Nhã Nguyễn, cô gái sống ở TP.HCM, là nhân vật chính trong câu chuyện đen đủi này. Chia sẻ với Zing, Nhã cho biết đã đến Thái Lan nhiều lần kể từ năm 2015. Sau khi du lịch mở cửa trở lại, cô quyết định lên đường một mình sang xứ chùa Vàng du lịch.
Ngày 25/2, Nhã lên chuyến bay từ TP.HCM đi Thái Lan. Tuy nhiên, kỳ vọng về chuyến đi nước ngoài đầu tiên sau dịch của Nhã đã sớm bị dập tắt bởi "que test 2 vạch" vào 28/2.
Vỡ mộng
Ban đầu, Nhã dự định dành 15 ngày ở Thái Lan. Cô đã lên kế hoạch thưởng thức các nhà hàng có sao Michelin, đặc biệt là quán của bà Jay Fai nổi tiếng. Thực khách muốn ăn ở quán Jay Fai phải đặt bàn rất sớm vì quán luôn trong tình trạng "cháy chỗ". Biết trước điều đó, Nhã cũng đã đặt bàn thành công một tháng trước chuyến bay.
"Thực ra, chuyện mắc Covid-19 không khiến mình bất ngờ lắm. Trước khi có kết quả, mình đã sốt 2 ngày nên cũng chuẩn bị sẵn tâm lý", Nhã chia sẻ.
Que test dương tính đã mở màn cho chuyến đi tốn kém của nữ du khách Việt. |
Vào 28/2, Nhã test nhanh và cho ra kết quả dương tính. Việc đầu tiên nữ du khách làm sau khi nhận kết quả dương tính là liên hệ bảo hiểm và hủy phòng ở khách sạn, vé máy bay và tàu hỏa tới Chiang Mai. Phía bảo hiểm báo Nhã chờ kết quả xét nghiệm PCR ngày thứ 5 (tức 2/3). Nếu kết quả vẫn là dương tính, cô sẽ được gửi đến một hospitel (kết hợp giữa khách sạn và bệnh viện, dùng để cách ly khách du lịch).
Ban đầu, cô nghĩ mình có thể tự cách ly tại khách sạn đến khi khỏi. Nhưng sau khi tìm hiểu, nữ du khách Sài thành mới phát hiện các trường hợp khách du lịch dương tính sẽ phải chuyển vào hospitel.
Đây là vấn đề cũng khiến nhiều du khách nước ngoài khó chịu. Trên một hội nhóm tư vấn kinh nghiệm du lịch Thái Lan ở nước ngoài, một du khách tên Jessica Batey cũng gặp trường hợp tương tự. Sau khi bạn của Batey xét nghiệm dương tính, phía khách sạn đã yêu cầu người này phải chuyển đến hospitel. Tuy nhiên, họ không chấp nhận bởi số tiền phải trả thêm cho những ngày ở hospitel là rất lớn. Theo Batey, cuối cùng, khách sạn đã phải nhượng bộ trước sự kiên quyết của họ.
Về phần Nhã, cô cho biết mình bị yêu cầu cách ly tại hospitel trong 10 ngày. Và trong 10 ngày này, ngoài tiền thuốc chữa bệnh, bảo hiểm sẽ không chi trả thêm.
"Tôi thực sự hoang mang vì nếu cách ly 10 ngày, tôi sẽ không về kịp Việt Nam vào 11/3", cô nói.
Bảo hiểm giúp gì?
Sau khi tiếp nhận trường hợp của Nhã, phía bảo hiểm tư vấn cô làm theo yêu cầu của bệnh viện, tức là vào hospitel điều trị và bảo hiểm sẽ chỉ chi trả phí thuốc men.
"Nếu triệu chứng nặng, bạn có thể vào bệnh viện (hospital) và bảo hiểm sẽ trả tiền. Những người có triệu chứng nhẹ thì không được hỗ trợ như vậy. Một số người cũng tư vấn mình làm căng để được vào bệnh viện nếu không đủ tiền. Tôi cũng không rõ nếu làm căng, họ có cho mình vào bệnh viện không nữa", cô nói.
Phóng viên cũng đã trao đổi với ông Phạm Duy Nghĩa, Tổng giám đốc Vietfoot Travel, về vấn đề này và được xác nhận là đúng. Theo ông Nghĩa, đa số khách du lịch tự túc hay theo tour cũng đều mua các gói bảo hiểm thông thường. Do đó, mức chi trả chỉ có thể đến vậy. Vẫn có một số gói bảo hiểm cao cấp hơn sẽ bao gồm cả phụ phí kèm theo nhưng ít người chọn.
