Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái Việt ở Mỹ: 'Tôi hiểu nỗi lo bùng dịch khi Tết cận kề'

Những ngày gần đây, cả nước xôn xao trước tin dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng. Mọi người ai cũng lo lắng, thấp thỏm, nhất lại đúng vào dịp Tết cổ truyền đã sát tới.

Chi Nguyễn là tiến sĩ giáo dục tại Mỹ, tác giả Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản và blogger trên trang The Present Writer. Sinh ra tại Hà Nội, sang Mỹ học tập và sinh sống, hiện Chi là Higher Education Data Analyst tại Đại học Penn State. Chi có nhiều nghiên cứu về các vấn đề bình đẳng giáo dục và khoảng cách xã hội được xuất bản trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Được sự đồng ý, Zing đăng tải lại chia sẻ của cô.

Những ngày gần đây, cả nước xôn xao trước tin dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng. Mọi người ai cũng lo lắng, thấp thỏm, nhất lại khi Tết cổ truyền đã sát tới.

binh on tam ly trong dich anh 1

Chi Nguyễn đang sống và làm việc tại Mỹ.

Tôi hiểu nỗi lo này hơn ai hết, vì trong suốt một năm qua, tôi sống và làm việc tại Mỹ - tâm dịch của cả thế giới với hàng trăm nghìn ca bệnh, hàng nghìn người tử vong mỗi ngày.

Thậm chí mới tuần trước thôi, vợ chồng tôi mặc dù đã vô cùng cẩn thận phòng ngừa nhưng vẫn trở thành F1, F2 khi tình cờ tiếp xúc với một người nhiễm bệnh.

Rất may là sau khi xét nghiệm, chúng tôi đều có kết quả âm tính với virus.

Nhưng mấy ngày phấp phỏng chờ đợi kết quả, lo lắng cho tương lai khiến tôi thấu hiểu ảnh hưởng sâu sắc về tâm lý mà dịch bệnh đem đến.

Tôi nhận ra rằng để có thể chống chọi với virus, ngoài thể chất, ta cần phải bồi dưỡng thêm sức khoẻ tinh thần.

“Cuộc chiến” này còn dài và hệ luỵ của nó sẽ còn dai dẳng, nếu không giữ được tinh thần tốt, ta rất dễ ngã quỵ trước áp lực, căng thẳng hàng ngày.

Tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát

Khi dịch bệnh nổ ra, trong đầu ta có hàng chục, thậm chí hàng trăm thứ để lo lắng: mọi người đều lo bị nhiễm bệnh, học sinh mất bài vở, người đi làm lo mất việc, bố mẹ lo con cái nghỉ học không ai chăm, doanh nghiệp lo doanh số hạ…

Nhưng trong muôn nghìn cái lo đó, ta hãy thử bình tĩnh suy nghĩ xem: Đâu là điều ta có thể kiểm soát được? Đâu là cái ngoài tầm kiểm soát của mình?

Ví dụ, ai cũng có chung băn khoăn về đại dịch: Bao giờ đại dịch kết thúc? Chủng virus mới lây lan nhanh như vậy sao ngăn chặn kịp? Khi nào mới có vaccine? Kinh tế liệu có phục hồi?…

Nhưng phần lớn những vấn đề mang tính vĩ mô này, người dân thường không thể giải quyết được. Ta chỉ có thể đặt lòng tin vào chính quyền và hợp tác với những tổ chức y tế cộng đồng, những cơ quan phòng chống dịch địa phương để họ hoạt động hiệu quả hết mức có thể mà thôi.

binh on tam ly trong dich anh 2

Buông bỏ những nỗi lo ngoài tầm với và tập trung vào những gì mình có thể thay đổi được sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm, an yên hơn. Ảnh: Thạch Thảo.

Thay vì quá lo lắng vì những thứ ngoài tầm với, hãy tập trung vào những gì mình có thể làm ngay hôm nay để giải quyết những nỗi lo mình đang gặp phải.

Đối với nỗi lo sức khoẻ, việc ta có thể làm là đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, rèn luyện thể chất, tinh thần… để chống chọi với bệnh dịch.

Đối với nỗi lo gia đình, hãy tập trung tìm giải pháp, sắp xếp thời gian để giúp gia đình mình thích ứng với hoàn cảnh mới.

Đối với nỗi lo công việc - tài chính, cân nhắc việc làm tại nhà, làm trên mạng, quản lý chi tiêu tốt hơn đề phòng dịch bệnh ảnh hưởng tới việc làm…

Buông bỏ những nỗi lo ngoài tầm với và tập trung vào những gì mình có thể thay đổi được sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm, an yên hơn.

