Sau khi bắt học sinh tát bạn 231 cái, khiến nam sinh lớp 6 phải nhập viện, cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên trường THCS Duy Ninh, Quảng Bình, đã nhận lỗi. Nữ giáo viên thừa nhận học sinh nói tục, lớp sẽ bị trừ điểm thi đua rất nặng. Để không ảnh hưởng thành tích, cô đặt ra quy định học sinh vi phạm sẽ bị mỗi bạn tát 10 cái. Bạn nào không tát hoặc tát nhẹ sẽ bị phạt ngược lại.
Cũng giống như nhiều người khác, TS Phạm Thị Kim Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội, rất bất bình với cách xử phạt phản sư phạm, mang tính bạo lực của cô Thủy. Không có lý do nào có thể biện minh cho sai lầm đó. Nữ tiến sĩ cho rằng một trong những nguyên của vấn đề này là sức ép của bệnh thành tích trong giáo dục.
TS Phạm Thị Kim Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng bệnh thành tích trong giáo dục khiến "thầy không ra thầy, trò không ra trò". Ảnh: Q.Q. |
Trường ép xuống, dưới ép lên, xã hội ép vào
- Có ý kiến cho rằng câu chuyện cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái cũng là cái tát vào căn bệnh thành tích của ngành giáo dục. Quan điểm của bà thế nào?
- Những cái tát kia như giọt nước tràn ly, phơi bày bệnh thành tích ảo, phản giáo dục. Có thể nói, bệnh thành tích trong ngành đã khiến “thầy không ra thầy, trò không ra trò”.
Bệnh thành tích trong giáo dục là nguyên nhân dẫn đến thầy không ra thầy, trò không ra trò. Thậm chí, thầy phải đồng lõa với cái xấu trong nghề.
TS Phạm Thị Kim Anh
Căn bệnh này hiện là nỗi sợ và ám ảnh với đại đa số giáo viên, ai không chạy theo sẽ bị coi là cá biệt, chống đối. Trường ép xuống, dưới ép lên, xã hội ép vào. Cả hệ thống giáo dục như một trường đua mà đích đến là đủ danh hiệu cá nhân, tập thể.
Trở lại câu chuyện giáo viên cho học sinh tát bạn, tôi cho rằng cô Thủy không chỉ thiếu kỹ năng quản lý lớp học, mà còn rất phản sư phạm trong xử phạt học sinh. Cũng cần nói thêm giáo viên hiện nay đứng trước nỗi khổ là bị tước hết công cụ giáo dục học sinh, không được đánh mắng, xúc phạm trò bằng mọi hình thức.
Vì vậy, cô giáo ở Quảng Bình đã "mượn tay" học trò làm công cụ xử phạt nhằm tránh vi phạm. Đây là hậu quả của những quy định mà ngành giáo dục đã "đẻ" ra nó.
Trách phạt là một nguyên tắc, biện pháp để giáo dục học sinh hư. Việc cho các em nếm trải “đòn roi” để tiến bộ, cha ông ta từng làm. “Thương cho roi vọt”, vì thế, nhiều học trò hư đã nên người.
Những cái roi đó là biểu hiện của tình thương, trách nhiệm trong dạy dỗ học trò. Ngay cả một số nước có nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, việc sử dụng thước theo quy định của ngành để xử phạt học sinh vẫn còn tồn tại.
- Bệnh thành tích này đến từ đâu, thưa bà?
- Gốc rễ của bệnh thành tích là sự háo danh trong giáo dục. Cấp trường đến huyện, sở đều muốn đạt chỉ tiêu thành tích, được khen ngợi, khẳng định tên tuổi, thương hiệu… nên đã ép giáo viên chạy theo các chỉ tiêu thi đua.
Nếu ngành giáo dục các cấp không đặt ra quá nhiều chỉ tiêu thi đua đến mức phi thực tế, nếu biết khơi dậy lương tâm, trách nhiệm và động lực cho giáo viên dạy tốt, học tốt, mọi áp lực không đổ lên vai người dạy. Thầy cô cũng không bị nhảy vào “chảo lửa” và không có những chuyện đau lòng xảy ra như vừa rồi.
Phải thay đổi cách quản lý kiểu thi đua khen thưởng
Giải trình về hành động của mình, cô Nguyễn Thị Phương Thủy nhận sai và cho biết nhận chủ nhiệm lớp 6.2 từ đầu năm học. Lớp không có thành tích tốt về cả học tập lẫn thi đua.
“Lớp có 27 học sinh nhưng chỉ có một học sinh học lực khá, trong khi điểm thi đua toàn trường thường đứng cuối bảng... Tôi chỉ muốn có hình thức răn đe các em. Việc làm này là sai, cũng do tôi nóng giận và một phần vì áp lực thi đua”, cô Thủy trần tình.
- Đội sao đỏ rất cần thiết trong các hoạt động của học sinh. Tuy nhiên, hoạt động của Sao Đỏ trong các trường phổ thông hiện nay hoạt động chưa hiệu quả, đôi khi chỉ mang tính hình thức.
Giáo viên cần phải biết phát huy thế mạnh, chức năng của nó để duy trì nền nếp, chứ không nên coi nó như một tổ chức để duy trì kỷ luật lớp học cho họ.
- Bà có kỳ vọng về sự thay đổi bệnh thành tích trong giáo dục thời gian sắp tới không?
- Bộ trưởng GD&ĐT đã thừa nhận bệnh thành tích của giáo dục trong thời gian qua đã làm cho ngành xảy ra nhiều chuyện đáng buồn, kéo theo hệ lụy.
Bộ trưởng đang có những chỉ đạo để giảm bớt căn bệnh thành tích. Tuy nhiên, làm được điều này phải là cả hệ thống và đổi mới tư duy, hành động. Đặc biệt, phải thay đổi cách quản lý kiểu thi đua khen thưởng.
Tại hội thảo về "Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên Việt Nam hiện nay" diễn ra dịp 20/11 vừa qua, cô Dương Thị Phương Thảo, trường THCS Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội, cho hay cô và đồng nghiệp đã trải qua nhiều áp lực trong nghề giáo. Trong đó, áp lực đầu tiên đến từ các cuộc thi giáo viên. Mỗi lần thi, họ thường nói vui với nhau là “chuẩn bị lên thớt”.
Cũng tại hội thảo này, TS Phạm Thị Kim Anh dẫn nghiên cứu của Nguyễn Trọng Bình, Vũ Trọng Rỹ về “Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông”, đưa ra con số đáng suy ngẫm: “Ít nhất một nửa giáo viên hiện nay không muốn làm nghề dạy học. Họ hối hận vì chọn nghề giáo".
Trong nghiên cứu mới đây của TS Kim Anh và đồng nghiệp, khi điều tra sinh viên sư phạm sau khi thực tập tại trường THPT, hơn 50% muốn đổi nghề nếu có cơ hội. Lý do chung của các em là giáo viên nhiều áp lực, cánh cửa vào nghề quá chật hẹp, vất vả và tốn kém.
TS Kim Anh nói áp lực đổ lên vai giáo viên với các cuộc thi ngày càng “bội thực” khiến họ “phát điên rồ”. Không những thế, họ còn phải hướng dẫn học sinh tham gia những cuộc thi mang tính “núp bóng học trò” như giải Toán tiếng Anh trên mạng, giao thông thông minh, ý tưởng trẻ thơ...