Hào quang trên YouTube - cạm bẫy huỷ hoại cuộc đời bất kỳ ai
Nhiều YouTuber nổi tiếng chỉ biết đắm chìm vào cuộc sống trên mạng, nuôi dưỡng "cỗ máy khen ngợi" rồi sa vào vũng lầy, nhấn chìm các mối quan hệ ngoài đời thực.
Không ít người sáng tạo nội dung trên YouTube (YouTuber hay creator) ôm mộng một ngày nào đó sẽ trở nên nổi tiếng như ngôi sao Hollywood với hàng triệu người hâm mộ cuồng nhiệt luôn săn đón, la hét, vây quanh.
Giấc mơ này, theo tôi, không hề hão huyền chút nào. Với YouTuber, nổi tiếng có nghĩa là đông người theo dõi (subscriber), video có nhiều views và tiền kiếm dễ hơn. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Danh tiếng trên YouTube không hoàn toàn là hư danh. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, nếu không cẩn thận, kiểu “danh tiếng" này lại chính là cái bẫy huỷ hoại cuộc đời của bất kỳ ai.
Con khỉ và đám đông trong rạp xiếc
Ở một mặt nào đó, YouTuber cũng chính là người có sức ảnh hưởng (influencer). Những video họ làm ra hướng tới một đối tượng người xem và cổ vũ cho một điều gì đó.
Dù rằng chưa từng gặp mặt, ra ngoài phố có thể chẳng nhận ra nhau, nhưng giữa YouTuber và người xem video của họ vẫn có mối giao cảm nhất định. Việc những YouTuber này cảm thấy có một sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ với subscriber của mình chẳng có gì là lạ.
YouTuber với chút danh tiếng mới gầy dựng, có thể bị choáng ngợp bởi những “tình cảm” từ phía người hâm mộ và đôi khi hành xử “ngây thơ”.
Các ngôi sao đã quá quen với việc nổi tiếng là như thế nào và ứng phó với những hành động người hâm mộ (nếu có) ra làm sao. Nhưng YouTuber thì khác, với chút danh tiếng mới gầy dựng, họ có thể bị choáng ngợp bởi những “tình cảm” từ phía người hâm mộ và đôi khi hành xử “ngây thơ”.
Ví dụ, người hâm mộ gặp YouTuber ngoài đời luôn có thể hét lên: “Tôi yêu bạn, bạn thật tuyệt vời”. Nhiều YouTuber sẽ tin vào sự tung hô đó, nghĩ mình tuyệt vời thật, nội dung của mình đã hay, mình đã nổi tiếng rồi thì cứ tiếp tục đi theo lối mòn ban đầu và từ đó, ngừng sáng tạo.
Nhưng nội dung trên YouTube lại không ngừng đổi mới. Khi YouTuber để cho sự ái kỷ (tự yêu bản thân thái quá) lấn át động lực sáng tạo cái mới, họ sẽ tự tạo ngõ cụt cho mình.
Hiểu đơn giản là khán giả trong rạp xiếc sẽ vỗ tay tán thưởng động viên con khỉ miễn là nó còn tiếp tục nhảy trên sân khấu. Thế nhưng, một khi con khỉ ngừng lại và dừng biểu diễn thì dần dần, đám đông cũng sẽ biến mất.
Trong nhiều trường hợp, sự nổi tiếng khiến cho YouTuber lầm tưởng về bản thân mình. Fan luôn nói tốt cho thần tượng, đôi khi là thêm thắt những câu chuyện để hoàn hảo hóa thần tượng của mình. YouTuber “ngây thơ” có thể tin 100% vào những câu chuyện được dựng lên đó và tự huyễn hoặc về bản thân mình.
Trên mạng xã hội nói chung và YouTube nói riêng, lượng xem, thích, chia sẻ, bình luận là những điều khiến người dùng mạng để tâm. Ai mà không có cảm giác tim rung rung vui sướng “ô kìa, có thêm 1 view, thêm 1 subscribe này”?
