Ứng phó với rủi ro
Lê Thu Trang, phóng viên kênh truyền hình VOV đã có hai năm trải nghiệm với phi công bay dù. Trên cánh dù, Trang và nhóm bạn đã phượt ngắm cảnh từ núi Viên Nam- Ba Vì, Đồi Bù (Hòa Bình), Khau Phạ (Tú Lệ- Yên Bái), Linh Trường (Thanh Hóa), Langbiang (Đà Lạt), hòn Hồng (Mũi Né)…
Phút hạ cánh của Lê Thu Trang xuống cánh đồng |
Trang cho biết bay dù lượn không có cảm giác mất an toàn bởi trước khi bay sẽ chạy từ từ trên đỉnh núi khi cảm thấy dù căng tròn, có lực để nhấc người lên thì lao ra trời, có thể lái phải, trái tùy ý điều khiển. Thậm chí với người có kinh nghiệm bay lâu năm, có thể cầm máy ảnh đi theo để ghi lại cảnh đẹp hoặc mang đồ ăn ngồi ăn trên trời. Vì ghế ngồi dù lượn cho cảm giác thoải mái, nếu thời tiết đẹp có thể bay từ 1-2 tiếng rồi hạ cánh.
Nhưng khi hạ cánh, có khá nhiều rủi ro có thể xảy ra đối với người chơi dù. Nếu thời tiết xấu, mây che khuất tầm nhìn người bay mất phương hướng có thể đâm vào núi. Thực tế đã có người chơi bị gãy chân. Khi cất cánh, gió không đủ mạnh, người chơi bị ngã trên sườn núi gây chấn thương chân, tay.
“Còn chuyện bay dù lượn, hạ cánh xuống ruộng bùn, quần áo lấm lem hay hạ cánh xuống ao hồ cũng không phải chuyện hiếm. Tôi từng bị nhiều lần. Những lúc như thế tôi phải nhanh chóng tháo đai ra khỏi người (đai mang theo dù phòng bị nặng 10kg rất nặng có thể nhấn chìm), nhớ lại các bài học được học ứng phó với rủi ro để áp dụng”, Trang nói.
Hình ảnh lấm lem bùn của Trang khi hạ cánh xuống vùng lầy |
Quỳnh Anh, một thành viên trong nhóm nhảy dù cùng Thu Trang chia sẻ kỉ niệm thót tim khi bị lắc lư trên không trung do dù bị xẹp một bên. Quỳnh Anh bay khi gặp một cơn giông kéo đến, bay được một lúc thấy dù võng ngay trước mặt (bình thường dù ở trên đỉnh đầu) Quỳnh Anh khá run và hoảng sợ. Một lúc sau dù bị xẹp một bên khiến Quỳnh Anh bị lắc trên không trung như đánh võng giữa bầu trời.
Bình tĩnh xử lý, nghiêng đầu sang một bên dù không xẹp, tay kéo một số sợi dây để kích dù căng và đón gió vào thổi dù phồng lên. Quỳnh Anh đã xử lý thành công, dù phục hồi lại và cô hạ cánh an toàn. “Vừa tiếp đát xong thì trời mưa, tôi thở phù thoát nạn”, Quỳnh Anh nói.
Bước ra cửa máy bay không thể quay đầu lại
Trang bước ra khỏi cửa bay lao vào bầu trời. Mỗi năm có một khóa huấn luyện dù tròn với khoảng 40 người theo học |
Nếu như chơi dù lượn bạn có thể bắt đầu từ bay đôi thì với dù tròn bạn không thể thử, đã đứng trước cửa máy bay là phải nhảy, không có thời gian đắn đo. Trang cho biết một năm có một khóa học dù tròn với khoảng 40 người. Tốc độ bay của máy bay 120km/h, cứ một giây là có một người nếu nhảy chậm một nhịp người nhảy sau có thể rơi lệch tâm vì dù tròn rơi thẳng đứng, vị trí rơi đã được tính toán hết nên không được phép trễ.
“Ngồi nghe tiếng nhạc “tè” báo hiệu nhảy là tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, sợ đến nghẹt thở, lần nào cũng như lần nào. Tôi căng thẳng. Cả nhóm ngồi trên máy bay im thin thít, không ai nói gì. Tôi phải dùng biện pháp tâm lý tự trấn an mình. Nhưng khi ra đến cửa máy bay rồi thì không có đường lùi, có người đẩy bạn ra với bầu trời”, Trang tâm sự.
Bản thân Trang từng bị treo lơ lửng trên cành cây phải nhờ đội cứu hộ giải thoát vì hạ cánh vào rừng. Lẽ ra phải rơi vào đường băng, bãi cỏ nhưng tốc độ rơi của Trang chậm hơn, bị gió tạt nên Trang rơi xuống rừng và mắc vào cành cây. Lúc này cần bình tĩnh giữ chân thẳng, tay đặt gọn lên ngực và cúi mặt xuống để cành cây không chọc vào mặt, tay.
Hành trang chuẩn bị bay dù
- Vượt qua nỗi sợ hãi
- Mũ bảo hiểm fullface bảo vệ toàn mặt
- Đi dày qua mắt cá chân bảo vệ mắt cá chân, tránh tổn thương vè xương khớp
- Bộ dù có thể thuê hoặc mua dù cũ giá khoảng 20 triệu/bộ (mới 60 triệu- 100 triệu/bộ)