Gội đầu, chải tóc cho mẹ, đút cho mẹ ăn, đẩy xe lăn đưa mẹ đi dạo, giúp mẹ trị liệu phục hồi... là những gì Đào Hồng Nhung (sinh năm 2003, Vĩnh Phúc) cùng bố và em trai đã làm suốt nhiều tháng qua, kể từ khi mẹ cô được xuất viện sau vụ tai nạn “thập tử nhất sinh”.
Loạt video “hồi phục cùng mẹ” được cô gái Vĩnh Phúc chia sẻ trên TikTok thu hút hàng trăm nghìn lượt xem của dân mạng. Khoảnh khắc cả gia đình cùng nhau hỗ trợ, giúp mẹ phục hồi cùng nụ cười hạnh phúc của người mẹ khiến những người xem thấy ấm lòng.
Ngày kinh hoàng
Trò chuyện với VietNamNet, Nhung cho hay mẹ cô tên là Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1986), là công nhân của một công ty ở Vĩnh Phúc. Ngày 29/6/2024, trên đường đi làm về, mẹ cô gặp tai nạn kinh hoàng, tưởng không thể qua khỏi. Đó là ngày thay đổi cuộc sống của cả gia đình Nhung.
Ở phòng trọ sinh viên, Nhung bàng hoàng khi nghe tin mẹ gặp tai nạn. Bố và em trai cô cũng như mất “nửa linh hồn”.
![]() |
Cuộc sống gia đình Nhung thay đổi hoàn toàn sau khi mẹ cô gặp tai nạn. |
“Mãi sau này, khi mẹ tôi dần ổn định, bố mới kể, khi đó ở bệnh viện, bác sĩ khuyên gia đình cho mẹ về nhà, mua máy oxy cho mẹ thở. Nhưng bố không từ bỏ, vẫn đưa mẹ đi chạy chữa khắp nơi”, Nhung kể.
Trong vòng nửa năm, mẹ Nhung phải chạy chữa từ viện tỉnh đến viện trung ương, trải qua các ca phẫu thuật xương tay, xương chân, mở khí quản, mở dẫn lưu phổi... Suốt thời gian đó, ba bố con Nhung cùng nhau chăm sóc mẹ.
“Thời gian mẹ ở viện, bố tôi là người chăm sóc chính. Tôi được nghỉ hè nên vào viện đỡ đần bố. Bà ngoại, cô và bác tôi cũng hỗ trợ chăm nom. Cả nhà đều mong mẹ sớm hồi phục”, Nhung kể.
Cuối năm 2024, mẹ Nhung được xuất viện, tình trạng sức khỏe ổn định, có thể nói chuyện dù chưa nói rõ ràng, chân tay có thể cử động nhẹ nhưng chưa thể cầm nắm hay đi lại.
Nhung cùng bố và em trai bước vào hành trình “cùng mẹ phục hồi”. Cô quay lại những khoảnh khắc này để lưu lại làm kỷ niệm và để lan tỏa tình cảm gia đình quý giá đến cộng đồng.
“Anh đã cứu được em từ cõi chết trở về”
Nhung nói hành trình này có tên gọi khác chuẩn hơn là “hồi phục cùng vợ”. Bởi lẽ, gần một năm qua, bố cô là người đã kề vai sát cánh chăm sóc cho mẹ cô chu toàn nhất.
![]() |
Chứng kiến bố chăm sóc mẹ tận tình, Nhung rất cảm động. |
Từ ngày mẹ Nhung nằm viện cho đến giờ, bố cô là người thay bỉm, vệ sinh cho vợ, đút cho vợ ăn, chải tóc, gội đầu cho vợ, giúp vợ tập phục hồi vận động tay chân... Ngay cả khi mẹ cô bị táo bón, bố cô cũng là người hỗ trợ.
“Hồi mẹ tôi ở viện, mọi người cùng phòng bệnh còn trêu bố tôi rằng ‘chắc chỉ mình anh có vợ’ bởi bố tôi chăm mẹ kỹ lưỡng, chu đáo quá.
Có lần, tôi nghe được bố thủ thỉ với mẹ rằng ‘Anh đã cứu được em từ cõi chết trở về, giờ cả nhà mình cùng nhau cố gắng nhé. Ông trời không triệt đường sống của ai’. Chứng kiến tình nghĩa đậm sâu của bố mẹ, tôi rất cảm động”, Nhung chia sẻ.
Nhung và em trai cũng tham gia vào hành trình này. Mỗi khi được nghỉ học về nhà, cô chăm sóc mẹ từng chút một. Mỗi khoảnh khắc được ở bên, chăm chút cho mẹ, Nhung đều thấy quý giá.
Dưới sự chăm sóc tận tình của chồng con, mẹ Nhung hồi phục từng ngày. “Mẹ tôi cử động tay chân nhiều hơn, đã gần tự xúc được cơm”, Nhung kể.
![]() |
Mẹ Nhung hạnh phúc khi được chồng con tổ chức sinh nhật tuổi 39. |
Biến cố xảy ra giúp cô gái Vĩnh Phúc hiểu hơn về tình thân và tình làng nghĩa xóm. Cô cảm nhận được tình yêu bố dành cho mẹ và sự biết ơn của mình dành cho đấng sinh thành.
“Họ hàng, hàng xóm láng giềng sang nhà tôi hỏi thăm, động viên rất nhiều. Bố tôi có một cuốn sổ ghi lại từng số tiền mà mọi người sang thăm hỏi mẹ”, Nhung chia sẻ.
Có những tình yêu không cần nói thành lời, nhưng vẫn luôn hiện diện, dịu dàng và vĩnh cửu. Trong Triệu lá thư gửi mẹ, mỗi trang sách là một phong thư nhỏ, chứa đựng lời nhắn gửi chân thành và sâu sắc để dành tặng những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta.