Zheng Linghua, cô gái 23 tuổi đang theo học thạc sĩ, đã tự tử vào ngày 23/1 sau thời gian dài chịu đựng việc bị bắt nạt trực tuyến, SCMP đưa tin.
Vào tháng 7/2022, Zheng đăng bức ảnh chụp cùng người ông đang nằm trên giường bệnh để chúc mừng bản thân trúng tuyển vào lớp thạc sĩ, chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc.
Thế nhưng, thay vì những lời khen ngợi, cô bị nhiều người chỉ trích là "gái quán bar" vì nhuộm tóc hồng. Tấm ảnh nhanh chóng lan truyền, Zheng trở thành mục tiêu bị bắt nạt trên mạng xã hội.
"Bạn tôi, Zheng Linghua, đã rời xa chúng tôi mãi mãi vào ngày 23/1/2023", một người phụ nữ, có tài khoản @Aweiweio, đăng trên Xiaohongshu vào ngày 19/2 để thông báo về cái chết đầy uất ức của cô gái trẻ.
Rơi vào tuyệt vọng
Dù thời điểm đó, lệnh phong tỏa chống Covid-19 vẫn còn rất nghiêm ngặt, Zheng đã cố đến tận nơi để gặp và báo tin vui cho ông. Mẹ mất từ khi Zheng mới 6 tháng tuổi, ông chính là người nuôi nấng cô.
Một số kẻ xấu đã lấy cắp hình ảnh của Zheng để sử dụng cho mục đích cá nhân, bao gồm quảng cáo để bán các khóa học trực tuyến.
Bức ảnh Zheng khoe với ông rằng mình đã đậu lớp thạc sĩ được đăng vào tháng 7/2022. |
Những kẻ lạm dụng bịa ra nhiều câu chuyện xuyên tạc như người đàn ông già yếu kết hôn với cô gái trẻ, mỉa mai cô là "ác quỷ", "gái điếm" chỉ vì nhuộm tóc hồng.
Ban đầu, cô phản ứng theo cách mạnh mẽ và cứng rắn, như tuyên bố sẽ kiện những kẻ buông lời phỉ báng. Cô gái 23 tuổi cũng liên tục lên tiếng chống bạo lực mạng trên trang cá nhân.
Ngoài ra, Zheng còn đăng những câu nói tích cực về cuộc sống để cho những kẻ bắt nạt thấy rằng cô không quan tâm.
Tuy nhiên, giữa cuộc chiến đấu, cô đã không tránh được những phút thất vọng.
Ngày 25/8, Zheng đã đăng một bài viết có tiêu đề "Tại sao hầu hết người bị bắt nạt trực tuyến lại chọn cách tự kết liễu đời mình", trong đó cáo buộc các nền tảng mạng xã hội đã không làm đủ để ngăn chặn nó.
Dù thực tế có một số kẻ bắt nạt đã gửi lời xin lỗi công khai, Zheng cho biết cô vẫn cảm thấy thật khó để vượt qua.
"Chúng ta nên cẩn trọng khi trò chuyện trên mạng xã hội, bởi một khi đã thốt ra điều gì đó tồi tệ, người ta có thể tha thứ nhưng chẳng thể nào quên", Zheng viết.
Bị ám ảnh bởi những lời lẽ xúc phạm, lạm dụng trực tuyến, Zheng được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm vào tháng 7 năm ngoái. Cô đã điều trị và phục hồi, nhưng tái phát bệnh sau 3 tháng.
Sau khi biết tin Zheng qua đời, những người theo dõi trực tuyến Trung Quốc đã đổ xô vào các tài khoản mạng xã hội của cô để bình luận, nói rằng cô không làm gì sai và trông rất xinh xắn.
"Bạn thật tuyệt vời mái tóc hồng. Những kẻ bắt nạt chỉ biết ghen tỵ với nền tảng giáo dục tốt mà bạn có được thôi", một người bình luận.
Một người khác bày tỏ sự đau buồn về việc chính Zheng phải trả giá chứ không phải những kẻ bắt nạt cô: “Những kẻ đó đang phải trả một cái giá quá nhỏ cho việc làm tổn thương người khác trên mạng".
"Chúc em mãi là một bông hoa màu hồng rực rỡ giữa mùa xuân", một người khác thương tiếc.
Cái giá của bạo lực mạng
Sau cái chết của Zheng, những tranh cãi xoay quanh nạn bạo lực mạng ở Trung Quốc một lần nữa được thổi bùng. Thực tế, bạo lực mạng đang gia tăng và gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng, song nhà quản lý các nền tảng cũng như chính quyền xứ tỷ dân vẫn chưa tìm được biện pháp xử lý hiệu quả.
Tháng 4/2022, bà mẹ của đứa trẻ 7 tuổi - được nhiều người biết qua cách gọi đơn giản "người phụ nữ Thượng Hải" - đã nhảy lầu tự tử tại tòa chung cư nơi cô sống.
Cô là nạn nhân bị dân mạng tấn công khi đăng bài "cảm ơn" nam shipper đã đi 27 km để giúp mang đồ ăn cho người cha sống một mình trong thời gian thành phố bị phong tỏa vì Covid-19.
Dân mạng mỉa mai cô "keo kiệt" khi chỉ trả cho tài xế 200 nhân dân tệ (khoảng 27 USD), nói rằng cô đang bóc lột sức lao động của một người giao hàng chăm chỉ.
Không thể chịu đựng sự phỉ báng, người mẹ chọn cái chết.
Những lời nói thù hận đã gây ra nhiều cái chết khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ. Ảnh: SixthTone. |
Đầu năm 2022, vụ thiếu niên 17 tuổi bị bố mẹ ruột bỏ rơi, cuối cùng tự tử do bị dân mạng xúc phạm đã làm rúng động dư luận Trung Quốc.
Nạn nhân là Liu Xuezhou, bị bố mẹ ruột bán đi khi mới chào đời năm 2005. Đến năm 2022, nhờ đăng tin trên mạng xã hội, cậu tìm được lại gia đình. Tuy nhiên, bố mẹ đã ly hôn và đều có gia đình mới nên từ chối chăm sóc Liu.
Kết quả, Liu tranh cãi với phụ huynh và bị họ đăng bài tố lên mạng. Thanh niên 17 tuổi bị dân mạng lao vào "ném đá".
Không chịu đựng nổi dư luận, cậu tự sát và thi thể được phát hiện ngày 24/1/2022.
Theo một nghiên cứu vào năm ngoái của WhyNot, một tạp chí tin tức tiếng Trung có trụ sở tại Mỹ, gần 40% trong số hơn 2.000 người dùng mạng xã hội Trung Quốc ở độ tuổi 18-35 cho biết họ từng trải qua các mức độ bắt nạt trực tuyến khác nhau.
Khoảng 16% nạn nhân cho biết bị bắt nạt khiến họ có ý định tự tử, và 16% khác tự làm tổn thương bản thân hoặc có ý định tự sát vì lạm dụng trực tuyến.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.