![]() |
Dù có kế hoạch rõ ràng, Nhi liên tục gặp phải những bất ổn từ môi trường làm việc, buộc phải thay đổi công ty nhiều lần. |
Tôi là Xuân Nhi (sinh năm 1997), chuyên viên tổ chức sự kiện hiện sống tại quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Khi mới đi làm, tôi từng vạch ra một lộ trình rõ ràng cho sự nghiệp: bắt đầu từ thực tập sinh, trở thành nhân viên chính thức, gắn bó mỗi công ty ít nhất một năm để tích lũy kinh nghiệm, sau đó chuyển việc để mở rộng kỹ năng và tăng thu nhập. Tôi tin rằng chỉ cần chăm chỉ và có kế hoạch, mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ.
Nhưng thực tế không vận hành theo những gì tôi tính toán. Sau 4 năm đi làm, tôi đã trải qua 4 công ty, nếm đủ mọi cung bậc cảm xúc: từ háo hức khi bước chân vào môi trường chuyên nghiệp, đến những lần kiệt sức vì đồng lương chậm trễ, từ kỳ vọng được công nhận đến vỡ mộng vì sự bất ổn của tổ chức.
Chông chênh từ khi ra trường
Năm 2021, khi còn là sinh viên ngành truyền thông, tôi bước vào công việc đầu tiên tại một công ty truyền thông ở quận 3 với vị trí thực tập sinh chuyên viên tổ chức sự kiện. Với sự háo hức của một sinh viên năm 3 lần đầu làm việc văn phòng, tôi kỳ vọng sẽ học hỏi được nhiều điều từ công việc này.
Hợp đồng thực tập kéo dài 2 tháng với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, nhưng sau đó công ty gia hạn với lý do “để xem xét trình độ”.
Dù chỉ là thực tập sinh, tôi đảm nhận khối lượng công việc tương đương nhân viên chính thức. Do nhân sự liên tục nghỉ việc, bộ phận sự kiện thiếu người, tôi phải gánh thêm nhiều đầu việc: từ điều phối sự kiện, làm báo giá, hỗ trợ khách hàng đến triển khai chương trình. Ấy vậy, tôi vẫn không có hợp đồng lao động, bảo hiểm hay chế độ đãi ngộ.
![]() |
Xuân Nhi không ngại từ chối những cơ hội không đáp ứng mong muốn về thu nhập và môi trường làm việc. |
Nửa năm trôi qua, công việc ngày càng nhiều nhưng quản lý không đề cập đến việc ký hợp đồng chính thức. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận được sự chông chênh: dù đã cố gắng hết mình, tôi vẫn không được công nhận.
Vì thiếu kinh nghiệm, tôi không dám đòi hỏi quyền lợi. Cuối cùng, tôi quyết định nghỉ việc, tìm kiếm một công ty khác với hy vọng có một khởi đầu tốt hơn.
Trong thời gian tìm việc mới, tôi tập trung học ngoại ngữ, hoàn thành đề án tốt nghiệp. Sau đó, tôi trúng tuyển vào một công ty truyền thông lớn hơn với vị trí thực tập sinh, mức phụ cấp tăng lên 2 triệu đồng/3 tháng.
Kết thúc thời gian thực tập, tôi được đề xuất trở thành nhân viên chính thức. Tuy nhiên, mức lương 7 chữ số được đề xuất không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt tại TP.HCM. Tôi mạnh dạn từ chối.
Công ty thứ ba tôi chọn là một doanh nghiệp ở quận Tân Bình (TP.HCM), nơi tôi đảm nhận vị trí chuyên viên sự kiện với mức lương tốt hơn. Dù chưa phải con số lý tưởng, tôi chấp nhận vì môi trường làm việc phù hợp, mong muốn gắn bó ít nhất một năm để hồ sơ đẹp hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, công ty bắt đầu chậm lương. Tiền lương bị chia thành nhiều đợt, có tháng tôi chỉ nhận được 30% vào đầu tháng, phần còn lại đến cuối tháng hoặc thậm chí muộn hơn.
Đỉnh điểm là khi công ty sa thải gần một nửa nhân sự với lý do khó khăn tài chính. Tôi sớm nhận ra doanh nghiệp này không thể duy trì lâu dài và lên kế hoạch tìm việc mới. Đúng như dự đoán, không lâu sau khi tôi nghỉ, công ty chính thức phá sản.
Giai đoạn này, khi đối mặt với khó khăn tài chính, tôi may mắn có gia đình bên cạnh, giúp tôi trang trải tiền thuê nhà và sinh hoạt phí giữa lòng một trong những thành phố đắt đỏ nhất Việt Nam.
Tôi không muốn nhảy việc mãi
Sau nhiều biến động, năm 2024, tôi tìm được công ty khác trong lĩnh vực sự kiện. Công việc hiện tại có khối lượng vừa đủ, thu nhập ổn định và không phải làm ngoài giờ (OT) quá nhiều như những công ty trước. Tôi kỳ vọng có thể gắn bó lâu dài.
