Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái Trung Quốc bị miệt thị vì mặc thử quần áo của người chết

Vì định kiến xã hội, Fang Fang thường nhận về những ánh mắt dè bỉu, dò xét từ người thân, bạn bè và cộng đồng mạng khi chia sẻ về nghề hộ tang của mình.

Fang Fang (30 tuổi), một phụ nữ đến từ tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), chịu nhiều định kiến vì nghề nghiệp của mình. Cô thường thiết kế, may và mặc thử trang phục mai táng, giúp khách hàng chọn được bộ đồ phù hợp cho người thân đã khuất, theo SCMP.

Ở Trung Quốc, những vấn đề liên quan tới cái chết thường được coi là chủ đề cấm kỵ. Do đó, khi chia sẻ về công việc mình làm với bạn bè, dân mạng, cô thường nhận bình luận tiêu cực.

Tuy nhiên, Fang vẫn luôn tự hào về công việc đặc biệt này. "Nhiều khách tới cửa hàng không dám chạm vào bộ đồ liệm. Vì thế, tôi quyết định trở thành người thử đồ, giúp gia đình người đã khuất tìm được trang phục ưng ý, phù hợp".

bi ky thi vi lam nguoi mau do mai tang anh 1

Chứng kiến cảnh khách hàng ngại chạm vào trang phục mai táng, Fang Fang quyết định trở thành người thử đồ, giúp họ chọn được bộ đồ phù hợp cho người thân đã mất.

Bị chỉ trích "công việc thấp kém"

Khác với nhiều đồng nghiệp, Fang không chọn công việc này vì không thể tìm một công việc ổn định, thông thường. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý nghĩa trang vào năm 2013, cô bắt đầu làm việc bán thời gian tại cửa tiệm.

Trước lời cảnh báo từ cha mẹ, cô khẳng định mình chưa bao giờ hối hận khi đi con đường riêng.

Công việc của Fang thường bắt đầu từ việc làm sạch cơ thể, trang điểm, rồi thay đồ cho người chết. Cô cho biết mình tôn trọng công nghề hộ tang bởi nó đem tới sự an ủi cho người đã khuất và gia đình họ.

"Một số người ra đi với khuôn mặt nhăn nhó. Khi dùng bàn tay của mình để giúp họ trông thanh thản hơn, tôi cảm thấy hạnh phúc. Gia đình của họ cũng cảm kích điều đó", Fang nói.

Giờ, cô vừa thiết kế, vừa mặc thử những trang phục khâm liệm ở cửa hàng và đăng tải các video thử đồ lên mạng xã hội. Song, điều này khiến Fang trở thành tâm điểm chỉ trích.

"Hãy nằm xuống như người chết ấy", "Thèm khát chú ý" là những bình luận xấu thường xuất hiện dưới các clip thử đồ của Fang Fang.

"Không chỉ dân mạng, bạn học cấp 2 của tôi cũng ngạc nhiên khi nghe về công việc này. Họ hỏi han, dị nghị như thể nghề nghiệp này rất thấp kém", cô trải lòng.

Chia sẻ với SCMP, Fang cho biết cô từng gặp khó khăn khi mới vào nghề. Nỗi sợ đối với cái chết ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân xứ tỷ dân, khiến cô khó lòng vượt qua.

"Thời gian đầu, tôi sợ tới mức không dám chạm vào thi thể người đã khuất, trong đầu luôn có suy nghĩ: 'Nếu họ đột nhiên bật dậy thì sao?'. Nhưng dần dà, tôi không còn hoảng sợ nữa", cô kể.

Do bản chất công việc, Fang thường xuyên đối diện với cái chết và nỗi đau của các gia đình mất đi người thân. Nhiều lúc, cô còn bật khóc khi tâm sự, chia sẻ cùng khách hàng của mình.

"Công việc này giúp tôi được bày tỏ lòng thông cảm với những người xa lạ, dù họ còn sống hay đã lìa đời. Tôi không hề xấu hổ với những gì mình đang làm", Fang nói.

"Càng làm, càng yêu thích"

Vài năm gần đây, sự kỳ thị với người làm việc trong lĩnh vực mai táng ở xứ tỷ dân có dấu hiệu giảm bớt nhờ sự tham gia của những người trẻ. Fang cho biết so với nghi lễ truyền thống, họ có thể tổ chức những cuộc chia ly riêng tư, tình cảm hơn cho gia đình và người đã khuất.

"Thay vì nhạc đám tang truyền thống, các gia đình giờ đây được khuyến khích chọn thể loại nhạc mà người đã mất từng yêu thích. Như thế, buổi lễ sẽ ấm áp hơn chứ không chỉ toàn nỗi buồn", cô nói.

Ngoài ra, mạng xã hội cũng cho công chúng cơ hội hiểu và nhìn nhận đúng hơn về công việc của những người như Fang.

bi ky thi vi lam nguoi mau do mai tang anh 4

Fang cho rằng sự xuất hiện của người trẻ trong ngành và mạng xã hội đã giúp công việc này bớt bị kỳ thị.

Luo Liang, một người theo dõi Fang trên mạng xã hội, cảm thấy nể phục thái độ sống của nữ nhân viên hộ tang.

"Nhờ cô ấy, chúng tôi trân trọng cuộc sống và yêu gia đình hơn. Cô ấy giúp người sống thêm quý trọng sinh mạng và đưa người chết ra đi với phẩm giá", Liang nhận xét.

Sự thấu hiểu, động viên từ những dân mạng như Luo Liang chính là động lực để Fang Fang tiếp tục công việc mình chọn. "Càng làm nghề này lâu, tôi càng thêm yêu thích, quý trọng nó".

Do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, số người chết hàng năm ở Trung Quốc liên tục tăng, kéo theo sự phát triển của ngành dịch vụ tang lễ.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Qianzhan chỉ ra tổng doanh thu ngành này tăng từ 139,5 tỷ yuan vào năm 2013 lên 263,8 tỷ yuan vào năm 2020.

Nỗi lo thất nghiệp của sinh viên Trung Quốc sắp ra trường

Nhiều người trẻ đã chọn con đường học lên các bậc cao hơn vì thất vọng với thị trường lao động và mức lương tương xứng.

Ngọc Linh

Ảnh: SCMP.

Bạn có thể quan tâm