Từ sáng 8/8, bếp bánh của chị Phạm Thị Hạnh Dung (44 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) trở nên bận rộn, tấp nập.
Với sự giúp đỡ của một số cư dân cùng tòa nhà, ngay trong ngày đầu tiên triển khai, bếp đã cho ra lò 680 chiếc.
Hàng trăm chiếc bánh nướng này không phục vụ mục đích kinh doanh, mà để dành tặng miễn phí cho các bệnh nhi đang điều trị Covid-19 tại một số bệnh viện ở TP.HCM.
Mẻ bánh Trung Thu đầu tiên dành tặng bệnh nhi Covid-19 của bếp chị Hạnh Dung. |
Mục tiêu 2.000 bánh tặng bệnh nhân nhí
Chia sẻ với Zing, chị Hạnh Dung cho biết mục tiêu đầu tiên của bếp chỉ là sản xuất 1.000 chiếc bánh. Nhưng với sự giúp đỡ của hàng xóm, con số đã tăng lên thành 2.000 chiếc.
Trong sáng 9/8, số bánh đã thành phẩm được đóng gói, vận chuyển tới bệnh viện. Chiều cùng ngày, bếp vẫn hoạt động và chuẩn bánh cho sáng hôm tiếp theo.
“Ý tưởng này đến với tôi từ bài báo kể về câu chuyện một cậu bé mới mất mẹ vi Covid-19. Cậu bé hiện ở trong bệnh viện để cách ly và được các bác sĩ tặng một chiếc bánh sinh nhật màu xanh. Tôi chợt nghĩ mình cũng có thể đem tới những bệnh nhi khác niềm vui tương tự nhân dịp Trung Thu sắp tới, khích lệ tinh thần các con trong thời điểm khó khăn này”, chị chia sẻ.
Trong số những người tình nguyện hỗ trợ ở khu chung cư, nhân vật khiến chị Hạnh Dung ấn tượng nhất là cậu bé Khổng Trung Nguyên (11 tuổi). Bé theo mẹ tới phụ giúp hoạt động làm bánh Trung Thu thiện nguyện.
Chị Dung hướng dẫn "tình nguyện viên" nhỏ tuổi nhất bếp làm bánh Trung Thu. |
Trong bếp, Trung Nguyên đảm nhiệm công việc cân bột, cán bột, cân nhân, vò nhân và lấy bánh từ khay rồi chất lên kệ để phơi.
Tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất này rất chăm chỉ, miệt mài làm việc tích cực dù bếp nướng khá nóng nực.
“Tôi chỉ gì, bé làm đó và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Khi tôi hỏi bé có mệt không, Trung Nguyên khiêm tốn đáp lại rằng: ‘Con không mệt. Con đâu làm gì nhiều đâu. Con thích công việc này mà’”, chị Dung kể lại.
Đem Trung Thu tới bệnh viện
Bên cạnh bếp bánh Trung Thu, chị Hạnh Dung còn điều hành một bếp ăn từ thiện đã hoạt động từ vài tuần trước đó.
Chia sẻ với Zing, nữ đầu bếp 44 tuổi cho biết trong quá trình làm tình nguyện viên hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 ở TP.HCM, chị chứng kiến nhiều người vô gia cư không có cơm ăn.
Điều này đã thôi thúc chị và các tình nguyện viên cùng tòa nhà tổ chức bếp cơm thiện nguyện.
Hạnh Dung nghỉ chân bên đường trong một lần đi giao cơm từ thiện. |
Từ vài chục suất ban đầu, số bữa cơm do bếp chị Dung nấu đã lên tới hàng trăm.
Công việc vận chuyển do chị và 2 tình nguyện viên khác đảm nhận, phần lớn đều tranh thủ trước lúc đi hỗ trợ thành phố chống dịch.
Ban đầu, toàn bộ chi phí đều do Hạnh Dung bỏ tiền túi của mình. Về sau, một số người bạn thân thiết đề nghị được đóng góp cho chị nhằm mở rộng hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ thêm nhiều đối tượng hơn.
Tuy nhiên, chị chỉ nhận kinh phí từ bạn bè thân quen, và từ chối đóng góp của người ngoài.
Chị khẳng định khả năng làm được bao nhiêu, chị làm tới đó, không muốn vận động hay xin ai.
“Nếu nhận hỗ trợ từ người lạ, sau này mất công họ kêu tôi công khai tài chính, hóa đơn mua bán. Bản thân tôi đầu tắt mặt tối, khó có thời gian ghi chi tiết mọi khoản chi”, chị Dung khẳng định quan điểm làm từ thiện của mình.
Nữ đầu bếp thừa nhận cả ngày đứng ở bếp bánh nóng nực không tránh khỏi sự mệt mỏi, đôi chân mỏi nhừ “tưởng như không đi được nữa”. Song, nghĩ tới niềm vui của những bệnh nhi khi nhận được bánh Trung Thu, chị lại tiếp tục làm.
“Có lẽ những mùa Trung Thu trước đây, các con được đủ đầy, quây quần bên gia đình. Năm nay, do hoàn cảnh đặc biệt hơn, tôi muốn được đem Trung Thu vào bệnh viện cho các con”, Hạnh Dung chia sẻ.