Theo South China Morning Post, 13h ngày 5/4, một nữ du khách 26 tuổi qua đời tại Bệnh viện Tuen Mun sau khi rơi xuống thác nước nằm trong Công viên quốc gia Tai Mo Shan (Tai Po, Hong Kong).
Trước đó, khoảng 9h, cô cùng em gái và 4 người bạn bắt đầu hành trình đi bộ đường dài (hiking) từ đường Lam Kam.
Theo thông tin cơ quan chức năng cung cấp, khi đến đoạn thác Ng Tung Chai, người đi cùng nạn nhân giật mình bởi tiếng động lớn, rồi trông thấy cô đang vùng vẫy dưới nước.
Nhóm bạn đồng hành của nữ du khách nói với cảnh sát rằng cô bị trượt chân, rơi từ độ cao 15 m xuống nước khi đang cố chụp một tấm selfie.
![]() |
Nữ du khách được đưa tới bệnh viện bằng trực thăng song qua đời sau đó. Ảnh: Winson Wong. |
Phát ngôn viên của cơ quan cảnh sát cho biết nạn nhân đã bất tỉnh khi được đưa lên bờ. Dù đã được nhân viên y tế sơ cứu và chuyển tới bệnh viện bằng trực thăng, cô gái xấu số vẫn không qua khỏi.
Nguồn tin của cảnh sát cho biết người này là nhân viên trực tổng đài của trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc một công ty tài chính.
Để đặt chân tới thác nước Ng Tung Chai - nơi xảy ra vụ tai nạn, du khách phải leo lên đỉnh núi cao nhất Hong Kong mang tên Tai Mo Shan. Thác chính nằm ở độ cao 35 m.
Đường đến thác nước này là một trong những tuyến hiking được Sở Du lịch, Văn hóa và Giải trí Hong Kong công nhận. Cung đường dài khoảng 5 km được đánh giá là khó đi.
![]() |
Thác Ng Tung Chai - nơi nữ du khách gặp nạn. Ảnh: Handout. |
Vụ tai nạn trên xảy ra chỉ 8 ngày sau cái chết của một du khách Macau (Trung Quốc) do rơi từ Hẻm núi lớn (Grand Canyon) khi đang cố "chụp ảnh tự sướng".
Theo một báo cáo năm 2018 của các nhà nghiên cứu Viện Y khoa All India tại New Delhi, Ấn Độ, kể từ tháng 10/2011 tới tháng 11/2017 đã có 259 trường hợp tử vong liên quan đến hành vi chụp ảnh selfie.
Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân tử vong chủ yếu là do chết đuối khi chụp ảnh gần thác nước, ở giữa đường ray khi tàu hỏa đang đến gần hoặc ngã từ điểm cao. Một số khác bị động vật tấn công hoặc bị giật điện.
Báo cáo cũng chỉ ra khoảng hơn 85% nạn nhân đều còn rất trẻ, từ 10-30 tuổi, cũng là độ tuổi sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Tuy nhiên, con số 259 chưa phải là tất cả vì còn rất nhiều trường hợp khác chưa được ghi nhận.