Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cô thương các con lắm nhưng cũng bất lực'

Hàng ngày, nhiều học sinh ở xã An Lương (Yên Bái) vượt hiểm nguy, trèo đèo lội suối đến trường, cố gắng đi học dù cuộc sống khó khăn thiếu thốn.

Mới đây, lời kêu gọi "Cô thương các con lắm nhưng cũng bất lực" của cô Mừng, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS An Lương ở huyện Văn Chấn, Yên Bái, gửi tới một nhóm thiện nguyện khiến không ít người nghẹn lòng.

"Những học sinh nhà ở tận bản cao, đến trường đã là một nỗ lực lớn của gia đình và bản thân rồi. Giờ ngồi học mà không có sách, em sợ các con không theo nổi cái chữ mất", cô Mừng viết.

Trường THCS An Lương có 320 học sinh thì gần 250 em thuộc diện hộ nghèo. Nhà trường phải thường xuyên đến từng thôn, bản vận động học sinh đi học và hỗ trợ bằng cách cho các em mượn sách. Tuy nhiên, phần lớn sách đều được cấp hoặc nhận từ các tổ chức thiện nguyện từ năm 2007 nên đã cũ, hỏng.

Thầy cô phải vận động người dân mua sách cho con. Nhưng nhiều gia đình còn không lo nổi ăn, mặc, gửi con đến trường đã là nỗ lực lớn, lấy đâu ra tiền mua sách vở.

Em Mùa A Củ sinh ra trong gia đình người Mông nghèo thông Khe Cảnh. 9 năm đến trường, Củ phải vượt khó khăn, nguy hiểm để tìm cái chữ. Tài sản đáng giá của gia đình vùng cao có 5 anh chị em này chỉ là mái nhà tranh vách nứa lụp xụp, hai tấm phản làm giường cùng vài ba cái nồi. Cha mẹ em phải nỗ lực rất nhiều để con có thể đi học.

Nhà trường muốn Củ ở bán trú để bớt vất vả nhưng em từ chối vì muốn ở nhà hỗ trợ bố mẹ chăm em, làm công việc đồng áng.

hoc sinh vung cao anh 1
Đường đến trường cheo leo của học sinh trường THCS An Lương. Ảnh: Nghiêm Anh Hải.

Em Lò Trí Thức, học sinh lớp 6, cũng khó khăn không kém khi cả gia đình sinh sống trong ngôi nhà gỗ tự dựng liêu xiêu, cuộc sống phụ thuộc vào nguồn thu nhập ít ỏi từ vài sào ruộng.

Ngoài giờ học, các em đều chăm chỉ, phụ giúp gia đình từ việc chăm sóc em, làm công việc đồng áng hay làm thuê để kiếm ít tiền mua sách vở. Nhiều em khó khăn, thuộc diện ở bán trú nhưng vẫn chịu khó đi về mỗi ngày để làm việc, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ. Cuộc sống dù khó khăn đến mấy, trẻ em nghèo vùng cao vẫn khao khát đến trường, học thêm kiến thức với hy vọng tương lai bớt vất vả.

Tuy nhiên, ước mơ đến trường của Củ và Thức cũng như một số học sinh trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS An Lương sắp tắt khi năm học mới đã bắt đầu một tuần mà các em vẫn chưa có sách giáo khoa.

Nhiều giáo viên thương học trò, tìm cách giúp đỡ nhưng chỉ như muối bỏ biển vì nhiều em có hoàn cảnh khó khăn quá. Thầy Đinh Văn Lập, Hiệu trưởng trường THCS An Lương, kể hàng tuần, các em phải đi bộ khoảng 7 km - 10 km, thậm chí 15 km, vượt qua những đoạn đường đèo cheo leo, lầy lội. Vào mùa nước lên, con suối Thia rộng tầm 100 m trở thành ác mộng của học sinh trường THCS An Lương.

“Ngày mưa gió, các em đi học bằng mảng, men theo sợi dây không mấy chắc chắn để sang bờ bên kia. Những thiếu niên 12, 13 tuổi đối mặt nguy cơ bị dòng nước xiết cuốn trôi nếu chẳng may dây đứt. Học sinh vắng học nhiều, nhà trường cũng không dám vận động các em đến trường vì tính mạng phải được đặt lên hàng đầu”, thầy Lập chia sẻ.

Học sinh bán trú đỡ vất vả hơn nhưng các em cũng phải sống trong căn nhà dựng tạm. 

Thầy cho biết thêm, trường được xây từ năm 2005, có 6 phòng học kiên cố nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu học tập và giảng dạy. Giáo viên phải dựng lớp học tạm, mượn bàn ghế từ ủy ban nhân dân xã và các hộ dân xung quanh.

Mấy năm qua, thầy trò trường An Lương cùng hỗ trợ, động viên nhau vượt qua khó khăn. Nhìn các em đến trường với chỉ vài bộ quần áo, đông cũng như hè, giáo viên không khỏi chạnh lòng.

Gia đình khó khăn, đường đến trường nguy hiểm khiến việc học của học sinh bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập. Tuy nhiên, dù hành trình tìm chữ gian nan, khoảng 45% - 75% học sinh tiếp tục học lên.

“Phần lớn học sinh trường là người dân tộc Mông, Dao và Tày. Các em rất hòa thuận và hiếu học. Tôi cũng không mong gì nhiều, chỉ hy vọng mọi người giúp đỡ để các em có sách giáo khoa tiếp tục học tập”, vị hiệu trưởng nói.

Thầy chia sẻ thêm, những đóng góp của các nhà hảo tâm còn là lời an ủi, động viên trẻ em vùng cao tiếp tục cố gắng, để các em không cảm thấy bị bỏ quên hay đơn độc trên hành trình tìm chữ.

Trẻ em An Lương vượt suối bằng mảng Mùa mưa bão, học sinh trường THCS An Lương vượt suối Thia bằng mảng để đến trường.

Chị 14 tuổi cấy lúa nuôi hai em mồ côi ăn học

Mẹ bỏ đi nhiều năm, bố vừa mất vì nghiện rượu khiến ba chị em Hà Thị Phấn (14 tuổi) không nơi nượng tựa. Các em phải tự cấy lúa, ai thuê gì làm nấy để nuôi nhau ăn học.

 


Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm