Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nhiều điểm check-in ở TP.HCM phải treo biển cấm chụp hình, cấm ồn ào

Không riêng cư dân ở "hẻm Hàn Quốc" 139 Lý Chính Thắng thấy mệt mỏi vì người trẻ đến check-in, nhiều khu chung cư ở TP.HCM đã phải treo biển "cấm chụp hình".

Hơn 14h30 chiều 18/2, Uyển Nguyên (25 tuổi, quận Bình Thạnh) tìm đến cư xá 139 Lý Chính Thắng (quận 3) để chụp ảnh.

Biết đến khu phố được mệnh danh “hẻm Hàn Quốc” này qua các clip viral trên TikTok hơn một tuần qua, cô rất tò mò muốn ghé thăm.

“Ấn tượng đầu tiên khi bước vào đây là sự yên bình, nhẹ nhàng, khung cảnh cũng rất thơ. Cá nhân tôi không thấy nó có phong cách Hàn Quốc mà mang đậm nét Sài Gòn hơn. Nhưng phải thừa nhận các góc chụp hình rất đẹp”, Uyên nói với Zing.

Trước khi tới đây, cô cũng e ngại, sợ việc mình cùng các nhóm bạn trẻ tìm đến check-in hàng loạt sẽ gây ồn ào, ảnh hưởng tới đời sống cư dân.

Nguyên cho biết chọn tới đây vào buổi chiều để tránh gây phiền hà trong giờ nghỉ trưa của mọi người. Cô và bạn đi cùng cũng nói chuyện, đi lại nhẹ nhàng, cố gắng chụp nhanh khoảng 10-15 phút và rời đi ngay sau đó.

Ảnh hưởng cuộc sống người dân

Theo ghi nhận của phóng viên, từ sau 14h, các nhóm bạn trẻ bắt đầu tới khu cư xá 139 Lý Chính Thắng để chụp ảnh check-in. Trong khoảng 30 phút, có hơn 10 nhóm lần lượt tìm tới. Sau 15h, số người ra vào ngày càng đông.

Đa số bạn trẻ đứng tạo dáng chụp hình ngay khu vực mặt trước cư xá, số ít đi vòng ra phía sau để tìm các góc chụp hình đẹp. Nhiều người phải chờ đợi khá lâu để được đứng vào góc nổi bật nhất.

hem han quoc anh 1

Khu cư xá ở quận 3 thành điểm hút giới trẻ thông qua trend TikTok.

Chiều cuối tuần, Văn Đen (16 tuổi) cùng nhóm bạn cùng chỗ làm đi từ huyện Bình Chánh lên quận 3 để ghé thăm và chụp ảnh ở con “hẻm Hàn Quốc”. Cậu cũng biết tới nơi này thông qua các clip trên TikTok.

Đen cho rằng những địa điểm thành “trend” trên TikTok thực sự có sức hút với người trẻ, tuy nhiên cũng chỉ mang tính thời điểm. Các địa điểm này “hot” một thời gian, phần lớn thường chỉ đến chụp ảnh một lần và không có nhu cầu quay lại.

“Tuy nhiên, khi số lượng lớn khách lạ tập trung vào cùng thời điểm sẽ ảnh hưởng không tốt đến người dân. Thực tế, không phải bạn nào cũng có ý thức tốt”.

Bà N.T. (63 tuổi), một cư dân ở con hẻm này, cho biết sau khi người dân phản ánh về tình trạng ồn ào và chính quyền nhắc nhở, số thanh niên tìm đến chụp ảnh ở khu cư xá đã ít hơn hẳn.

Tấm biến cấm "gây ồn ào" được treo hai bên lối vào khu cư xá.

Cách đây khoảng một tuần, người dân trong con hẻm 139 Lý Chính Thắng bất ngờ khi thấy rất nhiều bạn trẻ tìm đến chụp ảnh, có thời điểm lên đến cả trăm người.

Họ càng thấy lạ hơn khi nơi mình sống nhiều năm giờ đây được gắn mác “hẻm Hàn Quốc”.

“Ban đầu chỉ thấy lạ, về sau chúng tôi phiền lắm. Nhiều thanh niên ăn mặc hớ hênh, vô tư nói chuyện, hút thuốc, xả rác. Có người còn căng màn đứng sau ôtô thay quần áo. Rất phản cảm”, bà T. nói.

Theo bà T., khu cư xá này vốn yên lặng. Nhiều bạn trẻ tìm đến khiến đời sống người dân đảo lộn, đặc biệt ảnh hưởng tới cư dân lớn tuổi, các em nhỏ cũng mất chỗ vui chơi.

“Chúng tôi không ngăn cấm mọi người đến để chụp ảnh, vì thực tế họ yêu mến mới tìm tới. Tuy nhiên, quá nhiều người lạ tập trung sẽ ảnh hưởng an ninh, kẻ xấu dễ trà trộn. Nếu đến, xin hãy giữ ý thức”, bà T. nhấn mạnh.

Bà T. hy vọng sau thời gian “gây sốt”, số người tìm đến sẽ ít dần để người dân được trở về cuộc sống yên bình vốn có.