Bữa cơm cách ly của nữ du khách. Cô nhận xét bảo hiểm đã không hỗ trợ được nhiều trong thời gian điều trị. |
Nhã cho biết thêm bảo hiểm cô mua là của một công ty bảo hiểm đa quốc gia ở Pháp. Khi tìm hiểu, cô thấy khá nhiều người chọn nên quyết định mua. Tuy nhiên, từ 16/2, hãng này đã thay đổi chính sách về việc không chi trả chi phí ở hospitel. Nữ du khách thừa nhận mình cũng sơ suất không tìm hiểu kỹ về việc bảo hiểm sẽ hỗ trợ điều trị Covid-19 thế nào nếu không may bị mắc ở Thái Lan.
"Tôi tự mua bảo hiểm, không có nhân viên chăm sóc. Do đó, khi xảy ra việc, tôi chỉ biết gọi lên trung tâm chăm sóc khách hàng để trình bày. Từ kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ mọi người nên chọn những hãng bảo hiểm có nhân viên phụ trách riêng cho từng khách. Nếu gặp sự cố, bạn có thể liên hệ trực tiếp với họ ngay để được hỗ trợ tốt nhất", cô chia sẻ.
Nữ du khách không hài lòng với cách chăm sóc khách hàng của phía bảo hiểm. Cô phải tự liên hệ với cả bảo hiểm và phía bệnh viện trong suốt thời gian cách ly. Và nếu phải đánh giá, Nhã chắc chắn cho bảo hiểm 0 sao vì "nhân viên chẳng giúp ích được gì".
Ngoài ra, du khách này cũng khá ngán ngẩm với tác phong làm việc của các bộ phận bên Thái Lan. Cô cho biết họ giải quyết rất lâu, nếu không thúc giục sẽ chẳng biết bao giờ mới xong được.
Chuyến đi tốn kém
Nói với Zing, cô cho biết tổng tiền chữa trị là 30.000 baht (khoảng 20 triệu đồng). Ban đầu, một người bên bệnh viện liên hệ yêu cầu 50.000 baht (khoảng 34 triệu đồng) làm phí chữa trị. Tuy nhiên, Nhã nói mình chỉ có thể chi trả tối đa 30.000 baht cho 10 ngày điều trị và yêu cầu phía bệnh viện tìm phương án hợp lý hơn.
Sau nhiều lần trao đổi, 2 bên cũng thống nhất số tiền 30.000 baht, bao gồm tiền xe cứu thương đến đưa Nhã đi. Tới tối 9/3, Nhã đã khỏi Covid-19. Cô cũng nhờ phía bệnh viện châm chước cho rút ngắn thời gian điều trị còn 7 ngày và được chấp nhận.
Công viên mới ở Bangkok là điểm tham quan hiếm hoi Nhã kịp đi trước khi phải "du lịch hospitel". |
Dù vậy, rắc rối vẫn chưa qua với nữ du khách Việt. Vào ngày ra viện, cô lại được thông báo vẫn phải trả 50.000 baht do bệnh viện không nắm được việc thỏa thuận với nhân viên kia. Sau gần 7 giờ đôi co, du khách Việt cũng được rời bệnh viện.
"30.000 baht này không nằm trong dự tính của tôi. Thực sự việc mắc Covid-19 ở Thái Lan nằm ngoài sức tưởng tượng. Có điều an ủi tôi là sau khi chia sẻ câu chuyện, nhiều người ở Việt Nam lẫn Thái Lan đã khích lệ và cho những lời khuyên hữu ích", cô tâm sự.
Do dành gần hết thời gian "du lịch trong hospitel", Nhã quyết định đổi vé về Việt Nam từ 11/3 sang 14/3 để ở lại Bangkok chơi thêm vài ngày. Chuyến đi Chiang Mai coi như bỏ lỡ nhưng ít nhất, cô cũng không ra về tay trắng.
Nhã cũng nói thêm chuyến đi Thái Lan sau dịch này là lần tốn kém nhất từ trước giờ (chưa kể việc chữa trị) do các khoản phí đều tăng cao.
Vé máy bay khứ hồi là 5,5 triệu đồng (đã bao gồm hành lý). Ngoài vé máy bay, cô cũng phải mua thêm gói cách ly ngày 1 và ngày 5 ở khách sạn (bao gồm xe đưa đón sân bay, xét nghiệm PCR 2 lần và 3 bữa ăn/ngày). Tổng chi phí là 6.500 baht (khoảng 4,5 triệu đồng).
Gói bảo hiểm cơ bản (bao gồm chi trả nếu mắc Covid-19) là 1.370 baht (khoảng 950.000 đồng). Ngoài ra, các thủ tục giấy tờ liên quan cũng khá rắc rối. Phía hải quan cũng hỏi kỹ về số tiền mang theo và thời gian du lịch.
"Có lẽ, do tôi mua vé trước khi Thái Lan mở đăng ký Thailand Pass nên đắt hơn. Tuy nhiên, so với trước dịch, số tiền chuẩn bị trước khi đi cũng đắt hơn kha khá. Trước nay, tôi vẫn thích du lịch một mình. Giờ Thái Lan cũng mới mở cửa nên muốn đi sớm để khỏi chen chúc", cô kể.