Hạn chế tiếp thu quá nhiều tin tức

Dịch bệnh bùng lên cũng là lúc “bão thông tin” ập đến. Nhưng tiếp thụ quá nhiều tin tức, đặc biệt những tin tức không chính thống, chưa được kiểm chứng chỉ làm cho ta thêm hoang mang, lo lắng, áp lực mà thôi.

Khi dịch bệnh mới nổ ra tại Mỹ, ngày nào tôi cũng lên Twitter để cập nhật thông tin. Có những ngày, tôi refresh Twitter hàng phút một để xem cập nhật tình hình bệnh dịch, đọc tất cả loại tin tức “thượng vàng, hạ cám” với từ khoá “coronavirus”.

Ban đầu, tôi cảm thấy cập nhật thông tin thường xuyên giúp cho mình nắm được tình hình tốt hơn, hiểu được chuyện gì đang xảy ra xung quanh mình.

Tuy nhiên, một vài tuần đắm chìm trong tin tức khiến tôi stress nặng nề; hàng nghìn nỗi lo lắng không tên dấy lên trong đầu bởi những luồng tin ồ ạt, không chính thống.

Chỉ khi tôi xoá ứng dụng Twitter khỏi điện thoại và giảm xem tin tức, tôi mới cảm thấy mình lấy lại được sự bình tĩnh, an yên trong tâm hồn để đưa ra những quyết định sáng suốt.

binh on tam ly trong dich anh 3

Nếu muốn cập nhật thường xuyên về dịch, bạn chỉ cần chọn 1-2 kênh chính thống, đáng tin cậy và lên đó hàng ngày 5-10 phút là có đủ thông tin. Ảnh: Duy Hiệu.

Quan điểm của tôi là: Nếu có bất kỳ thông tin nào quan trọng, không sớm thì muộn, mình sẽ biết về nó. Ngày nay, có vô vàn kênh thông tin, từ tivi, đài, báo, mạng xã hội, tin nhắn…

Dù bạn có không muốn xem tin thì tin tức lớn cũng sẽ đến tai bạn. Bạn không nhất thiết phải hàng ngày sùng sục 24/7 trên “cõi mạng” để tìm kiếm, thu thập thông tin.

Nếu muốn cập nhật thường xuyên, bạn chỉ cần chọn 1-2 kênh chính thống, đáng tin cậy và lên đó hàng ngày 5-10 phút là có đủ thông tin. Cách làm này vừa giúp bạn giữ được sự bình ổn, an yên trong tâm hồn mà vừa nắm được những tin tức cần thiết để bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng.

Tiết kiệm

Tiền thì liên quan gì đến tâm lý? Bạn biết đấy, dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, làm nhiều người mất việc, sa sút trong thu nhập, đó là còn chưa kể đến mắc bệnh phải nhập viện điều trị tốn kém, phải cách ly dài ngày mất nhiều cơ hội việc làm.

Bởi vậy, có một khoản tiền tiết kiệm dư dả sẽ khiến mình thấy an tâm hơn rất nhiều trong mùa dịch.

Có tiết kiệm, dù gặp phải tình huống khó khăn nào, ta cũng biết rằng ít nhất mình đã có một khoản để lo cho bản thân và gia đình trong thời gian trước mắt.

Nếu may mắn không phải động đến khoản này trong cả mùa dịch thì sau khi dịch qua đi, ta cũng vẫn có só dư tốt để đầu tư, kinh doanh hay làm điều gì đó có ích.

Bởi vậy, tiết kiệm tiền cũng là một cách để “bảo an” cho tâm lý và giúp ta truyền năng lượng lo âu vào một việc có ích.

Thêm nữa, vì thời gian này, nhiều người có tâm trạng lo lắng, bất ổn nên họ có thể dễ nổi cáu, cư xử khó chịu hơn bình thường. Biết là rất mệt mỏi, nhưng bạn hãy cố gắng kiên nhẫn, cảm thông và tha thứ cho họ. Nếu có lúc nào con người cần nhau nhất thì chính là lúc này đây!

Chúc mọi người sức khoẻ, an yên.

Bức thư con gái gửi mẹ là điều dưỡng tại tâm dịch Chí Linh

Đang ngày đêm cùng đồng nghiệp chiến đấu tại tâm dịch Chí Linh (Hải Dương), Nguyễn Thị Thu Huyền luôn nhận được nguồn động viên to lớn từ gia đình, đặc biệt là cô con gái nhỏ.

Chi Nguyễn

Bạn có thể quan tâm