Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Cô gái ở TP.HCM đi phỏng vấn 15 buổi vẫn chưa tìm được việc

Bảo Hà (25 tuổi, quận Gò Vấp) nhận quyết định sa thải trước Tết Nguyên đán. Hiện cô vẫn chưa tìm thấy công việc mới dù đã tham gia hơn 15 buổi phỏng vấn trong gần 1 tháng.

Bảo Hà vẫn loay hoay tìm việc trong dịp đầu năm.

Tôi là Bảo Hà (sinh năm 2000, Hà Nội), chuyên viên marketing, hiện ngụ tại quận Gò Vấp (TP.HCM).

Tôi đang trải qua giai đoạn tìm kiếm công việc khó khăn nhất từ khi bắt đầu đi làm vào năm 2020. Dù nghe nói thị trường tuyển dụng sau Tết Nguyên đán tương đối sôi động, mở ra nhiều cơ hội cho ứng viên, tôi vẫn chưa tìm thấy bến đỗ mới.

Bị sa thải trước Tết

Đầu tháng 1, tôi nhận được thông báo cho thôi việc từ ban lãnh đạo công ty cũ - nơi đã gắn bó gần một năm. Doanh nghiệp công nghệ này sa thải tôi và một số đồng nghiệp khác trong bộ phận bán hàng ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khoảng 3 tuần.

Tôi cho rằng quyết định cắt giảm đột ngột của công ty cũ nhằm tiết kiệm quỹ lương thưởng cuối năm. Họ không muốn chi trả lương tháng 13 và thưởng Tết cho một số nhân sự, bao gồm tôi.

viec lam TPHCM,  tuyen dung TPHCM,  nhan su TPHCM,  lan song nhay viec,  phong van 15 buoi,  sa thai truoc Tet anh 1

Bảo Hà về quê ăn Tết sớm để tiết kiệm sinh hoạt phí ở TP.HCM.

Khi nhận thông báo từ phía ban lãnh đạo, tôi cảm thấy hoang mang, lo lắng khi rơi vào tình trạng thất nghiệp ngay trước kỳ nghỉ lễ lớn. Thị trường lao động trước Tết Nguyên đán luôn ở trong tình trạng ảm đạm, không có nhiều vị trí trống.

Hiểu rằng tình thế khó khăn, tôi vội vàng kiểm tra tài khoản tiết kiệm. Khi nhận thấy số dư trong tài khoản không lớn, tôi quyết định đặt vé về quê ăn Tết sớm.

Đây là phương án duy nhất giúp tôi tiết kiệm sinh hoạt phí ở đô thị lớn như TP.HCM. Trở về nhà với bố mẹ tại Hà Nội, tôi có thể cắt giảm chi phí điện nước, xăng xe, ăn uống và tiệc tùng dịp cuối năm.

Vì mất việc ngay trước Tết, tôi cũng không thể biếu bố mẹ số tiền lớn như dự định, đành mua những món quà nhỏ, phù hợp với điều kiện tài chính. May mắn, gia đình tôi không đòi hỏi nhiều ở con cái, khiến áp lực kinh tế trên vai phần nào giảm bớt.

Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp khiến tôi cảm thấy khó xử khi gặp gỡ họ hàng trong Tết Âm lịch. Mỗi khi nhận được câu hỏi về lương thưởng, khả năng thăng tiến, tôi đều cười trừ, tìm cách né tránh.

“Lương tháng mấy số 0?” hay “Gửi về cho bố mẹ bao nhiêu?” là những câu hỏi ám ảnh tôi trong kỳ nghỉ lễ năm nay. Khi họp lớp dịp đầu xuân, tôi cũng không khỏi tủi thân khi thấy bạn bè có công việc ổn định, thu nhập lý tưởng, dư dả đi du lịch nước ngoài, sắm ôtô và mua nhà trả góp.

Tôi hy vọng sớm tìm được việc làm phù hợp sau Tết, chấm dứt tình trạng “ăn không ngồi rồi”, khiến gia đình lo lắng này.

Khó khăn tìm việc sau Tết

Tôi bắt đầu quá trình tìm kiếm công việc mới ngay sau khi nhận quyết định sa thải. Tôi đã tham gia hơn 15 buổi phỏng vấn trong vòng chưa đầy một tháng, bao gồm trực tuyến và trực tiếp.

Tôi quyết định quay trở lại với marketing. Đây vốn là ngành nghề tôi theo đuổi trước khi chuyển đến công ty cũ và làm việc ở phòng bán hàng. Trong lĩnh vực marketing, tôi đã ở vị trí chuyên viên, vì vậy kỳ vọng mức lương 18-20 triệu đồng. Song, thực tế khiến tôi đi từ nỗi thất vọng này đến nỗi thất vọng khác.

Khi trở về Hà Nội trước Tết Âm lịch, tôi nhận các cuộc phỏng vấn, trao đổi qua điện thoại và cuộc gọi video. Tuy nhiên, đúng như dự đoán, thị trường lao động cuối năm không có nhiều vị trí tốt.

