Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái và chồng cụt hai chân đón con đầu lòng sau 3 năm kết hôn

Nói với Zing, Lệ Giang cho hay cô chưa một lần hối hận khi bỏ ngoài tai lời dị nghị của người xung quanh, sự phản đối từ gia đình để gắn bó cuộc đời với một chàng trai khuyết tật.

Cách đây 3 năm, chuyện tình của Lường Lệ Giang (sinh năm 1996, quê Lạng Sơn) và Đỗ Văn Đồng (sinh năm 1991, Thanh Hóa) được hàng nghìn người ví như “ngôn tình giữa đời thực” hay “tình yêu cổ tích”.

Hai người quen nhau qua mạng xã hội và “về chung một nhà” vào tháng 1/2017, sau 1 năm 4 tháng yêu nhau.

Để đến được bến đỗ hạnh phúc đó, họ đã vượt qua không ít sóng gió, lời dị nghị từ người xung quanh hay cấm cản từ gia đình. Bởi trong khi Lệ Giang là cô gái xinh xắn, nhanh nhẹn, Văn Đồng đã mất cả 2 chân trong một tai nạn.

Nhìn lại hành trình đã qua, Giang chia sẻ với Zing bằng nụ cười hiền: “Dù ai nói mình phí hoài thanh xuân cho người tàn tật thì cũng mặc kệ, duyên phận đến với nhau rồi, không tránh được. Với mình, anh ấy không còn đôi chân nhưng là người chồng biết cố gắng, chăm lo cho gia đình”.

chuyen tinh co gai xinh dep lay chang trai cut chan anh 1

Chuyện tình của Lệ Giang - Văn Đồng lấy đi nước mắt của nhiều người và được ví như "cổ tích giữa đời thực".

Quen qua MXH, hẹn hò... trong bệnh viện

Đồng sinh ra là một chàng trai khỏe mạnh, có tứ chi lành lặn. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh trụ lại Hà Nội, làm thêm đủ nghề để trang trải cuộc sống và phụ giúp người mẹ góa bụa ở quê nghèo Nông Cống, Thanh Hóa.

Năm 2015, Đồng gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tỉnh dậy trên giường bệnh với đôi chân không còn nữa, anh như rơi xuống vực thẳm, mất hết niềm tin vào cuộc sống.

Đồng từng muốn buông xuôi tất cả, nhưng nhìn giọt nước mắt của mẹ, anh vực dậy tinh thần và quyết tâm không đầu hàng số phận.

Trong những ngày tháng khó khăn nhất, Đồng gặp được Giang.

"Chúng mình quen nhau qua mạng xã hội. Tình cờ trông thấy ảnh anh Đồng ngồi xe lăn, mình thấy thương nên chủ động nhắn tin hỏi han. Không ngờ hai đứa nói chuyện rất hợp, kể cho nhau nghe đủ chuyện cả ngày mà không chán", Giang nhớ lại.

Sau một thời gian dài trò chuyện, đôi trẻ lần đầu gặp gỡ khi Đồng đến Bệnh viện Quân y 105 (Sơn Tây, Hà Nội) để điều trị và lắp chân giả. Xúc động mạnh trước ánh mắt đầy nghị lực của Đồng, Giang khóc suốt trên đường trở về nhà vì thương chàng trai.

Cứ thế, mỗi cuối tuần, Giang (khi đó làm công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) lại bắt xe buýt tới bệnh viện thăm nom Đồng và mua đồ ăn, nhắc anh uống thuốc, chăm chỉ tập luyện để mau được xuất viện.

Dần dần, Giang nhận ra tình cảm của mình dành cho Đồng không đơn thuần là tình thương, mà là tình yêu. Biết Đồng mặc cảm, sợ người con gái đến với mình thiệt thòi, Giang chủ động nói lời yêu thương và bày tỏ mong muốn chăm sóc cho anh cả đời.

Ban đầu, Đồng không dám đón nhận tình cảm của cô gái xinh đẹp. Nhưng sự chân thành, quả quyết của Giang khiến anh vượt qua sợ hãi.

Tuy nhiên, khi xin phép gia đình để được gắn bó dài lâu với Đồng, Giang vấp phải sự phản đối kịch liệt. Cô không nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần vì bất lực.

