. Thời gian dần trôi, những khó khăn thực sự của cuộc sống xuất hiện: suy thoái kinh tế, mất việc, những quyết định không hỏi ý kiến nhau, một bà mẹ ốm, sự chuyển nhà… Tất cả khiến chiếc mặt nạ hoàn hảo rơi đi, để rồi một buổi sáng tỉnh dậy, Amy và Nick nhận ra rằng mình hoàn toàn xa lạ và không biết gì về kẻ đầu ấp má kề bấy lâu nay.
Gone Girl sẽ là một bộ phim khiến phái đẹp hả hê. Điều thú vị là bộ phim khiến cho hàng loạt những câu trích dẫn mà mọi người thích chia sẻ trên mạng xã hội bỗng dưng trở nên đúng đắn và xác đáng đến không ngờ. “Phụ nữ thích đọc sách rất nguy hiểm”, “Phụ nữ ra sao phụ thuộc vào cách bạn đối xử với họ”… Bộ phim vì thế mà mang đậm chất nữ quyền với thông điệp gửi đến các quý ông rất rõ ràng rằng: đừng đùa với phụ nữ, đừng bao giờ dồn đầy họ vào con đường cùng.
Với vai diễn Amy Dunne, kiều nữ Rosamund Pike người Anh thực sự là một ứng viên nặng ký tại Oscar 2015. |
Bộ phim cũng là một lời chế nhạo chua cay tới sự hỗn loạn của truyền thông và hội chứng đám đông. Báo chí có xu hướng thổi phồng mọi thứ, thêm thắt quá đà, cốt sao để bán được báo, thu hút được người xem. Họ sẵn sàng đổ dầu vào lửa, tát nước theo mưa, bỏ qua hết những giá trị về sự trung thực và nhân đạo, miễn sao đạt được mục đích. Đám đông thì cả tin, bồng bột, xoay chuyển chóng mặt và bị truyền thông dắt mũi. Sách vở thường khuyên đừng bao giờ quan tâm đến những gì người khác nghĩ, chỉ cần chính bạn hiểu mình là đủ. Gone Girl dạy một điều ngược lại: muốn thành công, điều quan trọng không phải bạn thực sự là ai mà bạn khiến người khác nghĩ gì về bạn. Nick và Amy, ai là nạn nhân, ai là thủ phạm? ai có tội, ai không có tội? Điều đó không quan trọng. Ai được lòng đám đông hơn, kẻ đó sẽ giành phần thắng.
Gone Girl đón nhận sự trở lại của Ben Affleck sau một thời gian dài bị chỉ trích về diễn xuất. Khả năng của tài tử không khá lên là bao nhưng vẻ mặt ngô nghê, ít biểu cảm của anh vô tình lại rất phù hợp trong vai kẻ bị dắt mũi. Rosamund Pike rất có thể sẽ nhận được một đề cử Oscar 2015 cho vai diễn Amy Dunne. Cô xuất sắc hóa thân thành một nhân vật trầm tĩnh, yêu kiều, giáo dục cao song có một chút điên trong bản chất. Ánh mắt của Amy nhìn rất điềm đạm nhưng đôi khi lại trống rỗng, khiến khán giả ám ảnh.
Sau những Se7en, Fight Club, Zodiac, đạo diễn David Fincher không làm thất vọng giới mộ điệu với một bộ phim tăm tối nhưng vẫn đậm chất giải trí. Gay cấn, hồi hộp nhưng vẫn có những khoảng lặng khiến khán giả suy ngẫm, Gone Girl là một sự lựa chọn thú vị cho khán giả, đặc biệt những người chọn xem phim với nửa kia của mình.
Zing.vn đánh giá: 5/5
Gone Girl (tựa Việt: Cô gái mất tích) khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 24/10. |