Những nơi phải treo biển "cấm chụp hình"

Cư xá 139 Lý Chính Thắng không phải khu dân cư duy nhất ở TP.HCM bị ảnh hưởng khi trở thành điểm check-in nổi tiếng.

Trước đó, từ khoảng tháng 7/2020, cư dân Hào Sĩ Phường - con hẻm trăm tuổi, được nhận xét đẹp nhất nhì ở TP.HCM - cũng đã phải treo biển cấm chụp hình, quay phim vì không muốn bị làm phiền.

hem han quoc anh 2

Người dân Hào Sĩ Phường phải treo biển cấm chụp hình vào năm 2020 vì không muốn bị làm phiền.

Hào Sĩ Phường (số 206 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, TP.HCM) được xây dựng từ năm 1910. Trước đây, nó thuộc sở hữu của công ty Hứa Bổn Hòa (Chú Hỏa). Đây là nơi sinh sống của hàng chục hộ gia đình, phần lớn là người gốc Hoa.

Khoảng năm 2016-2017, nơi này bất ngờ nổi tiếng khi được chia sẻ lên mạng xã hội. Thời điểm đầu, người dân khá thích thú và thoải mái khi có một số bạn trẻ, nhiếp ảnh gia hay khách nước ngoài ghé thăm.

Tuy nhiên, khi số người tìm đến ngày càng đông, cả trăm khách lũ lượt ra vào từ sáng tới chiều, nói chuyện và xả rác bừa bãi, đời sống người dân nơi đây bị ảnh hưởng.

Gần 3 năm sau khi treo biển cấm chụp hình, khu chung cư này yên ắng hơn hẳn vì không còn những nhóm khách lạ tìm đến check-in.

hem han quoc anh 3

Chung cư Tôn Thất Đạm từng có quy định thu phí để kiểm soát người tới chụp ảnh, đảm bảo an ninh.

Chung cư Tôn Thất Đạm (số 14 Tôn Thất Đạm, quận 1) cũng là một địa điểm bị làm phiền vì quá nhiều người tìm đến chụp ảnh sống ảo. Nơi đây thu hút khách du lịch, người trẻ tới thăm nhờ lối kiến trúc đẹp cùng loạt cửa hàng thời trang, quán cà phê đậm chất vintage.

Tuy nhiên, nhiều cư dân từng phản ánh với Zing về việc các nhóm bạn trẻ đến đây nhưng thiếu ý thức, xả rác bừa bãi, làm ồn.

"Một nhóm 10 người đến, cầm theo 10 ly nước, lúc ra về bỏ lại cả 10 ly nhựa dọc hành lang, không cần biết ai sẽ dọn. Có lần, một nhóm mang theo đồ ăn, đi đến vứt rác ngay cửa shop khiến mình phải chạy ra nhắc nhở", một chủ cửa hàng quần áo trên tầng 2 chung cư bức xúc kể.

Chủ cửa hàng này từng chứng kiến các bạn trang điểm chụp hình, dùng khăn giấy lau son xong vứt ngay xuống hành lang. Có lần, quần áo người dân phơi ngoài ban công đang ướt bị nhóm bạn dồn ngang để lấy background chụp hình nhưng sau đó không dàn ra lại.

hem han quoc anh 4

Chung cư Lý Tự Trọng đã cấm khách chụp ảnh check-in khoảng 10 năm.

Chung cư Lý Tự Trọng (26 Lý Tự Trọng, quận 1) - điểm vui chơi nổi tiếng của giới trẻ Sài thành - cũng là một trong những nơi phải treo biển cấm chụp hình.

"Tuyệt đối khách vào chung cư không được chụp hình và quay phim", một tấm bảng ghi rõ.

Trước thang máy cổ và dọc theo cầu thang từ tầng trệt lên tầng 2 của chung cư, có khoảng 3 tấm biển với nội dung "No camera" - yêu cầu khách đến đây không được chụp ảnh.

Khi có khách giơ điện thoại, máy ảnh để chụp ở khu vực tầng trệt hoặc cầu thang dẫn lên tầng 2 sẽ bị người dân nhắc nhở: "Ở đây cấm chụp ảnh".

Quy định này đã có từ cách đây gần 10 năm. Nguyên nhân là có quá nhiều người tới đây chụp ảnh, nói chuyện ồn ào gây ảnh hưởng tới công việc cũng như cuộc sống của người dân.

Sự bùng nổ của webtoon

Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.

Vì sao ly cà phê 70.000-80.000 đồng ở TP.HCM vẫn bán tốt

Khách hàng giờ đây không chỉ quan tâm mỗi giá thành mà ngày càng chú trọng đến trải nghiệm. Khi đó, giá một ly cà phê còn có cả chất lượng sản phẩm, dịch vụ, địa điểm ngồi.

Mau thuan tren TikTok hinh anh

Mâu thuẫn trên TikTok

0

Hàng loạt luồng thông tin, trào lưu trái ngược nhau xuất hiện liên tục trên TikTok khiến người xem bối rối, không biết đâu là thứ mình nên học theo, hoặc cần chống lại.

Đào Phương

Bạn có thể quan tâm