Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái tự cầm chai truyền dịch khi đi tàu điện ngầm ở Trung Quốc

Để tiết kiệm thời gian dành cho công việc, cô gái ở Thượng Hải, Trung Quốc, tự truyền dịch thay vì ở lại bệnh viện. Hành động này bị xem là nguy hiểm.

Hình ảnh đặc biệt của cô gái được một người qua đường ghi lại vào khoảng 22h ngày 28/5, tại một ga tàu điện ngầm ở Thượng Hải, Trung Quốc.

"Lúc đầu, tôi nghĩ cô ấy đang cầm một chai nước uống. Sau đó, tôi nhận ra đó là chai truyền dịch và ống truyền vẫn đang cắm ở tay cô ấy. Tôi thấy cô ấy rất mạnh mẽ và cuộc sống không hề dễ dàng với cô. Trái tim tôi có chút đau nhói vì cô gái", người đàn ông ghi lại đoạn video nói với The Paper.

Sau khi clip lan truyền trên mạng, cô gái - có nickname Dongdong - cho biết cô đã bị sốt trong vài ngày. Một ngày trước khi hình ảnh được ghi lại, cô đến truyền dịch tại bệnh viện vào buổi tối.

Dongdong điều hành một studio tập nhảy ở trung tâm Thượng Hải, cách nhà 20 km. Cô cho biết mình không thể đến bệnh viện vào ban ngày vì mới chỉ bắt đầu kinh doanh, chưa thuê nhân viên.

"Nếu đến bệnh viện truyền dịch sau 22h hàng ngày và kết thúc lúc 2h sáng, tôi sẽ không được nghỉ ngơi mấy vì cần phải mở cửa studio sớm. Vì vậy, tôi đã hỏi các bác sĩ liệu tôi có thể mang chai truyền dịch theo không, tôi nói với họ rằng tôi từng học y và có thể tự truyền. Các bác sĩ đã đồng ý", cô giải thích.

Vào ngày được người lạ ghi hình lại, Dongdong đã đi tàu điện ngầm về nhà thay vì taxi để tiết kiệm tiền.

"Tôi chỉ mới ở giai đoạn đầu của việc kinh doanh. Tôi không muốn lãng phí tiền".

Dongdong thừa nhận hành động của mình có vẻ "ngu xuẩn" và cảnh báo mọi người không nên thử.

"Xin hãy nhớ rằng có rất nhiều yếu tố không thể kiểm soát được trong quá trình truyền dịch, ví dụ như dị ứng, ống bị vỡ, ngoài ra có thể có những phản ứng bất lợi khác, khiến tính mạng mọi người gặp nguy hiểm. Rất nguy hiểm khi không truyền dịch ở bệnh viện. Tôi xin lỗi vì hành động của mình đã ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng".

Nói với Beijing Youth Daily, một bác sĩ ở Bắc Kinh cho biết một số loại dịch truyền cần tránh ánh sáng hay được truyền với tốc độ cụ thể. Trong trường hợp máu trào ngược vào dây truyền, không khí có thể lọt vào hoặc kim có thể bị nhiễm bẩn.

"Các địa điểm như tàu điện ngầm rất đông đúc và khó kiếm thiết bị hay lực lượng cấp cứu. Một khi tai nạn xảy ra, rất khó lường trước hậu quả. Từ góc độ an toàn y tế, hành động của người phụ nữ nên bị nghiêm cấm".

co gai tu truyen dich anh 3

Nhiều người trẻ Trung Quốc đối mặt áp lực công việc lớn. Ảnh: CGTN.

Đoạn video về Dongdong cũng dấy lên cuộc tranh luận trên mạng về áp lực công việc ở các thành phố lớn ở Trung Quốc.

"Cuộc sống không hề dễ dàng. Tôi hiểu tính tằn tiện của cô gái này. Giá taxi cho quãng đường 20 km không hề rẻ", một người bình luận.

Một người khác cũng cảm thông: “Tôi không thể kìm nước mắt. Cảm giác giống như nhìn thấy bản thân tôi ngày trước".

Sự cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng gắt gao ở Trung Quốc, nhất là tại các thành phố lớn với mức sống đắt đỏ. Tháng 7/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 19,9%, cao nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố chỉ số vào tháng 1/2018 chỉ ở mức 9,6%.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Cột mốc tuổi 25 khiến nhiều phụ nữ lo lắng

Muốn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học hành hoặc công việc sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều phụ nữ Trung Quốc phải đối mặt áp lực chuyện sớm kết hôn trước khi quá nhiều tuổi.

Mai An

Bạn có thể quan tâm