Các công ty tuyển dụng trước Tết Nguyên đán chỉ có thể trả mức lương 10-12 triệu đồng. Mặc dù họ hứa hẹn có thưởng doanh thu, tôi không kỳ vọng nhiều vào khoản thu nhập này. Một số còn sử dụng lý do kinh nghiệm của tôi vụn, trải rộng ở nhiều lĩnh vực, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng để ép lương. Do đó, tôi đã từ chối hơn 5 doanh nghiệp trước kỳ nghỉ lễ, mong muốn tìm thấy cơ hội việc làm tốt hơn sau Tết.

viec lam TPHCM,  tuyen dung TPHCM,  nhan su TPHCM,  lan song nhay viec,  phong van 15 buoi,  sa thai truoc Tet anh 2

Quá trình tìm việc của Bảo Hà gặp nhiều khó khăn, khúc mắc.

Trở về TP.HCM trong tuần làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, tôi tiếp tục quá trình lướt các mạng xã hội việc làm và trải CV. Kỳ vọng nhiều thì thất vọng nhiều, tôi tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bến đỗ mới dịp đầu năm.

Dù thị trường tuyển dụng trở nên sôi động hơn trước, tôi vẫn chật vật và loay hoay. Các vị trí trống được mở ra nhiều hơn, song số lượng công việc phù hợp với kinh nghiệm, mong muốn của tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Công ty trả lương thấp thì chưa đáp ứng yêu cầu về thu nhập, doanh nghiệp trả lương cao lại không tìm kiếm vị trí của tôi. Vì thế, tôi quyết định mở rộng phạm vi tìm kiếm, không chỉ dồn sự quan tâm vào lĩnh vực marketing. Tôi không thể thất nghiệp lâu hơn, bắt đầu lo lắng về tình hình tài chính của bản thân.

Sau Tết Nguyên đán, tôi gần như đi phỏng vấn hàng ngày. Mỗi ngày, tôi đều nhận những yêu cầu như trình bày điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và lặp lại câu trả lời quen thuộc.

Tôi sống tại quận Gò Vấp, nhưng phải di chuyển đến quận 1 hoặc TP Thủ Đức để tham gia các buổi phỏng vấn. Nhiều văn phòng nằm rải rác ở các khu vực này. Quãng đường xa khiến tôi không khỏi mệt mỏi, chán nản.

Đến cuối tháng 2, nếu vẫn ở trong tình trạng thất nghiệp, tôi sẽ giảm kỳ vọng của bản thân, hạ mức thu nhập mong muốn xuống 12-15 triệu đồng. Với sự điều chỉnh này, tôi hy vọng có thể tìm kiếm bến đỗ mới một cách dễ dàng hơn.

Tôi may mắn vẫn có công việc "tay trái", đảm nhiệm vị trí account cho một đội nhóm marketing chuyên về sản xuất hình ảnh tự do. Công việc này cung cấp cho tôi một nguồn thu đủ duy trì cuộc sống tối giản, nhưng khó trụ lại TP.HCM.

Hơn nữa, tôi vẫn cần doanh nghiệp đóng các loại bảo hiểm, phòng trừ tình huống xấu xảy ra khi sinh sống một mình tại thành phố lớn.

Nếu tiếp tục không tìm được việc làm ổn định, tôi sẽ tiến hành nhận các dự án dưới tư cách người lao động tự do (freelancer), chấp nhận không có bảo hiểm trong một khoảng thời gian. Tôi thấy nhận định về cơ hội việc làm rộng mở sau Tết Nguyên đán chỉ đúng với một số ngành nghề, vị trí. Đáng tiếc, trường hợp của tôi không nằm trong số đó.

Trong Báo cáo thị trường tuyển dụng thường niên 2024-2025, dựa trên phân tích phản hồi từ gần 3.000 doanh nghiệp và người lao động từ ngày 13/8/2024 đến ngày 13/9/2024, Top CV dự báo năm 2025, nhóm Kinh doanh/Bán hàng vừa là phòng ban được tuyển dụng nhiều nhất, nhưng cũng là nhóm dễ bị cắt giảm đầu tiên khi doanh nghiệp cần tối ưu nhân sự, với 21,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý với điều này. Lý do chính là sự thay đổi của nhu cầu thị trường, ảnh hưởng đến các nhóm sản phẩm/dịch vụ và làm giảm nhu cầu nhân sự (52,34%).

Các nhóm nhân viên có dưới 1 năm kinh nghiệm (35,5%) và từ 1-2 năm kinh nghiệm (21,9%) thường bị cân nhắc cắt giảm trước, do họ dễ điều chỉnh mà không ảnh hưởng quá lớn đến cơ cấu nhân sự tổng thể. Ngoài Kinh doanh/Bán hàng, các nhóm Marketing/Truyền thông/Quảng cáo (9%), Dịch vụ khách hàng (7,5%) và IT - Phần mềm (5,7%) cũng có nguy cơ bị cắt giảm, khi các vị trí này có thể được tái cấu trúc hoặc thay đổi phạm vi công việc theo hướng đa nhiệm.

Cô gái TP.HCM bất đắc dĩ 'nhảy việc' 4 công ty trong 4 năm

Từ năm 2021, Xuân Nhi (28 tuổi) liên tục nhảy việc ngoài ý muốn, từ lý do công ty chậm lương, phá sản cho đến môi trường không còn phù hợp, khiến sự nghiệp bấp bênh suốt 4 năm qua.

Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng

‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyến dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không?

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm