Hành vi phản giáo dục
Nhiều ngày qua, dư luận bất bình trước thông tin cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh “ép” 7 học sinh của mình phải súc miệng bằng nước xà phòng trong giờ sinh hoạt lớp. Ngay sau khi nhận được đơn phản ánh của phụ huynh học sinh, Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô đã có công văn chỉ đạo lãnh đạo Trường THCS Nhân Đạo vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Lúc 14h30 ngày 7/10, một cuộc họp giữa lãnh đạo nhà trường, cô giáo Hạnh và phụ huynh các em học sinh liên quan (gồm bà Trần Thị Toàn, bà Lê Thị Hoa, ông Đỗ Văn Hương, ông Khổng Văn Sáu, bà Nguyễn Thị Lan, ông Trần Văn Khê, bà Nguyễn Thị Thuộc) đã diễn ra tại Phòng hội đồng Trường THCS Nhân Đạo. Chủ trì cuộc họp trên là ông Đỗ Văn Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường.
Trình bày tại buổi làm việc, cô giáo Hạnh cho biết, vào giờ sinh hoạt cuối tuần (thứ bảy, ngày 3/10), thực hiện theo quy định của lớp, những học sinh vi phạm nội quy nhiều lần phải súc miệng bằng nước xà phòng.
Trường THCS Nhân Đạo nơi xảy ra vụ việc cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước xà phòng. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội. |
Theo cô Hạnh, đây là lần đầu tiên các học sinh thực hiện hình thức xử phạt trên. Hiện, cô Hạnh cảm thấy vô cùng hối hận trước việc làm của mình.
Sau khi nghe cô Hạnh trình bày, nhận lỗi và hứa sẽ khắc phục, sửa chữa, các vị phụ huynh đều đi đến thống nhất sẽ tha thứ cho hành vi của cô Hạnh và yêu cầu nữ giáo viên này không bao giờ được tái phạm hành động tương tự.
Trả lời PV về vụ việc này, ông Đỗ Văn Mỹ cho biết: Hành vi của cô Lê Thị Mỹ Hạnh thực chất chỉ là để “dọa” học sinh, chứ không có ác ý gì.
Lý giải về nội quy kỳ lạ của lớp 6C do cô Hạnh tự ý đề ra, ông Mỹ nói: “Lớp 6C có nhiều học sinh cá biệt, thường xuyên vi phạm nội quy nhà trường, có lẽ đó là lý do mà cô Hạnh đề ra nội quy trên”.
Về phía Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô, ông Vũ Kim Sơn, quyền Trưởng phòng cho biết: Hành vi của cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh không mang tính giáo dục, xúc phạm nhân phẩm học trò. Lãnh đạo phòng đã mời cô Hạnh đến viết bản tường trình, đồng thời yêu cầu đến từng nhà học sinh xin lỗi.
Nói về hành vi của cô Hạnh, ông Sơn cho rằng: “Cô giáo này tuổi nghề còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, hành động chỉ mang tính bộc phát, chứ không hề có ác ý với học sinh. Quan điểm của Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô đối với vụ việc trên là xử lý nghiêm, không dung túng”.
Biên bản làm việc giữa nhà trường và phía các bậc phụ huynh. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội. |
Chờ kết luận từ cơ quan chức năng
Liên quan câu chuyện trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo. Ông Lương cho hay: Hiện Trường THCS Nhân Đạo chưa có văn bản chính thức gửi tới chính quyền sở tại về vụ việc.
“Ngay khi nhận được thông tin, tôi có hỏi thì được ông Đỗ Văn Mỹ báo cáo qua. Dù bất cứ lý do gì thì việc làm của cô Hạnh là vô cùng đáng tiếc xảy ra trên địa bàn xã. Từ xưa tới nay, tại địa phương chưa hề xảy ra chuyện tương tự”, ông Lương nói.
Ngay sau khi vụ việc 7 học sinh bị phạt súc miệng bằng xà phòng bị phát giác, vài ngày sau, UBND xã Nhân Đạo tiếp tục nhận được phản ánh của một học sinh cũng đang theo học tại lớp 6C, tố cáo cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh từng “ép” em này súc miệng bằng xà phòng.
Hiện, chính quyền UBND xã Nhân Đạo đang kết nối với nhà trường và các cơ quan chức năng để xác minh, xử lý các trường hợp trên.
Hành vi của cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh khiến dư luận vô cùng bức xúc. Một người dân địa phương (xin giấu tên) bày tỏ quan điểm: Việc làm của giáo viên này vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo, làm ảnh hưởng tới sự phát triển chung của ngành giáo dục. Mặt khác, việc làm phản cảm trên lại được cô giáo thực hiện trước mặt nhiều học sinh khác. Việc này có thể sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý của các em về sau. Mong rằng, các cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm khắc vụ việc này nhằm lấy lại lòng tin từ các bậc phụ huynh.
Bàn về câu chuyện này, chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty An Việt Sơn bày tỏ quan điểm: “Trước hết phải khẳng định, hành vi của cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh là phản giáo dục hoàn toàn. Có lẽ khi thực hiện hành vi này, cô Hạnh bị rơi vào trạng thái ức chế về mặt tâm lý do những học sinh trên thường xuyên vi phạm nội quy của trường. Nhưng không thể lấy điều đó để lấp liếm đi hành vi sai phạm.
Khi bắt học sinh súc miệng bằng xà phòng ngay trước mặt đám đông, có lẽ cô Hạnh không lường trước được những hậu quả mà nó gây ra. Việc làm đó khiến bản thân những học sinh bị xử phạt có thể rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn. Các em sẽ cảm thấy mình bị ghét bỏ, ghẻ lạnh, mặc cảm về sự kỳ thị với phần còn lại.
Đặc biệt, ở độ tuổi còn nhỏ như học sinh lớp 6 thì sự ảnh hưởng càng lớn hơn. Đáng lẽ trong trường hợp trên, giáo viên nên bàn bạc với lãnh đạo nhà trường, cùng các bậc phụ huynh để có thể đưa ra được những biện pháp xử lý đúng đắn nhất”.