Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhà ở miễn phí cho bệnh nhân ung thư kẹt lại Hà Nội trong dịch

Từ khu vui chơi của học sinh mẫu giáo, căn phòng rộng khoảng 100 m2 trở thành nơi sinh hoạt của 3 gia đình có người thân đang chữa trị ung thư ở Hà Nội.

phong tro mien phi cua benh nhan ung thu anh 1

Những ngày gần đây, Thu Hiền (41 tuổi, Hải Phòng) phần nào cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi không phải lo từng bữa ăn hay từng ngày đóng tiền trọ. Khoản dành dụm được sẽ giúp đỡ nhiều cho quá trình điều trị ung thư của chị ở Bệnh viện K Tân Triều.

“Tính ra mỗi ngày, tôi tiết kiệm được gần 300.000 đồng”, Thu Hiền - bệnh nhân mắc sarcoma cơ vân thể hốc, một loại ung thư mô mềm ác tính - chia sẻ với Zing.

Chị Hiền là một trong số các bệnh nhân được đưa đến phòng trọ miễn phí nằm bên trong một trường mầm non tư thục ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Từ khu vui chơi của học sinh mẫu giáo, căn phòng khép kín rộng khoảng 100 m2 trở thành nơi tá túc rộng rãi của 6 người, bao gồm 3 bệnh nhân và người nhà của họ.

May mắn

Trước đó, Thu Hiền và mẹ ruột 74 tuổi sinh hoạt tại một phòng trọ nhỏ ngay trước cổng Bệnh viện K Tân Triều cùng với 2 bố con anh Văn Thịnh (52 tuổi, Hải Dương) và Thế Quang (17 tuổi), một bệnh nhân trẻ mắc loại ung thư hiếm gặp ở mô mềm.

Căn phòng rất nhỏ, chỉ đủ kê một cái giường và có giá thuê 150.000 đồng/ngày. Trong những ngày Hà Nội thắt chặt Chỉ thị 17, không thể trở về quê, 4 người cố gắng nương tựa vào nhau để sống.

“Về Hải Phòng lúc này không phải lựa chọn tốt nhất. Nếu về nhà, phác đồ điều trị của tôi sẽ bị ảnh hưởng do yêu cầu cách ly 21 ngày, hoặc không thể lên Hà Nội nữa. Trong khi đó, cứ 14 ngày tôi phải vào bệnh viện truyền một lần. Chưa kể, nếu có xe về Hải Phòng lúc này, 2 mẹ con tôi sẽ tốn khoảng 300.000 đồng tiền vé cho mỗi người”, nữ bệnh nhân chia sẻ.

Tuy nhiên, chi phí thuê trọ dài ngày sẽ rất tốn kém cho cả 2 gia đình, chưa kể đến tiền ăn uống, thuốc thang và phí điều trị ở bệnh viện. Cực chẳng đã, Thu Hiền gọi điện cho một thành viên thuộc CLB từ thiện Thiên thần và xin được hỗ trợ.

phong tro mien phi cua benh nhan ung thu anh 2

"Căn bếp" đơn giản, vỏn vẹn chiếc bếp từ và vài chai lọ dầu ăn, mắm muối.

Cùng lúc đó, Hồng Ngọc (31 tuổi), hiệu trưởng trường mầm non, quyết định dành một phòng có diện tích lớn, thông thoáng ở tầng 2 dành cho các bệnh nhân ung thư bị kẹt lại Hà Nội. Cô không thu phí thuê trọ, chỉ yêu cầu giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính của những người muốn tới sinh sống.

Sáng 2/8, nhờ sự kết nối của CLB từ thiện Thiên thần, cả 2 gia đình chị Hiền và anh Thịnh dọn tới phòng trọ đặc biệt của cô giáo Ngọc, nằm cách Bệnh viện K Tân Triều khoảng 8 km.

Sau đó, Văn Hùng (24 tuổi, Hà Tĩnh), bệnh nhân ung thư máu điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cùng mẹ là gia đình tiếp theo được đưa đến trường mầm non.

Trong thời gian tới, nếu cần hỗ trợ di chuyển tới viện, CLB từ thiện sẽ cử người đón đưa các bệnh nhân.

Chia sẻ với Zing về lý do cho thuê phòng miễn phí, hiệu trưởng Hồng Ngọc cho biết hành động thiện nguyện này xuất phát từ thực trạng cô chứng kiến được ở bệnh viện.

“Trong 4 ngày nằm viện do sốc phản vệ hậu tiêm vaccine, tôi gặp vô số các bệnh nhân mắc kẹt ở lại Hà Nội vì dịch bệnh. Hoàn cảnh của họ vốn đã khó khăn, người thân đi theo chăm nom lại càng vất vả trăm lần”.

