Sáng 8/11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo (giai đoạn 2007-2017).
Ban tổ chức cũng đánh giá một năm triển khai phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017 và trao giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.
Cô Phan Hồng Anh, 27 tuổi, thạc sĩ Toán học, Bí thư Đoàn giáo viên trường THPT chuyên Hà - Nội Amsterdam, là một trong những những giáo viên được vinh danh.
Làm bạn với học trò
Cô giáo chủ nhiệm Hồng Anh được đánh giá cao vì đã đổi mới các tiết sinh hoạt lớp thông qua hoạt động giáo dục cho phù hợp mục tiêu chuyển từ trang bị kiến thức sang kỹ năng.
Năm học 2016-2017, nữ giáo viên 9X đã hệ thống và hoàn thiện chuyên đề: “Nâng cao chất lượng trong buổi sinh hoạt lớp bằng các giải pháp tổ chức hoạt động giáo dục tích cực hóa học sinh”.
Chuyên đề này giúp cô Hồng Anh gây ấn tượng về chuyên môn, đạt danh hiệu “Cô giáo tài năng, duyên dáng” cấp toàn quốc, nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT.
Cô Hồng Anh nhận bằng khen của ngành giáo dục thủ đô về nhà giáo sáng tạo, tâm huyết. Ảnh: Quyên Quyên. |
Cô giáo sinh năm 1991 kể trong tiết sinh hoạt, ngoài các phần như sơ kết tuần, nhận xét, tuyên dương, phê bình, cô tổ chức các buổi ngoại khóa trong và ngoài lớp theo chủ đề hàng tuần.
Mới đây, trong buổi ngoại khóa về áo dài, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam thời hội nhập, Hồng Anh cho học sinh tìm hiểu về lịch sử, dựng clip áo dài trong lòng bạn bè quốc tế, ở học đường, và cuối cùng là tranh luận và phản biện.
Cô giáo trẻ bày tỏ khi mới thực hiện ý tưởng, cô suy nghĩ nhiều và lo lắng học sinh không hào hứng. Nhưng sau đó, các em đều rất vui, một số bạn mắc lỗi, nếu trước kia chỉ sợ cô phê bình trong tiết sinh hoạt, giờ đã hòa đồng và yêu thích các hoạt động hơn.
Cô giáo 9X tâm sự thế hệ học sinh hôm nay có cái tôi cao và luôn mong muốn được giáo viên tôn trọng. Nhận thấy đó là nhu cầu chính đáng, cô giáo trẻ thường lắng nghe học sinh trong mọi vấn đề. Từ đó, khó khăn của mỗi thành viên trong lớp đều được đưa ra để các bạn lắng nghe, giúp đỡ.
Đặc biệt, đầu mỗi năm học, các em được lựa chọn luật lệ về cách tính điểm, xét hạnh kiểm, từ đó tự theo dõi chính mình và bạn bè.
Nữ giáo viên 9X cho rằng, nếu các em yêu quý cô, sẽ luôn lắng nghe. Ảnh: NVCC. |
Cô giáo chủ nhiệm này kể thời đi học cách đây 10 năm, khoảng cách giữa giáo viên và học sinh xa hơn, một phần do hoàn cảnh chung, phần khác là học trò ngày đó rụt rè. Thế hệ học sinh bây giờ chủ động và sáng tạo, mong muốn được lắng nghe, chia sẻ cùng thầy cô không chỉ ở học tập mà còn trong cuộc sống, tình bạn, tình yêu.
Sự kết nối qua Facebook, Zalo cũng mang cô trò đến gần nhau hơn. Nhiều học sinh có thể nhắn tin hỏi bài, tâm sự, xin ý kiến cô ngoài thời gian trên lớp.
"Mình không chủ trương để học sinh phải sợ hay thể hiện bản thân là người độc tài. Nếu học sinh yêu quý cô, các em sẽ nghiêm túc lắng nghe. Mình sẵn sàng thử các phương pháp khác nhau để hiểu các em, tự đặt địa vị mình lúc là cô giáo, khi là mẹ, chị, bạn”, Hồng Anh nói.
Cô tự nhủ giáo viên chủ nhiệm luôn cần có cái nhìn nhiều chiều, giữ khoảng cách nhất định với học sinh, không để các em thể hiện sự yêu mến hay hành động quá đà.
Cô giáo đa tài
Giáo viên 9X cho biết làm việc trong ngành sư phạm là ước mơ từ nhỏ. Thời trẻ, Hồng Anh nhận thấy cô giáo là người quan trọng nhất với mình. Sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên, Hồng Anh càng được vun đắp ước mơ này.
Cô giáo 9X được nhiều học sinh yêu mến. Ảnh: NVCC. |
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ĐH Sư phạm Hà Nội, 9X được trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trao cho cơ hội quay trở lại giảng dạy ở mái trường đã học thời phổ thông.
Tháng 3 vừa qua, Hồng Anh đoạt giải đặc biệt cuộc thi "Cô giáo tài năng, duyên dáng toàn quốc" năm 2017. Tham gia cuộc thi, cô giáo trẻ thể hiện năng khiếu múa.
Thời đi học, nữ giáo viên từng giành giải á khôi cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Hà Nội (Imiss Thăng Long 2010). Hồng Anh từng 12 năm liền đoạt học sinh giỏi, đoạt giải khuyến khích cuộc thi Olympic Hóa năm lớp 11, là đồng thủ khoa đầu vào của lớp tài năng Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2008. Cô giáo trẻ vào Đại học Sư phạm Hà Nội đạt 9,5 điểm môn Toán.