Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo '115'

Nhà có người trọng bệnh hay bị sốt, chó cắn, bà con vùng cao đều nhờ cô giáo Lê Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Cô Thanh được mọi người gọi là cô giáo “115” bởi những lần “đuổi bệnh” thần tốc, kịp thời, không ngại đường sá núi non hiểm trở…

Thêm một 'Thiện Nhân' được cứu chữa

Phòng 308 khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng hôm nào cũng tấp nập người vào ra nựng bé 8 tháng tuổi suýt mất... bộ phận sinh dục. Hai mẹ con bé, chị Hồ Thị Hanh (người Mơ Nông, trú thôn 3, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) và Hồ Văn Cơ (8 tháng tuổi), nửa hiểu chuyện nửa không nhưng cứ cười nắc nẻ khi bị mọi người trêu: “Chậm chút nữa là “chim cu” gãy cánh rồi đó nghe!”.

Trong một lần tình cờ, cô giáo Thanh gặp chị Hanh trên đường đưa con đi chữa bệnh. Thấy bé Cơ khỏe mạnh, kháu khỉnh, cô tò mò không biết bệnh gì, chị Hanh mới cởi quần bé ra chỉ vào bộ phận sinh dục đã lở loét, mưng mủ có nguy cơ hoại tử. “Bị chó cắn!”, chị Hanh đáp gọn tưng.

co giao dac biet anh 1
Nhờ cô Lê Thị Hồng Thanh, bé Hồ Văn Cơ (8 tháng tuổi) được chữa lành bộ phận sinh dục bị chó cắn có nguy cơ hoại tử. Ảnh: Thanh Trần/Tiền Phong.

Cách đó vài hôm, chị đóng cửa để ba đứa con nhỏ trong nhà lên rẫy làm, không ngờ bé Cơ đi vệ sinh trong quần, chó nghe mùi chạy tới ăn, rồi cắn luôn vào bộ phận sinh dục của bé. Lúc về, chị thấy con nằm ngất lịm bên con chó, trong vũng máu lênh láng giữa nhà.

“Tôi hỏi qua thì chị nói đã đưa xuống viện điều trị, nhưng chắc khi bác sĩ cho về, chị không cẩn thận vệ sinh cho cháu mới dẫn tới lở loét, hoại tử như vậy”,  cô Thanh kể.

Lo bé có nguy cơ mất bộ phận sinh dục, cô chụp ảnh hai mẹ con, đăng bài lên trang cá nhân kêu gọi các mạnh thường quân chung tay giúp bé. Đến sáng hôm sau, cùng với số tiền hỗ trợ không nhiều, cô tức tốc lên đường đưa mẹ con chị Hanh xuống Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Tại đây, các bác sĩ ghi nhận tình trạng bé Cơ nếu không nhập viện kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới bộ phận sinh dục về sau.

Lúc nhập viện, bé Cơ lại không có bất kỳ loại bảo hiểm nào. Sợ gia đình kham không nổi phí điều trị mà bỏ cuộc, cô Thanh gạt mồ hôi tức tốc đón xe ngược lên núi để lo giấy tờ cho Cơ.

“Đến nhà lúc 12h đêm, tôi chỉ trông trời sáng để đi làm thủ tục xin bảo hiểm cho cháu. Xin được, tôi ra bưu điện gởi lên liền, để chậm ngày nào là tiền chạy chữa nhiều thêm ngày ấy”, cô nói.

Chạy đôn chạy đáo với mẹ con “Thiện Nhân” trên viện, cô Thanh còn phải thay chị Hanh chăm sóc hai đứa con ở nhà vì chị sống cảnh không chồng.

co giao dac biet anh 2
Cô giáo “115” thường xuyên xắn quần xẻ rừng, lội suối đưa người bệnh xuống núi chữa trị. Ảnh: NVCC.

 

Sau một thời gian được các bác sĩ điều trị tận tình, bộ phận sinh dục của bé Cơ đã được nối lại lành lặn. Bé khỏe mạnh trườn bò lăn lóc đủ kiểu trên giường.

Lần xuống thăm, thấy chị Hanh không thạo việc vệ sinh cho bé, cô Thanh tự tay làm mẫu cách tắm rửa, thay quần áo cho Cơ rồi bắt mẹ học theo. Cô còn kiểm tra cả túi áo quần, thức ăn của hai mẹ con, dặn dò chị giữ ấm cho Cơ khi trời trở lạnh. 

Xé rừng đưa dân nhập viện

Bốn năm trước, cô được phân công về làm hiệu trưởng trường Mẫu giáo Trà Nam, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Nông, Xê Đăng sinh sống.

Cuộc sống cùng cực muôn đời của bà con không ám ảnh cô bằng bệnh tật mà họ phải gánh chịu, nhất là những em bé vì gia cảnh quá éo le đành phải đầu hàng trước nỗi đau thể xác.

Cô dặn dò đồng nghiệp ở các điểm trường thôn, gặp những trường hợp ốm đau thì hãy báo về, để cô kêu gọi mọi người cùng góp sức cưu mang.

Mới đây, em Hồ Văn Gương (15 tuổi, người Xơ Đăng, trú thôn 5, xã Trà Nam) vừa được cô khăn gói đưa ra Đà Nẵng chạy chữa sau nhiều năm bất lực với cái “gáo dừa” trên lưng.

Học hết lớp 5, lưng Gương “mọc” lên một khối u và ngày càng phình to khiến em không thể đứng thẳng người. Chỉ cựa quậy là máu mủ từ khối u đó trào ra.