Tuy nhiên, những thay đổi trong bộ máy nhân sự và sự thiếu định hướng rõ ràng dần khiến tôi mất động lực làm việc. Đặc biệt, tôi không có quản lý trực tiếp, thiếu người dẫn dắt và môi trường làm việc không có sự công nhận.
Tôi hiểu rằng thị trường việc làm trong ngành sự kiện không dễ dàng, nhưng cũng không thể tiếp tục ở một nơi không còn mang lại cơ hội phát triển. Điều tiếc nuối nhất là tôi chưa thể gắn bó tròn một năm.
|
Xuân Nhi làm MC tại một bữa tiệc sinh nhật. Chia sẻ với Tri Thức - Znews, cô mong muốn tìm được một doanh nghiệp có thể gắn bó ít nhất 2 năm. |
Suốt 4 năm làm việc, tôi đã trải qua nhiều sự kiện lớn nhỏ, tích lũy kỹ năng chuyên môn và nắm rõ quy trình vận hành doanh nghiệp. Nhưng điều khiến tôi lo lắng nhất là việc nhảy việc liên tục khiến hồ sơ của tôi kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Khi phỏng vấn, tôi thường xuyên nhận được câu hỏi: “Tại sao bạn không làm công ty nào quá một năm?”. Dù những lần thay đổi đều có lý do chính đáng, từ công ty chậm lương, phá sản cho đến môi trường không còn phù hợp, điều đó vẫn khiến nhà tuyển dụng đặt dấu hỏi về sự gắn bó lâu dài của tôi.
Tôi không muốn mãi tiếp tục vòng lặp nhảy việc. Điều tôi mong muốn nhất lúc này là tìm được một doanh nghiệp có thể gắn bó ít nhất 2 năm, nơi tôi có thể phát triển chuyên môn và có sự ổn định trong sự nghiệp.
Với tôi, mức lương tối thiểu cần đạt 13 triệu đồng/tháng để có thể trang trải chi phí sinh hoạt tại TP.HCM và có một khoản tiết kiệm. Bên cạnh đó, tôi cũng tìm kiếm một môi trường có phúc lợi rõ ràng: bảo hiểm xã hội, lương tháng 13, các hoạt động teambuilding để gắn kết nhân sự.
Quan trọng nhất, tôi mong muốn làm việc trong một tổ chức tôn trọng sức lao động của nhân viên và ghi nhận những đóng góp xứng đáng.
Dù chưa tìm được một công ty thực sự phù hợp, tôi không để những khoảng thời gian trống trong hồ sơ ảnh hưởng đến sự phát triển của bản thân. Trong thời gian không làm việc tại công ty, tôi vẫn tham gia các sự kiện với tư cách cộng tác viên, học thêm tiếng Trung, cập nhật kiến thức AI trong lĩnh vực sự kiện để nâng cao hiệu quả công việc.
Là một Gen Z tiếp xúc với công nghệ từ nhỏ, tôi tin rằng mình có thể phát triển theo nhiều cách khác nhau. Dù hành trình tìm kiếm một nơi phù hợp để dừng chân chưa bao giờ dễ dàng, tôi vẫn sẽ tiếp tục cố gắng.
Theo bà Linda Nguyễn, Chuyên gia tái cấu trúc hệ thống nhân sự doanh nghiệp SMES, xu hướng nhảy việc nhanh chóng của Gen Z không đơn thuần là thiếu gắn bó mà phản ánh sự nhận thức tốt hơn về giá trị bản thân, nhu cầu thăng tiến nhanh và mong muốn môi trường làm việc có sự ghi nhận xứng đáng.
"Nói Gen Z thiếu gắn bó là không thỏa đáng", bà chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Bà cho rằng nhân sự sinh sau năm 1997 trưởng thành trong thời đại công nghệ số, tiếp cận sớm với Internet, truyền thông và xu hướng sống mới, dẫn đến kỳ vọng khác biệt so với thế hệ trước. Họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp để học hỏi, nhưng nếu thiếu cơ hội phát triển hoặc không được công nhận đúng lúc, họ sẽ tìm kiếm lựa chọn khác.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo chưa trang bị kỹ năng huấn luyện cấp dưới, thiếu sự ghi nhận kịp thời, tạo khoảng cách với nhân sự trẻ. Môi trường làm việc áp lực, phúc lợi không tương xứng và sự bùng nổ của các công việc tự do cũng thúc đẩy Gen Z chủ động thay đổi công việc để tìm kiếm sự cân bằng và cơ hội tốt hơn.
Theo cuốn sách 20-30 tuổi càng nhiều cố gắng càng lắm may mắn của Liêu Trí Phong, giai đoạn từ 20 đến 30 tuổi là thời điểm quan trọng để tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Tuy nhiên, một số bạn trẻ lựa chọn môi trường làm việc ít cạnh tranh hơn để tìm kiếm sự ổn định, dù điều này có thể hạn chế cơ hội phát triển và cảm giác giá trị trong công việc.