“Vì vậy, tôi quyết định sử dụng một phòng lớn tại trường để làm chỗ lưu trú miễn phí cho các bệnh nhân ung thư cùng gia đình, đồng thời kết hợp với một số bên để tài trợ chi phí sinh hoạt cho họ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kết nối và đưa thêm bệnh nhân cần hỗ trợ về phòng”, cô nói.

Bớt lo nghĩ từng bữa ăn

Cuộc sống của 3 gia đình chỉ gói gọn trong căn phòng 100 m2 khép kín. Mặc dù nằm trong khuôn viên trường mẫu giáo có sân vườn lớn, chưa ai rời khỏi phòng từ ngày chuyển về đây.

“Chúng tôi không xuống dưới tầng 1. Từ hôm mới tới, bác bảo vệ đã quán triệt tinh thần rồi. Tưởng như chúng tôi đang đi cách ly tập trung vậy”, anh Thịnh cười, nói.

“Thực ra, chúng tôi quen rồi. Trước đây, khi thuê trọ trước cổng viện, chúng tôi chỉ loanh quanh trong căn phòng nhỏ, không dám bước ra khỏi cửa trừ khi cần mua nhu yếu phẩm. Bản thân chúng tôi cũng cần phải giữ gìn sức khỏe để còn đưa bệnh nhân vào viện chữa trị tiếp. Hơn nữa, chúng tôi hiểu rằng các nhân viên nhà trường cũng lo lắng về dịch bệnh”, ông bố 51 tuổi chia sẻ thêm.

phong tro mien phi cua benh nhan ung thu anh 7

Cô Hà cho các bệnh nhân mượn một số đồ dùng bếp của nhà trường để nấu nướng trên tầng.

Dù vậy, ai nấy đều vui vẻ. Chị Hiền cho biết các nhân viên nhà trường rất nhiệt tình, giúp họ mua sắm đầy đủ vật dụng sinh hoạt cần thiết, từ nước rửa tay, bàn chải, tuýp thuốc đánh răng... cho đến băng vệ sinh, và đem đến tận cửa phòng.

Các gia đình cũng không phải đắn đo từng bữa cơm bởi liên tục được cung cấp thực phẩm tươi sạch mỗi ngày. Mọi chi phí do hiệu trưởng Hồng Ngọc và nhóm thiện nguyện của cô tài trợ.

“Tôi không mấy lo lắng khi tiếp đón các bệnh nhân vào trường học. Người ta cũng khổ quá rồi. Tôi cố gắng giúp đỡ được chút nào hay chút đó”, cô Nguyễn Hà (55 tuổi, Phú Thọ), nhân viên nhà trường phụ trách mua sắm nhu yếu phẩm cho các bệnh nhân, chia sẻ.

Cách đây gần 10 năm, con dâu của cô Hà qua đời vì ung thư phổi ở tuổi 23. Vì vậy, cô phần nào dễ đồng cảm với những gì các bệnh nhân ung thư đang trải qua.

“Gần như, họ không cần phải bỏ ra đồng nào để mua nhu yếu phẩm vì chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Nếu cần gì thêm, tôi cũng sẵn sàng mua giúp. Nhà tôi cũng ngay gần trường, tiện đi lại. Thông thường, các bệnh nhân sẽ nhờ mua ít thuốc hoặc hoa quả để bổ sung vitamin”, cô nói thêm.

phong tro mien phi cua benh nhan ung thu anh 8

Bữa cơm trưa quây quần của các gia đình tại phòng trọ. Mặc dù ngại tóc rụng, chị Hiền (áo cam) không "xuống tóc" như hai nam bệnh nhân Văn Hùng và Thế Quang (ngồi lần lượt bên phải chị Hiền).

Ngoài hành lang, các gia đình đặt một chiếc bếp từ để nấu nướng. Anh Thịnh cho biết chị Hiền nấu ăn ngon nhất trong 6 người nên thường đảm nhiệm vị trí đứng bếp, chỉ trừ những ngày quá mệt do uống thuốc hóa trị dạng uống.

Những thành viên còn lại thay nhau dọn dẹp phòng mỗi ngày để giữ cho không gian sống luôn mát mẻ, sạch sẽ.

Đến giờ ăn, mọi người quây quần bên mâm cơm được bày biện trên tấm nylon trắng cỡ lớn. Cứ người này động viên người kia ăn nhiều hơn một chút để lấy sức chiến đấu với bệnh tật.

“Ở đây, các cô bác quan tâm rất chu đáo và tạo điều kiện, không để chúng tôi thiếu thứ gì. Thực sự, chúng tôi cảm thấy may mắn khi được nhận sự trợ giúp hiếm có này”, 3 gia đình bày tỏ sự cảm kích.

F0 ở TP.HCM xin được quét dọn, gội đầu cho cả khoa bệnh

Ngọc Trường, một F0 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, đã tự mình trở thành "điều dưỡng" đặc biệt, giúp đỡ những bệnh nhân xung quanh ăn uống, vệ sinh và gội đầu.

Hồng Chang - Phạm Thắng

Bạn có thể quan tâm