Anh Vũ là giám đốc khách sạn cho Như ở miễn phí hai ngày, đưa cô đi chơi nhiều nơi. |
“Do bị tai nạn khi còn quá trẻ, bản thân em chưa đi và trải nghiệm được nhiều nơi. Từ sau khi bị tai nạn em cũng chưa đi du lịch bao giờ.
Tháng 4 này em đi Đà Lạt, em chưa có người đi cùng. Em muốn tìm bạn đồng hành dễ thương giúp em chụp hình và thi thoảng đẩy em những lúc địa hình khó khăn em không lăn xe được. Hoặc là người ở Đà Lạt cũng được ạ, em có thể tự lên Đà Lạt và chỉ cần có người dẫn đi chơi thôi cũng được”.
Ngày 2/4, bài đăng của Nguyễn Ngọc Như (sinh năm 2000, quê Cà Mau, sống tại TP.HCM) trên hội nhóm về du lịch Đà Lạt trở thành một trong những bài đăng nhận được nhiều lượt tương tác nhất.
Kể với Zing, Như nói cô đã bất ngờ và xúc động đến bật khóc khi hơn 500 người lạ nhanh chóng nhắn tin, bình luận ngỏ ý giúp đỡ trong chuyến du lịch.
Từ một giám đốc khách sạn mời Như đến ở miễn phí, nhiếp ảnh gia sẵn sàng chụp giúp bộ ảnh, cô gái hỗ trợ di chuyển từ TP.HCM đi Đà Lạt đến những người dân địa phương, không ai quen ai hay biết Như trước đó, nhưng đều nhiệt tình chào đón nữ du khách.
“Tôi không ngờ sẽ có nhiều người phản hồi đến vậy, tất cả đều thật tâm chứ không phải nói suông. Tôi thật sự biết ơn sự tử tế của mọi người”, Như nói.
Những người lạ dễ thương
Nhờ bài đăng, Ngọc Như kết nối được với Mai Ngô, cô gái cũng có lịch trình từ TP.HCM đi Đà Lạt cùng ngày 3/4. Cô đề nghị giúp Như khi di chuyển trên xe khách. Hai người chia tay khi đến nơi vì Mai Ngô bận việc riêng sau đó.
Chưa kịp “một mình” quá lâu, Như được Vũ - giám đốc một khách sạn tại Đà Lạt - đến bến xe đón, đưa về khách sạn lưu trú. Anh cũng là một trong những người đầu tiên bình luận dưới bài đăng của Như.
Tối ngày đầu tiên, Vũ giúp Như đẩy xe từ khách sạn ra chợ đêm Đà Lạt, thưởng thức các đặc sản địa phương rồi đẩy về. Quãng đường chừng 1 km nhưng nhiều dốc cũng đủ khiến anh thấm mệt.
“Dù vậy, anh liên tục pha trò, nói chuyện để tôi thấy vui và thoải mái. Các bạn nhân viên trong khách sạn cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ tôi di chuyển rất nhiệt tình”.
Như được nhiều người hỗ trợ trong chuyến đi. |
Ban ngày, Như được một số người bạn mới là dân địa phương, đều kết nối trước với cô qua bài đăng, dẫn đi cà phê, ăn uống, mua sắm. Thậm chí, cô gái Cà Mau phải sắp xếp lịch đi với từng nhóm theo lịch trình, vị trí của mọi người.
Những ngày tiếp theo, Như được trải nghiệm nhiều “lần đầu” ở thành phố lãng mạn này: lần đầu đi săn mây, lần đầu vào rừng thông hay lê la các quán cà phê nổi tiếng bên đồi.
“Hôm săn mây, chúng tôi dậy từ 4h, 5h sáng và di chuyển bằng xe máy. Đó cũng là lần đầu tiên tôi ngồi lại xe máy kể từ lúc bị tai nạn nên khá lo, nhưng hai người anh đi chung, một anh chở tôi, một anh chở xe lăn đã động viên và bảo đảm an toàn cho tôi suốt chuyến đi”.
Cô gái 23 tuổi đi săn mây, ngắm đồi thông ở Đà Lạt. |
Những con đường ven sườn đồi lấp lánh dưới ánh nắng sớm, hàng thông còn đẫm sương đêm, khung cảnh thơ mộng, không khí lành lạnh và trong lành khiến cô gái 23 tuổi phấn khích khi được trải nghiệm.
