21h ngày 5/8, Hà Ngọc Trường (sinh năm 1993) mới về phòng bệnh của mình tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP.HCM để nghỉ ngơi.
Từ sáng sớm, nam F0 này đã đến những giường bệnh xung quanh để hỗ trợ dọn dẹp, giúp đỡ các bệnh nhân Covid-19 khác trong việc sinh hoạt, ăn uống và điều trị bệnh.
Việc làm của Trường đã được duy trì suốt hơn 20 ngày qua, kể từ khi chàng trai đỡ dần những triệu chứng bệnh trầm trọng. Anh đã trở thành một "điều dưỡng" quen thuộc với tất cả bệnh nhân, mỗi ngày đều tất bật giúp đỡ hàng trăm công việc không tên tại bệnh viện.
Hơn 20 ngày qua, Ngọc Trường tham gia giúp đỡ cho những bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. |
Xin được làm lao công, gội đầu cho bệnh nhân Covid-19
Chia sẻ với Zing, Ngọc Trường cho biết đang được điều trị Covid-19 tại Khoa Nhiễm 1, Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Khoa anh nằm có phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi, sức khoẻ khá yếu và không có người thân chăm sóc.
Trường thấy nhiều cô chú phải thở oxy, không tự đi lại được, mọi việc sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ nhân viên y tế hỗ trợ, do vậy đã nhanh nhẹn mở lời xin được giúp đỡ.
"Khoa tôi có bệnh nhân phải chạy thận, nhiều người khác lại liệt chân hoặc già yếu không thể tự chăm sóc mình. Trong khi đó các anh chị nhân viên y tế phải làm quá nhiều việc, tôi muốn góp sức để hỗ trợ mọi người.
Ban đầu tôi chỉ đút cơm, cháo cho các cô chú mà thôi. Sau đó tôi giúp thêm việc thay tã, lau người, đỡ họ đi vệ sinh, hướng dẫn thay bình oxy… Dần dần công việc thành quen, bất kể có việc gì cần thiết, tôi đều làm", Trường kể.
Trường cùng nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân cao tuổi. |
Đặc biệt, nam thanh niên còn thường xuyên gội đầu giúp những bệnh nhân Covid-19. Mang theo 2 chiếc chậu, một chiếc khăn và nụ cười thân thiện, Trường xin được gội đầu cho những cô, bác lớn tuổi.
Được đồng ý, chàng trai thoăn thoắt tay xối nước, tay gãi đầu, chẳng mấy chốc đã gội xong mái tóc dài cho những F0. Mỗi ngày, chàng trai luân phiên gội đầu cho vài bệnh nhân như thế.
"Có nhiều lần, các cô chú tự gọi tôi nhờ gội đầu giúp. Ngày trước ở nhà tôi thường gội đầu cho mẹ như thế này nên giờ không gặp khó khăn gì. Cũng từng là một bệnh nhân Covid-19 nặng, tôi hiểu các cô chú sẽ khó chịu lắm nếu nhiều ngày không được làm sạch tóc", Trường nói.
Nam thanh niên nhiệt tình gội đầu cho nữ bệnh nhân Covid-19. |
Ngoài thời gian làm "điều dưỡng", Trường còn tranh thủ lau chùi, quét dọn vệ sinh tại khu vực các phòng bệnh, đôi khi còn cùng các nhân viên y tế đón F0 nhập viện.
Anh cho biết bản thân chưa khỏi bệnh hoàn toàn nhưng sức khỏe đang hồi phục rất tốt. Các y bác sĩ, nhân viên y tế ghi nhận tinh thần của anh, đồng ý cho anh giúp đỡ các công việc tại phòng bệnh.
Tuy nhiên, Trường cũng được nhắc nhở phải đảm bảo quy định phòng dịch.
"Các anh chị bác sĩ cho tôi găng tay y tế, dặn tôi phải luôn đeo khẩu trang, khử khuẩn trong quá trình tiếp xúc với những bệnh nhân khác.
Trước khi lên Khoa Nhiễm 1, tôi phải nằm tại Khoa Cấp cứu, không đi lại được, sinh hoạt cá nhân hoàn toàn phải nhờ đến bác sĩ. Nhìn anh chị ấy vất vả tôi thương lắm. Có những ngày 3-4 tiếng đồng hồ, họ không được uống nước hay ngồi xuống nghỉ ngơi. Giờ tôi đã khoẻ, tôi muốn làm gì đó giúp đỡ lại cho họ", Trường tâm sự.
Từng là bệnh nhân nặng, gia đình có 5 F0
Trước đó, ngày 15/6, Trường nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho nhiều và suy hô hấp nặng. Anh phải điều trị một tháng tại Khoa Cấp cứu, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào máy thở.
"Gia đình tôi có 5 người thì tất cả đều mắc Covid-19. Trong đó, mẹ tôi nặng nhất đang phải điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. 10 ngày đầu nhiễm bệnh, tôi sốt triền miên và mất vị giác. Ngày thứ 11, tôi khó thở và ho rất nhiều. Đến ngày thứ 25, tôi mới thấy sức khoẻ mình khá hơn.
Các bệnh nhân, nhân viên y tế quen thuộc với sự có mặt của Trường. |
Giờ đây tôi hết ho, hết đau ngực, cảm thấy mình gần như đã khoẻ hoàn toàn", Trường cho biết.
Nam thanh niên chia sẻ hành trình vượt qua cửa tử của mình rất khó khăn, nỗi sợ hãi liên tục hiển hiện trong đầu. Nhưng dường như càng sợ, Trường càng lâu bình phục. Do vậy, anh đã lấy gia đình làm điểm tựa để gắng gượng vực dậy tinh thần.
"Tôi muốn nói với tất cả bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là những bệnh nhân lớn tuổi, rằng việc giữ vững tinh thần là rất quan trọng.
Có tinh thần tốt chúng ta mới có thể vượt qua những cơn đau. Bệnh nào cũng thế, chúng ta luôn phải lạc quan mới chữa khỏi được", anh nói.
Giờ đây khi được làm "điều dưỡng" cho những bệnh nhân lớn tuổi, Trường càng cố gắng lan tỏa tinh thần lạc quan, hứng khởi của mình. Chính sự ứng xử tử tế và nụ cười của chàng trai đã giúp anh nhận lại rất nhiều cảm tình từ những F0 cùng khoa bệnh.
"Có nhiều lần tôi trêu các cô chú rằng 'chào mọi người nhé, ngày mai con về nhà rồi'. Nghe tôi nói vậy mọi người buồn thiu, nói tôi đừng về.
Tôi cũng rất quý mến cô chú. Nhưng điều tôi mong mỏi nhất là được nhìn họ xuất viện để về với gia đình. Tôi hy vọng tất cả bệnh nhân Covid-19 tại đây đều sớm khỏi bệnh, được trở lại cuộc sống bình thường trước đây", Trường nói.
Theo Bộ Y tế, ngày 5/8, cả nước có 3.708 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi F0 xuất viện phải đạt đủ điều kiện là chỉ số nồng độ virus thấp CT>=30, test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2. Trước khi rời bệnh viện, họ đều ký bản cam kết đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà.
Các chuyên gia nhận định số ca khỏi bệnh tăng đều trong thời gian gần đây là tín hiệu tốt cho hệ thống điều trị Covid-19 tại Việt Nam.