Đó là tiệm bánh của nàng dâu người Việt - chị Bùi Thị Hạnh Tuyết.
Chị Tuyết và Sebastian Robert Sundaram quen nhau qua Yahoo. Cặp đôi kết hôn tại Ấn Độ năm 2014. Tuy nhiên, suốt từ đó hai vợ chồng chủ yếu sống cảnh mỗi người một nơi.
Sau khi mang thai được 8 tháng, chị Tuyết về Việt Nam sinh con và làm việc tại TP.HCM. Robert là người làm bánh trên du thuyền quốc tế Queen Mary 2 nên mỗi năm chỉ được nghỉ phép vài lần. Mỗi lần được nghỉ, Robert lại mua vé về Việt Nam để cả nhà sống gần nhau.
Tổ ấm nhỏ của chị Tuyết ở Chennai, Ấn Độ. |
Năm 2020, chị Tuyết đưa con gái 5 tuổi sang Ấn Độ thăm gia đình chồng. Chuyến đi bị kẹt lại vì dịch Covid-19 nên chị quyết định ở lại Ấn Độ. Cũng khoảng thời gian này, du thuyền Mary Queen 2 ngừng hoạt động vì dịch nên Robert được nghỉ ở nhà.
Nghĩ đến sở trường làm bánh của chồng và đam mê kinh doanh của bản thân, chị Tuyết bàn với Robert mở tiệm bánh kem.
Tiệm bánh nhỏ đặt trên con phố đông đúc ở Chennai. Vì không muốn giống những tiệm bánh của người Ấn, chị Tuyết làm biển hiệu là tên tiếng Việt của mình. Tại quán, chị Tuyết còn thường xuyên mở nhạc Việt và thỉnh thoảng lại mặc áo dài. Sự khác biệt này khiến rất nhiều người Ấn Độ tò mò.
"Nhiều người vào quán với hàng trăm câu hỏi. Có người hỏi, bánh này làm từ cái gì, ăn như thế nào? Có hóa chất không? Có người lại hỏi tấm biển trên cửa hiệu có nghĩa là gì? Sao chữ viết gì lạ vậy?...", chị Tuyết bật cười kể lại.
Tên cửa tiệm viết bằng tiếng Việt khiến nhiều người Ấn Độ tò mò. |
“Thực ra, nơi mình ở đa số người dân không biết Việt Nam, càng không biết chữ viết của người Việt. Vì vậy biển hiệu bằng tiếng Việt chính là cách mình muốn quảng bá quê hương đến người Ấn Độ ở Chennai”, chị Tuyết nói thêm.
8X TP.HCM cho biết, việc mặc áo dài, mở nhạc Việt trong cửa hàng cũng là cách chị muốn mang văn hóa Việt đến xứ người. "Giờ thì ở phố ai cũng biết tên tiếng Việt của mình. Cũng không còn ai hỏi "Bạn là người Trung Quốc?" nữa", chị Tuyết hạnh phúc nói.
Sau 2 năm mở tiệm, từ một số người đến mua thử vì tò mò, hiện, các món bánh như bánh kem, bánh mỳ, bánh Trung thu... của cô chủ Việt đã được nhiều người dân địa phương đón nhận và giới thiệu cho bạn bè.
Chị Tuyết cho rằng, đó là tín hiệu vui với gia đình. Nhưng quan trọng hơn, việc kinh doanh cùng nhau giúp hai vợ chồng thỏa mãn được đam mê và được ở gần nhau.
“Con gái mình đã đến tuổi đi học, con cần có ba ở cạnh. Hơn nữa, mình cũng muốn vợ chồng con cái ở bên nhau, không muốn anh đi làm xa nữa”.
Cô chủ Việt mặc áo dài trước cửa tiệm tại Ấn Độ. |
Kể về người chồng Ấn Độ, chị Tuyết nói giọng tự hào: “Ở Ấn Độ, nhiều đàn ông gia trưởng. Kiếm được người hiểu, thông cảm, biết quan tâm yêu thương vợ là rất khó. Nhưng mình may mắn gặp được người chân thành, yêu thương vợ thật lòng. Từ khi kết hôn đến nay là 8 năm, hai vợ chồng vẫn như thủa ban đầu”.
Robert không bao giờ quên tặng hoa cho vợ vào những ngày đặc biệt. Anh luôn hôn vợ mỗi sáng đi làm. Trước khi đi, anh sẽ lo cho con đến trường để vợ được thoải mái ngủ. Ngoài ra, khác với nhiều cô dâu Việt lấy chồng Ấn Độ phải ăn chay, mặc đồ truyền thống, chị Tuyết không phải kiêng bất cứ món ăn nào. Chị cũng luôn được thoải mái trong việc chọn trang phục.
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu có bất đồng quan điểm với chồng chị Tuyết sẽ im lặng một ngày. Sau đó, chị nói rõ vấn đề với anh. Robert cũng thẳng thắn với vợ rồi hai vợ chồng giải quyết trong vui vẻ.
Chị Tuyết cho rằng, việc trì hoãn nói chuyện khi đang nóng giận sẽ giúp cả hai bình tĩnh nhìn nhận lại sự việc, từ đó có thể nói chuyện với nhau trong hòa bình.
Chính nhờ bí quyết này mà 8 năm qua, hai vợ chồng chị chưa từng cãi nhau. Tình cảm vợ chồng vẫn như ngày mới quen. Robert luôn nói với vợ những lời ngọt ngào. Mái ấm bình yên, hạnh phúc của đôi vợ chồng khiến bạn bè của Tuyết phải thốt lên rằng, chị thật may mắn khi gặp được người đàn ông ấy.