Nhưng với nhiều người, những con số đó lại trở thành nỗi ám ảnh, thứ chất gây nghiện, và sự khao khát. Nhiều YouTuber hướng cuộc sống của mình trôi theo những dòng bình luận, những lượt xem hay những lần chia sẻ đến độ bị mất kiểm soát. Trong nhiều trường hợp, YouTuber tìm đủ mọi cách để tăng lượt tương tác, lượt chia sẻ. Thật không lành mạnh chút nào.
Tồn tại một mối quan hệ mà các nhà xã hội học gọi là “một chiều” (parasocial relationship). Quan hệ này thường thấy giữa fan và người nổi tiếng: Người hâm mộ rõ như lòng bàn tay về gia đình, sở thích hay thói quen của thần tượng, thậm chí truy tìm càng nhiều thông tin về thần tượng càng tốt. Ở chiều ngược lại, thần tượng đó chẳng hề biết những người đang phát cuồng vì mình kia tên gì, là ai.
Công bằng mà nói, cảm giác được hâm mộ thích thú vô cùng, nhưng sau tất cả, người hâm mộ đó là ai? Tính cách của họ ra sao? Chẳng quá khi nói rằng, dù có đông fan thật nhưng đôi khi YouTuber vẫn rất cô đơn.
Tất cả những gì họ làm là sống trên mạng, nuôi dưỡng "cỗ máy khen ngợi" từ người xem, người hâm mộ, rồi sa vào vũng lầy, nhấn chìm các mối quan hệ ngoài đời thực - những mối quan hệ người thật, việc thật, tình cảm thật.
Đừng chỉ sống trên YouTube
YouTube chẳng qua là mạng xã hội. Cạm bẫy đến từ mạng xã hội chủ yếu xoay quanh các mối quan hệ ảo mà người dùng YouTube nào cũng có khả năng dính vào.
Hào quang trên YouTube và tiền bạc từ đó mang lại có thể biến mất bất cứ lúc nào nhưng những mối quan hệ thật như bạn bè, làng xóm láng giềng hay đồng nghiệp thì vẫn sẽ còn tồn tại.
Những mối quan hệ ngoài đời thật sẽ hóa giải được sự kỳ dị của “parasocial relationship” nói trên bởi cả hai bên đều tin tưởng nhau, biết rõ về con người nhau, yêu mến nhau và có thể mở lòng, đi chơi với nhau.
YouTube chẳng qua là mạng xã hội. Cạm bẫy đến từ mạng xã hội chủ yếu xoay quanh các mối quan hệ ảo mà người dùng YouTube nào cũng có khả năng dính vào.
Điều cực kỳ quan trọng cần nhớ là mối quan hệ giữa YouTuber với người bình luận chỉ là mối quan hệ gói gọn trong phạm vi YouTube mà thôi.
Cũng là YouTuber, tôi biết việc cứ dán mắt vào xem các video trên YouTube chỉ làm bản thân mình bị cuốn theo những quan hệ chẳng có thật trên mạng xã hội.
Những quan hệ thật, với con người thật mới là những cái cần nuôi dưỡng. Những lời tung hô tán dương có thể khiến YouTuber vui đấy nhưng khi bản thân họ buồn chán, mệt mỏi, những người hâm mộ ở đâu?
Nói tóm lại, tất cả xoay quanh việc nuôi dưỡng quan hệ xã hội thật.
Tôi đã rất khó khăn để viết ra những dòng này và cách đây hai năm cũng từng quay vlog về chủ đề làm thế nào để cạm bẫy danh tiếng không hủy hoại cuộc đời bạn.
Làm được điều này thật sự rất khó bởi tôi sợ những chia sẻ của mình mang tiếng dạy đời.
YouTuber là những người sáng tạo, những người có tầm ảnh hưởng, có thể tiếp cận với nhiều người, tác động lên cộng đồng để tạo ra sự khác biệt. Sẽ thật đau lòng nếu những ý tưởng tốt đẹp ban đầu đi trật đường ray và YouTuber bị tha hóa.
Đừng chỉ sống trên YouTube. Đó là lời khuyên từ tận đáy lòng của tôi.