Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái Thanh Hóa hàng tháng hiến tiểu cầu cho cụ bà bị suy tủy

"Mình không nhớ đã hiến tiểu cầu bao nhiêu lần. Bản thân chỉ có mong muốn nhỏ bé là đủ sức khỏe để giúp đỡ được nhiều người hơn nữa", Trâm nói.

Vào một buổi chiều tháng 3/2020, nhận được cuộc gọi của người quen, Nguyễn Thị Trâm (sinh năm 1994) tức tốc chạy xe đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, cô đã hiến tiểu cầu cho một bệnh nhân. Đó là một bà cụ bị suy tủy, thiếu tiểu cầu nhóm máu AB.

Thời điểm đó, nhờ cô gái sinh năm 1994, bà cụ đã qua cơn nguy kịch.

Từ đó đến nay, đã một năm, tháng nào Trâm cũng đến bệnh viện truyền tiểu cầu cho bà.

Trước khi vào viện khoảng 3-4 ngày, bà cụ thường xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, da nhợt nhạt, chảy máu chân răng. Khi đó, người nhà của bà sẽ gọi điện nhờ Trâm thu xếp công việc, đến bệnh viện lọc tiểu cầu.

co gai hien tieu cau cuu nguoi anh 1

Cô gái tháng nào cũng đến hiến tiểu cầu cho bà cụ bị suy tủy.


“Gia đình bà cụ nhiều lần đưa tiền nhưng mình không nhận. Khi giúp đỡ mọi người, mình cảm thấy rất vui. Bà cũng giống như cha mẹ của mình. Đồng thời, mình luôn tâm niệm sẽ giúp đỡ mọi người trong khả năng, chứ không vì tiền bạc, hay lợi ích cá nhân".

Trâm cho biết cô thuộc nhóm máu AB. Ở Việt Nam, người có nhóm máu này chỉ chiếm 6% dân số. Hơn nữa, số người hiến được tiểu cầu lại càng ít.

Để có thể hiến được tiểu cầu, người hiến không mắc bệnh truyền nhiễm, trong thành phần máu phải đủ chỉ số đơn vị tiểu cầu theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, người hiến cần có sức khỏe tốt, ven to, để khi chạy máy ly tâm, áp lực lớn sẽ không bị vỡ thành ven.

Bên cạnh đó, do ý thức được bản thân thuộc nhóm máu hiếm, Trâm không đi hiến máu theo phong trào, mà đợi đến ai cần thì mới giúp đỡ.

Cô gái quê Thanh Hóa cho biết mỗi lần hiến cần 560 ml tiểu cầu, tương đương 700 ml máu. Theo đó, máu sẽ được rút trực tiếp đi qua máy ly tâm, lọc lấy thành phần tiểu cầu. Sau đó, các thành phần còn lại trong máu sẽ được trả về cơ thể. Bởi vậy, trong vòng 21 ngày, một người trưởng thành có thể tiếp tục hiến tiểu cầu.

Thời gian đầu, do lo lắng cho sức khỏe của con gái, bố mẹ Trâm phản đối. Thế nhưng, chứng kiến những hoàn cảnh đáng thương, cô lại không thể bỏ mặc.

“Mình không nhớ đã hiến máu, hiến tiểu cầu bao nhiêu lần. Cách đây 2 năm, mình có giúp cho một em bé sơ sinh bị suy giảm tiểu cầu, lần thì bà cụ rơi từ mái nhà xuống phải mổ cấp cứu, rồi bệnh nhân mổ tim, máu không đông. Có lần, 3h sáng, bác sĩ gọi điện có trường hợp khẩn cấp, mình lại chạy vào bệnh viện để giúp. Mỗi lần làm được việc tốt, bản thân cảm thấy rất vui và hạnh phúc".

Thế rồi, sau nhiều lần giải thích và hứa sẽ ăn uống giữ sức khỏe, cô cũng nhận được sự ủng hộ của gia đình.

Tháng 7/2020, Nguyễn Thị Trâm vinh dự được nhận bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vì đã có thành thích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện năm 2019-2020.

"Hiện nay, tiểu cầu tại các bệnh viện rất thiếu. Mình chỉ mong muốn có sức khỏe, để hiến tiểu cầu thường xuyên, giúp cho nhiều người bệnh".

Cô gái Nga nhặt rác trên bãi biển Phú Quốc

Thấy túi nylon, ống hút, cốc nhựa vứt khắp nơi trên bãi Ông Lang ở Phú Quốc, Sonya đã hủy kế hoạch vui chơi, dành thời gian đi nhặt rác. Nhiều bạn trẻ Việt Nam đã tham gia cùng cô.

Kiều Trang

Bạn có thể quan tâm