“Nghe qua đã biết không ổn nên tui liên hệ khuyên gia đình hãy đưa cháu ra khỏi thôn, cùng tôi xuống Đà Nẵng điều trị. Họ nhất quyết không đi vì sợ… không có cái ăn”, cô nhớ lại.

Tinh mơ sáng hôm sau, cô chạy xe hơn một tiếng đồng hồ, vượt đường núi hiểm trở xé rừng lội bộ thêm ba tiếng nữa mới vào được nóc. Trước mắt là cậu bé 15 tuổi chỉ nặng hơn chục cân ì ạch cõng khối u bằng cái gáo dừa khiến cô không cầm được nước mắt.

Hết lời năn nỉ gia đình đưa cháu xuống núi không được, cô phải “dụ” bằng cách móc tiền túi ra biếu vài trăm ngàn, rồi hứa toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống đã có các nhà hảo tâm lo.

Hai vợ chồng cô cùng bố con Gương lội ra khỏi thôn xuống Đà Nẵng từ trưa, không thạo đường, đến nhá nhem tối mới có mặt tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Đưa Gương vào phòng cấp cứu, cô thay bố em khai báo bệnh tình cho bác sĩ rồi lại lật đật dẫn Gương đi làm các xét nghiệm.

Đợi đến sáng hôm sau, khi bệnh viện xác định được bệnh tình và lên phác đồ điều trị cho Gương cô mới an tâm đi về.

Ông Hồ Văn Dõi, bố Gương, bùi ngùi: “Mình không biết gì ở phố, toàn cô Thanh đứng ra lo liệu. Không có cô thì con mình chắc cũng sống với khối u suốt đời thôi”.

Hỏi cô Thanh có nhớ mình đã giúp được bao nhiêu trường hợp không, cô lắc đầu: “Làm sao nhớ hết. Cứ nghe thông tin ở đâu có người bệnh là tôi chạy thôi. Phải tới nơi để xem tình hình và chụp ảnh kêu gọi hỗ trợ, phòng khi cấp bách thì đưa xuống viện ngay. Đó là chưa kể bà con có bệnh tự tìm tới nhờ tôi đưa đi chữa”.

Nhờ cô giáo “115”, nhiều em nhỏ thoát khỏi bệnh tật đeo bám dai dẳng. Thương Thư (lớp 3, trường Tiểu học Trà Nam), Quốc Cửu (thôn 3, xã Trà Nam), Lâm Triều (thôn 3, xã Trà Don) được xuống núi chữa bệnh tim, Hồ Thị Ái Khanh (thôn 2, xã Trà Nam) được khám chữa về tình trạng lõm lồng ngực…

co giao dac biet anh 3
Cô Hồng Thanh (trái) trong lần đưa Hồ Văn Gương, cậu bé bị khối u trên lưng hành hạ nhiều năm trời, xuống Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chữa trị. Ảnh: Tiền Phong.

 

Miệt mài băng suối xẻ rừng giúp bà con vùng cao, cô cũng gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười. Bi hài nhất là lần bố của cháu Lâm Triều bắt đền vì đi chữa bệnh mà không có cơm ăn như cô hứa. 

Lần ấy, một số mạnh thường quân qua kêu gọi của cô đã đến bệnh viện hỗ trợ chi phí ăn uống cho hai bố con. Nhưng vì không biết chi tiêu, bố Triều mang tiền mua thức ăn và vật dụng hết sạch.

Qua ngày sau không còn tiền mua cơm, anh điện thoại về bắt đền, trách cô Thanh nói dối. Một số bà con cứ xuống viện được nửa đường là đòi về vì sợ nhiều xe, sợ thả rẫy lâu ngày cây chết hết. 

“Mình đã giúp thì giúp cho trót, phải lo từng chuyến xe, miếng cháo để họ tới được bệnh viện chữa dứt bệnh. Thấy họ mạnh khỏe trở về là mình có thêm động lực để tìm đến những hoàn cảnh éo le khác”, cô tâm sự.

Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND xã Trà Nam cho hay nhờ có cô giáo Thanh, rất nhiều trẻ em mang bệnh hiểm nghèo, khuyết tật trên địa bàn được đưa đi điều trị dứt điểm.

Cô còn kết nối các tổ chức xã hội, mạnh thường quân xin áo ấm, chăn mền, sữa… cho các em. Nhiều điểm trường được lát gạch men, tráng sân cũng nhờ vào sự vận động của cô.

Vật bất ly thân

Trong túi của chị Hồ Thị Hanh, anh Hồ Văn Dỗi hay bất kỳ bệnh nhân nào được cô giáo “115” đưa tới bệnh viện cũng có một mẩu giấy được giữ như vật bấy ly thân. Đó là mẩu giấy ghi số điện thoại của cô Hồng Thanh.

Chị Trần Cao Thanh Bình (Phòng Hành chính, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) kể rằng khi hỏi những bệnh nhân này có người nhà không, thì họ đều đưa số điện thoại của cô Thanh ra và nhờ bệnh viện gọi vào đấy. Làm bất cứ thủ tục, xét nghiệm nào họ cũng điện thoại về hỏi ý kiến cô Thanh.

“Chưa từng thấy ai hết lòng hết sức với người bệnh khó khăn như cô Thanh. Dù không phải lương y, với họ, cô còn hơn cả mẹ hiền”, chị Bình cảm kích.

'Cô thương các con lắm nhưng cũng bất lực'

Hàng ngày, nhiều học sinh ở xã An Lương (Yên Bái) vượt hiểm nguy, trèo đèo lội suối đến trường, cố gắng đi học dù cuộc sống khó khăn thiếu thốn.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/co-giao-115-1084413.tpo

Theo Thanh Trần / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm