Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái Việt sống cùng bộ lạc chăn nuôi tuần lộc ở Mông Cổ

Phạm Mai Hương tìm đến với bộ lạc Tsaatan ở vùng cực bắc của Mông Cổ, nơi nhiệt độ có lúc giảm xuống -50 độ C, "nơi xa xôi hẻo lánh, nhưng là một phần đặc biệt của thế giới".

Phạm Mai Hương sinh năm 1991, tốt nghiệp ngành báo chí Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Nhưng cô đã từ bỏ công việc theo giờ hành chính để thực hiện một hành trình dài, đầy thử thách.

Tsaatan là bộ lạc chăn nuôi tuần lộc di cư cuối cùng ở Mông Cổ. Vùng đất ấy có những cánh rừng bạt ngàn phủ đầy băng tuyết, những đàn sói hoang dã ban đêm vẫn hú lên tiếng vọng gọi bầy, những cung đường xóc, bùn lầy và sa mạc chỉ có thể vượt qua bằng ngựa.

Hương chia sẻ: “Tôi thích những nền văn hoá cổ xưa nên rất hay tìm hiểu. Nhất là sau khi xem xong một bộ ảnh về bộ lạc này, tôi lại càng có khát khao lên đường. Sau đó, tôi lên kế hoạch đi Mông Cổ và thu lượm thông tin hiếm hoi qua các nhóm phượt”. 

bo lac Tsaatan anh 1

Mai Hương cùng cô bé người Dukha, hay còn gọi là Tsaatan.

Cô mang theo hành lý nặng 20 kg, dù thiếu thông tin và kinh nghiệm cho chuyến đi, cũng chưa tìm thấy một bài tiếng Anh nào của người ngoại quốc viết về nơi này. Bạn đồng hành của Mai Hương là Agata, cô gái người Ba Lan mà cô quen qua trang mạng Couchsurfing. Agata là phượt thủ, cũng từng đến Việt Nam đi xuyên Việt. 

Từ Thủ đô Ulaabaatar của Mông Cổ, họ đi chuyến xe bus chật chội và nhồi đầy hàng hóa suốt 18 tiếng với chặng đường 700 km để đến Moroon. Sau đó, họ đi chuyến xe duy nhất (vài ngày mới có một chuyến) để đến được làng Tsagaanuur - "chuyến xe kinh hoàng nhất" trong đời cô từng đi.

Xe minivan 10 chỗ, nhưng luôn bị nhồi nhét 15-16 người, cùng một mớ hàng hóa khiến chỗ ngồi cực kỳ chật chội và ngột ngạt. Chặng đường 300 km nhưng đi 16 tiếng mới tới nơi, vì đường xóc và bùn lầy. Cô nôn mửa suốt hành trình, chân tay tê cứng vì không thể cử động.

bo lac Tsaatan anh 2

Em bé Tsaatan cưỡi tuần lộc trắng. 

Dựng lều ngủ đêm trên tuyết trong rừng taiga là kỷ niệm đáng nhớ nhất của Hương. Cô được trải nghiệm những điều nguyên sơ tưởng như đã biến mất khỏi mặt đất này. Đó là những thứ vẫn hiện hữu ở nơi ngọn núi băng giá, những cánh rừng hay dọc theo những dòng sông len lỏi trong thung lũng.

“Đêm ở rừng taiga lạnh đến mức không thể ngủ được. Với tôi, đó là cái lạnh thật khủng khiếp, vô cùng ám ảnh. Nó có thể xuyên qua tất cả các lớp vải, ngấm vào người”, Mai Hương chia sẻ.

bo lac Tsaatan anh 3

Người Dukha sinh tồn trong thời tiết -50 độ C ở Mông Cổ.

“Luôn muốn chạm vào mọi thứ, ôm hết thảy vào lòng, lấp đầy mọi thứ bằng trải nghiệm và những chuyến đi” là điều Mai Hương tâm niệm.

Thời tiết rét buốt, giá lạnh đã làm hai cô gái tê cứng. Họ liều lĩnh quyết định đem chăn gối qua lều của một gia đình, xin ngủ một góc trong túp lều của họ. “Đêm đó, tôi được ngủ trong một không gian vô cùng ấm áp, và được chứng kiến cảnh sinh hoạt về đêm của gia đình Tsaatan, cùng họ quay quần bên bếp lửa, cắn hạt thông, nghe họ hát hò và nói chuyện. Đó thật sự là một trong những ký ức đẹp đẽ nhất mà tôi trải qua”, Mai Hương tâm sự.

Bộ lạc Tsaatan không biết tiếng Anh. Hương và bạn đồng hành giao tiếp với họ bằng các hình vẽ nhanh trên giấy, ngôn ngữ cơ thể và vài từ rời rạc trong cuốn từ điển.

bo lac Tsaatan anh 4

Tuần lộc trắng được coi là con vật linh thiêng đối với bộ lạc Tsaatan.

Trước chuyến đi, Mai Hương vấp phải sự phản đối từ gia đình, và sức ép từ công việc, tự do, thu nhập… Chán nản và hoang mang, nhưng như một niềm tin lớn mạnh, như một sự thấu hiểu, cô gái 25 tuổi chấp nhận hành trình gian nan, mạo hiểm để khám phá những điều mới mẻ về con người, cuộc sống du canh du cư cổ đại, khám phá được sức mạnh của bản thân.

Cô không biết mình có phải người Việt đầu tiên đến vùng cực bắc của Mông Cổ, sống cùng bộ tộc chăn tuần lộc này không. Điều quan trọng với cô là được tự hào về sự chịu đựng của bản thân. Cô nói: "Tôi đã có bốn ngày sống cùng họ. Đó sẽ là quãng thời gian tôi không thể nào quên”.

Trước đây, Mai Hương đã có khá nhiều chuyến đi dài ngày, như khám phá sa mạc Gobi trong 12 ngày, đến làng Phakding ở Nepal, dãy núi Himalaya, chuyến đi từ Mũi Né đến Cà Mau...

Cô dự định đăng ký làm tình nguyện viên quốc tế, tham gia các dự án phi chính phủ, để vừa đi vừa khám phá văn hoá địa phương theo cách tiết kiệm nhất và gần gũi nhất, trải nghiệm nhiều nhất. Cô cũng muốn làm những bộ phim ngắn về văn hóa, du lịch theo cách riêng của mình.

Phạm Lành

Bạn có thể quan tâm