Ngày 8/4, Như cũng sẽ lần đầu được cắm trại trong rừng, chèo SUP với những người bạn mới trước khi trở lại TP.HCM vào hôm sau.
“Chắc chắn đây sẽ là một trong những kỷ niệm vui và ý nghĩa nhất đối với tôi. Trước khi bị tai nạn, tôi cũng chỉ có dịp đi chơi gần nhà, về trong ngày chứ chưa từng đi xa và lâu như vậy, thật sự đáng nhớ”.
Lạc quan
Khi chuẩn bị bước sang tuổi 18, Như gặp một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trải qua 3 cuộc phẫu thuật, cô giữ được tính mạng nhưng từ đó phải gắn bó với chiếc xe lăn. Bố mẹ ly hôn từ sớm, mẹ có gia đình mới, Như chủ yếu sống với bà ngoại.
“Thời gian đầu, tôi sốc, rất tiêu cực, không thể chấp nhận việc mất khả năng đi lại. Nằm trên giường bệnh, có lúc tôi so sánh với con mèo đi ngang hay những con vật khác, khi bản thân thậm chí chẳng thể tự do đi lại được như chúng, muốn buông xuôi tất cả”.
Dần dần, với suy nghĩ “phải tự làm chỗ dựa, lo cho bản thân”, Như chấp nhận hiện thực mới, hợp tác với bác sĩ thực hiện vật lý trị liệu.
Trong một năm đầu, cô được một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội hỗ trợ điều trị, sau đó là dạy nghề để ổn định cuộc sống. Cô gái sinh năm 2000 được học photoshop, tin học văn phòng, chỉnh sửa video để tìm việc.
Như lan tỏa sự lạc quan cho nhiều người. |
Khi sức khỏe ổn định, Như một mình thuê trọ ở Hà Nội trong gần 4 năm, làm công việc editor. Đến tháng 2 vừa qua, muốn thay đổi công việc, tìm cơ hội mới và cũng để gần đường về quê hơn, Như chuyển vào TP.HCM làm telesale.
“Ở một mình, lại còn ngồi xe lăn tất nhiên là thử thách, nhưng tôi cũng dần xoay xở được. Tôi để phần lớn đồ vật dưới thấp để tiện tầm với. Ở nhà thì dùng xe lăn, ra đường, tôi lắp thêm một đầu máy giống xe điện vào phía trước xe để di chuyển hoặc dùng taxi”.
Ngay cả khi đã hồi phục phần nào sức khỏe và cố nghĩ lạc quan, Như vẫn nhiều lần tự ti về bản thân. Ra ngoài hay mới đến chỗ làm, cô cảm giác mọi người nhìn chằm chằm vào đôi chân tong teo, vào chiếc xe lăn cô ngồi.
Lúc đầu, Như cũng không bao giờ dám mặc quần short hay váy ngắn để lộ chân, luôn mặc tất dài che đi một vết sẹo do bỏng sau tai nạn.
“Đến một ngày, chị đồng nghiệp nói với tôi: ‘Thực ra không ai để ý khuyết điểm của em đâu, chỉ là em thấy bản thân như vậy nên tự ti. Đến chị làm chung 2 năm cũng không biết, không để ý chân em như thế nào, xấu hay đẹp, hãy thoải mái và tự tin lên’. Từ đó tôi bắt đầu cởi mở hơn, nhận ra lời chị nói là đúng”.
Thông qua mạng xã hội, Như bắt đầu chia sẻ nhiều hơn về câu chuyện của bản thân để giãi bày đồng thời lan tỏa sự lạc quan đến người chung hoàn cảnh. Cô gái 23 tuổi nhiều lần hạnh phúc khi nhận được tin nhắn cảm ơn từ người lạ, rằng nhờ theo dõi cô, họ đã có dũng khí, động lực như thế nào. Mạng xã hội cũng giúp Như làm quen được nhiều người bạn mới.
Chuyến du lịch Đà Lạt chưa kết thúc, Như đã nhận được rất nhiều lời mời đi chơi từ mọi người ở khắp Bắc, Trung, Nam.
“Chắc chắn thời gian tới, tôi sẽ sắp xếp những chuyến du lịch khác, khám phá những vùng đất lạ. Hành trình lần này giúp tôi tin rằng cuộc sống còn rất nhiều người tử tế, ấm áp”.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.