Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh 17 tuổi phải cắt một bên chân vì ung thư xương

Quỳnh phát hiện mình bị ung thư xương khi đang học lớp 11. Không lâu sau đó, em phải chấp nhận mất đi một phần cơ thể do khối u quá lớn.

Tại Khoa Ngoại 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội), Nguyễn Thị Như Quỳnh (17 tuổi, ở Thanh Hóa) vừa trải qua ca đại phẫu thuật cắt đi chân phải của mình. Vết thương còn chưa khô, thỉnh thoảng rỉ máu. Mỗi lần bác sĩ thay băng, em chỉ khẽ nhăn mặt nhưng tuyệt nhiên không kêu la hay khóc lóc.

cat bo chan vi ung thu xuong anh 1
Khối u khổng lồ khiến Quỳnh phải cắt bỏ toàn bộ chân phải. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Phẫu thuật cắt bỏ chân sau 5 tháng phát hiện bệnh

Quỳnh được phát hiện mắc ung thư xương vào tháng 11/2016. Khi đó, em tham gia vào đội văn nghệ của trường nhưng chân phải bỗng nhiên đau, không thể nhảy.

Những ngày sau đó, em sờ thấy một u thịt dưới da chân và ngày một đau nhiều hơn. Tại bệnh viện tỉnh, các bác sĩ nghi ngờ em mắc ung thư.

Sau đó, Quỳnh được gia đình đưa ra Bệnh viện K trung ương (Hà Nội) khám lại. Tại đây, bác sĩ kết luận em bị ung thư xương.

Bố của Quỳnh, bác Nguyễn Lương Duyên, 47 tuổi, chia sẻ về khoảnh khắc hay tin con gái mắc bệnh: “Khi biết tin con bị ung thư xương tôi đã rất sốc và thương con vì cháu còn quá trẻ”.

Sau 2 đợt điều trị hóa chất, khối u trên chân Quỳnh ngày một to, tế bào ung thư phát triển. Bác sĩ chỉ định cắt bỏ toàn bộ phần chân phải.

“Khi được bác sĩ thông báo phải cắt mất chân bên phải. Cháu đã xin bố mẹ đừng cắt chân vì rất sợ phải mất đi một phần cơ thể của mình, nên sau 3 đợt hóa trị Quỳnh đã xin về. Về nhà, chúng tôi rất khó khăn để thuyết phục cháu quay lại bệnh viện”, bác Duyên cho biết.

Trong thời gian ở nhà, dù bị bệnh tật đau đớn nhưng Quỳnh vẫn hát và lạc quan. “Những lúc đau, thay vì kêu ca, khóc lóc thì Quỳnh lại hát. Em hát những hát bài hát tiếng Anh mà em yêu thích”, bác Duyên chia sẻ.

Hơn một tháng Quỳnh ở nhà, bác sĩ điều trị cho em đã liên tục gọi điện cho gia đình động viên đưa Quỳnh đi phẫu thuật vì để lâu sẽ rất nguy hiểm.

Thời điểm khối u ở phần xương của Quỳnh phát triển quá lớn, gia đình đã dùng mọi cách thuyết phục em quay trở lại bệnh viện làm phẫu thuật. Ngày 5/5, Quỳnh đã được phẫu thuật cắt bỏ chân phải. Sau phẫu thuật, em sẽ tiếp tục được hóa trị.

Bố của Quỳnh tâm sự: “Nhiều lúc như thói quen khi vẫn còn chân, Quỳnh vẫn nói 'mẹ ơi xoa chân cho con', rồi chợt nhớ ra chân đã mất, em lại không nói gì”.

Bác Duyên chia sẻ Quỳnh là một đứa trẻ ngoan, ít nói và khá kín tiếng nhưng Quỳnh lại rất nghị lực, em bình thản tiếp nhận căn bệnh và quyết định chiến đấu với nó. Chưa bao giờ Quỳnh kêu đau đớn. Những đợt truyền hóa chất, ăn vào nôn ngay trên bàn nhưng em vẫn bảo bố mua đồ để ăn tiếp.

Dù được bảo hiểm hỗ trợ nhưng từ khi vào viện, chi phí cho việc điều trị của Quỳnh đã mất hơn 100 triệu. Số tiền này vượt quá sức của gia đình, vì cả bố và mẹ em đều phải bỏ công việc ở quê để lên bệnh viện chăm sóc con.

cat bo chan vi ung thu xuong anh 2
Quỳnh được bố chăm sóc bên giường bệnh. Ảnh: H.T.

Ung thư xương hay gặp ở tuổi thiếu niên

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K3, cho biết ung thư xương hay gặp ở lứa tuổi thiếu niên và thanh niên. Bệnh gây ảnh hưởng tới cấu trúc của xương, khởi đầu bệnh nhân có thể đau mơ hồ ở một điểm nào đó của xương. Đa phần bệnh nhân sẽ bị đau ở những phần xương dài (xương đùi, cẳng tay, cẳng chân).

Biểu hiện rõ nhất bệnh nhân thường đau ở một vị trí nhất định nào đó của xương, tăng lên khi vận động. Nếu bệnh nhân đau dọc toàn bộ xương dài là triệu chứng của bệnh khác.

Khi nặng hơn, người bệnh có thể sờ thấy u lên hoặc sưng nề phần mềm (điểm có u xương). Bệnh nhân không được điều trị kịp thời khối u xâm lấn ra phần mềm gây sưng nề, căng mạch máu nuôi dưỡng. Giai đoạn muộn hơn bệnh nhân có thể bị gãy xương ngay cả khi có tác động nhẹ (bước xuống bậc thềm, đá nhẹ). Nguy hiểm hơn, bệnh có thể di căn đến các bộ phận khác, phổi não và gây tử vong.

“Bệnh nếu phát hiện sớm có thể bảo tồn được xương đó. Bệnh nhân đến muộn cơ hội xương liền hoặc khối u đã xâm lấn ra phần mềm thì có nguy cơ phải cắt bỏ chân rất cao, như trường hợp cháu Quỳnh", TS Hương nói.

Theo y văn, tiên lượng ung thư xương vẫn còn rất khó khăn. Bệnh nhân sống khoảng 5 năm nếu được điều trị bài bản chỉ đạt được 65-68%.

TS Hương cũng cho biết thêm bệnh thường gặp ở lứa tuổi thanh niên có sự tăng trưởng xương mạnh. Khi trẻ bị đau ở một điểm xương gia đình nên đưa con đi khám sớm. Nguyên nhân của bệnh ung thư xương chưa xác định được rõ nhưng yếu tố nguy cơ là chiều cao tăng trưởng quá nhanh dẫn tới loạn tế bào xương.

Độc giả có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ em Quỳnh có thể liên hệ tới gặp trực tiếp em tại khoa Ngoại 2 - Bệnh viện K3 Tân Triều - Hà Nội.

Hoặc số điện thoại bác Nguyễn Lương Duyên - bố Quỳnh: 0913373844. Số tài khoản: 50110000074130, Nguyễn Lương Duyên, Ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Hóa.

Hà Thanh

Bạn có thể quan tâm