“Bố mẹ, họ hàng mình không chấp nhận chàng rể tật nguyền, hơn nữa lại ở quá xa. Họ nói mình tuổi còn quá trẻ, chưa thể hiểu chuyện đời, tình yêu và những khó khăn phải đối mặt phía trước. Nhiều hôm họp gia đình căng thẳng đến 1-2 sáng. Bố mẹ mình khóc suốt, đòi từ mặt nếu mình cãi lời”, Giang nhớ lại.

Chính mẹ Đồng cũng khóc, khuyên Giang nên đi tìm chàng trai khác xứng đáng với cô hơn để không lỡ dở tương lai. Tuy nhiên, Giang kiên định với tình yêu của mình.

Sau đó, câu chuyện của Giang và Đồng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội vào tháng 7/2016. Bên cạnh những lời chúc phúc, ngưỡng mộ tình yêu của đôi trẻ, không ít người bình luận không hay. Bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị, hai người vẫn nắm tay nhau cùng vượt qua.

Cuối cùng, tình yêu của Giang và Đồng cũng được gia đình chấp thuận. Trong đám cưới diễn ra đầu tháng 1/2017, bố mẹ, anh chị em họ hàng lúc tiễn Giang về nhà chồng đều "khóc như mưa". Hơn ai hết, Giang hiểu những giọt nước mắt ấy chứa đựng lòng thương yêu, cảm phục và lo lắng cho mình cùng chồng.

“Chuyện chúng mình không phải cổ tích”

Kết hôn ở độ tuổi đôi mươi, lại ở xa gia đình hàng trăm cây số, Giang tâm sự điều khó khăn nhất với cô là phải tự cố gắng lo liệu cuộc sống.

"Trước khi lấy chồng, mình được bố mẹ bao bọc, thương yêu. Nhưng khi đã làm vợ, làm mẹ rồi, mình cũng phải cố gắng như mẹ mình từng nỗ lực vì gia đình vậy", cô gái 24 tuổi nói.

3 năm sau đám cưới, Giang vẫn được nghe nhiều người nói về chuyện tình của mình là “cổ tích đời thực”.

Tuy nhiên, 9X mỉm cười nói: "Cổ tích chỉ có trong truyện mà thôi. Chúng mình cũng như nhiều đôi vợ chồng, có cãi vã, giận hờn. Nhưng sau tất cả, tình cảm của cả hai lại càng khăng khít hơn".

Đến nay, tổ ấm của Giang và Đồng đã có thêm con trai 2,5 tuổi. Hiện 3 người sống ở Thanh Hóa quê Đồng.

"Công việc chính của mình hiện tại là bán hàng qua mạng. Do lượng khách không ổn định nên thu nhập cũng hơi bấp bênh. Chồng mình có lập kênh vlog nhưng vẫn chưa có nhiều người theo dõi. Nói chung, cuộc sống không dư dả nhưng mình cảm thấy hài lòng", Giang chia sẻ.

Nhìn lại hành trình để đi tới hạnh phúc, có khi khóc cạn nước mắt bị gia đình phản đối kịch liệt, lúc lại phải đối diện lời nói không hay từ xung quanh, Giang nói: "Khó khăn đều đã trải qua hết rồi. Giờ có ai còn nói gì không hay mình cũng mặc kệ. Mình sống cho bản thân chứ không phải cho ai cả".

Giang nói cho dù phải chọn lại thêm hàng trăm, hàng nghìn lần, cô vẫn quyết định ở bên Đồng, làm đôi chân của anh cho đến hết đời.

"Duyên phận đến với nhau rồi, không tránh được. Với mình, anh ấy không còn đôi chân nhưng là người chồng yêu thương vợ con, biết cố gắng vì gia đình. Anh ấy tự làm mọi thứ, không làm gánh nặng cho ai", 9X nói.

Nhiều người hỏi Giang bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, cô nói đơn giản là sự tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu và hơn hết là đối xử với nhau bằng tình cảm chân thành.

'Nhà trọ quan tài' Hong Kong thời giãn cách xã hội

Với người nghèo, thất nghiệp sống trong "nhà lồng" hay "nhà quan tài" rộng không quá 9 m2 ở Hong Kong, việc giãn cách xã hội giữa đại dịch là điều gần như không khả thi.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm