Anna Sacks, một sao mạng 30 tuổi ở thành phố New York, đang phơi bày sự lãng phí của nhiều công ty tại nước Mỹ bằng cách “khai thác” núi thực phẩm khổng lồ vẫn còn trong trạng thái hoàn hảo, cùng một số loại hàng hóa khác từ các thùng rác ở thành phố này.
Anna ghi lại các cuộc săn lùng rác độc đáo của mình tại nhiều nơi khác nhau, từ bãi rác của những “gã khổng lồ” đa quốc gia cho đến bãi rác địa phương. Các đoạn clip về những lần cô ngụp lặn trong bãi rác thu về hàng triệu lượt xem trên nhiều nền tảng mạng xã hội, theo New York Post.
Anna Sacks từ bỏ công việc ngân hàng với mức lương tốt để đi nhặt rác. Ảnh: Zach Pagano/TODAY. |
Tận dụng các thùng rác
“Hoạt động này rất có ý nghĩa đối với tôi”, Anna, cựu nhân viên ngân hàng đầu tư sống ở khu Upper West Side, nói với New York Post về lối sống mới của mình. Mỗi tuần, cô kiểm tra các túi rác của hàng xóm và các nhà bán lẻ gần nhà 3-4 lần/tuần, mỗi lần khoảng 4 tiếng.
Với một chiếc xe đẩy, hai túi có thể tái sử dụng và một đôi găng tay, Anna tìm kiếm những món đồ vẫn còn công dụng như đồ hộp, đồ gốm, mỹ phẩm và đồ nội thất, đôi khi là quần áo cũ.
Mỗi khi tới một thùng rác, “chiến binh bảo vệ hệ sinh thái” sẽ sàng lọc đống rác thải bằng đôi tay đã đeo găng chống thủng để tìm kiếm hàng hóa có thể tái sử dụng. Sau đó, cô chất vào xe đẩy và mang về nhà.
Trong video 2,5 triệu lượt xem gần đây, cô tìm thấy một “kho báu” các loại kẹo trong thùng rác gần cửa hàng bán lẻ CVS. Anna cũng ngủ trên ga trải giường được giặt giũ sau khi lấy ra từ một túi rác sau, uống cà phê pha từ những túi hạt còn nguyên đóng gói bị ném đi.
“Tất cả đều đã qua thời hạn dùng tốt nhất khoảng một tháng. Tôi vẫn sẽ tận hưởng những món này”, cô nói.
Tuy nhiên, thông qua những gì đang làm, Anna không chỉ tiết kiệm được tiền mà còn mong muốn có thể thay đổi thế giới.
Những món ăn, vật dụng còn mới, đóng gói nguyên tem được Anna tìm thấy trong thùng rác. Ảnh: J.C.Rice/New York Post, @thetrashwalker. |
Anna, hiện là chuyên gia tư vấn về giảm thiểu chất thải, đang chỉ trích các công ty, tập đoàn lớn về hành vi lãng phí của họ. Cụ thể, bản kiến nghị trên trang change.org của cô nhằm yêu cầu công ty bán lẻ Mỹ CVS “Hãy quyên góp, đừng vứt đi” đã thu về gần 500.000 chữ ký ủng hộ.
“Sản phẩm đã được làm ra thì ắt phải được tiêu thụ. Thật kinh tởm khi vứt bỏ là những gì công ty muốn làm, thay vì giúp đỡ người khác”, sao mạng chuyên nhặt rác nói với The Guardian.
Anna còn tìm thấy những suất ăn và cốc sinh tố vẫn còn tươi mới, có thể ăn được của các thương hiệu thực phẩm sang trọng, đắt tiền ở thành phố New York.
Truyền cảm hứng
Nguồn cảm hứng cho công việc đặc biệt này của Anna không xuất phát từ những đống rác trên đường phố.
Anna cho biết sau khi từ bỏ công việc được trả lương cao vào tháng 8/2016, cô đăng ký tham gia một chương trình làm nông nghiệp kéo dài 7 tháng của người Do Thái ở bang Connecticut.
“Tôi đã gặp khó khăn khi phải lao động nhiều giờ, làm việc vào cả cuối tuần mà không thắc mắc lý do. Nhờ làm nông nghiệp và học hỏi về phân trộn, tôi có một cái nhìn khác về lương thực”, cô chia sẻ.
Anna chủ yếu hoạt động vì môi trường sau khi rời công việc ngân hàng năm 2016. Ảnh: Stephen Yang. |
Sau khi trở về New York, Anna tiếp tục tham gia một khóa học làm phân hữu cơ tại trung tâm sinh thái Lower East Side, bắt đầu làm tình nguyện viên giải cứu thực phẩm và dạy tiếng Do Thái để kiếm sống.
Cuối cùng, cô chuyển sang làm việc với Think Zero LLC, một công ty tư vấn giúp các tập đoàn cắt giảm chất thải, là nơi Anna học về những thói quen xả rác trong cuộc sống hiện đại.
Để giảm thiểu hiện tượng gây lãng phí, Anna ủng hộ việc gây áp lực lên các tập đoàn để cung cấp hàng hóa của họ cho những người có nhu cầu.
“Giải pháp tốt nhất không phải đổ vào thùng rác, mà là quyên góp”, cô nói với NowThis trong một cuộc phỏng vấn năm 2019. Anna hy vọng lối sống gây tranh cãi của cô ít nhất có thể truyền cảm hứng tới mọi người, khiến họ lưu tâm hơn về lượng chất thải họ tạo ra.