Cô Tỉnh đã không kìm nổi sự xúc động và những giọt nước mắt trong phần chia sẻ của mình. Ảnh: VietNamNet. |
Chương trình Tết sum vầy - Gặp mặt giáo viên và học sinh là vợ, là con chiến sĩ đang công tác tại biên giới, hải đảo do Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 25/1, nhằm động viên người lao động và học sinh nhân dịp Tết đến và cũng để tri ân những cống hiến của các chiến sĩ đang công tác tại biển đảo.
Trong phần chia sẻ, cô Tỉnh cho hay bản thân hiểu rằng cô gái nào cũng vậy, khi đã chấp nhận yêu và đồng ý làm dâu nhà lính, đều hình dung được về cuộc sống sẽ thiếu vắng chồng thường ngày.
“Khi quyết định về chung một nhà với anh, tôi biết sẽ có những ngày xa cách. Nhưng bởi tình yêu màu áo lính, tôi nguyện lòng trở thành hậu phương vững chắc để mong anh yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ”, cô Tỉnh chia sẻ.
Thế nhưng, đến khi trở thành người vợ, cô mới thấu hết những nỗi vất vả khi làm vợ người lính.
“Vẫn biết rằng là vợ người lính thời bình thì nỗi vất vả chẳng thấm vào đâu so với những người vợ thời chiến nhưng trong thâm tâm vẫn gờn gợn một suy nghĩ rằng, thời chiến buộc lòng vợ lính phải xa chồng là một lẽ đương nhiên, còn trong thời bình người vợ nào cũng muốn có chồng ở bên cạnh để là trụ cột gia đình. Vậy mà rất hiếm có người vợ nào được toại nguyện ước mong bình dị đó”, cô Tỉnh cho hay.
Từ những ngày mang thai đến ngày vượt cạn, cô Tỉnh nhờ sự hỗ trợ, chăm sóc của gia đình hai bên bởi chồng cô phải ở lại đơn vị làm tròn nhiệm vụ được giao. Những lúc ốm đau, cô Tỉnh cũng vượt qua sự tủi thân để tự mình vượt qua.
“Những lúc con đau ốm, mình tôi cũng phải đưa con đi khám, chăm sóc. Tôi tưởng không vượt qua được. Nhưng nhờ những cuộc điện thoại của chồng quan tâm, động viên và tin báo bình an, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đã xua đi những ngậm ngùi trong tôi.
Những ngày nghỉ phép ngắn ngày, như để chuộc lỗi vắng nhà trong những lúc vợ con ốm đau, anh chăm chỉ làm hết mọi việc trong nhà, từ giặt giũ quần áo, tã lót em bé đến đi chợ, nấu cơm, đưa đón con đi học…
Nhìn những phút giây như vậy, tôi cảm thấy mình là người may mắn và hạnh phúc. Tôi lại tự hào, hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp và bà con hàng xóm khi có chồng là người lính biển đảo”, cô Tỉnh chia sẻ.
Bên cạnh sự động viên từ chồng, cô Tỉnh cũng may mắn nhận được sự giúp đỡ từ hai bên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, đặc biệt là mẹ chồng cũng là một quân nhân nên rất hiểu và thương con dâu.
“Vất vả là thế nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì được làm vợ người lính. Tôi luôn tự nhủ là hậu phương phải mạnh mẽ, sống tốt, sống đẹp để ở nơi xa, chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi hiểu rằng ở nơi xa xôi, thiêng liêng của đất nước, không phải mỗi chồng mình mà còn bao nhiêu đồng đội khác nữa. Vì vậy, như bao người vợ, người mẹ ở hậu phương, tôi sẽ luôn cố gắng bằng tất cả những gì có thể, chỉ mong chồng luôn giữ gìn sức khỏe, giữ vững tay súng để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”, cô Tỉnh chia sẻ.
Ngay trên sân khấu của buổi gặp mặt, cô Tỉnh cũng được kết nối để gửi những lời chúc đến với người chồng đang làm nhiệm vụ ở đảo xa. Ảnh: VietNamNet. |
Cô Tỉnh là một trong số 31 cán bộ giáo viên, nhân viên của ngành GD&ĐT Hà Nội là vợ chiến sĩ đang công tác ở biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Những người vợ, người mẹ xứng đáng được trân trọng và biểu dương vì luôn nỗ lực, cố gắng “giỏi việc trường, đảm việc nhà”.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành GD&ĐT Hà Nội đã hỗ trợ và tặng quà 2.202 lượt cán bộ giáo viên, nhân viên và 151 học sinh với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Trong đó, hỗ trợ 1.754 cán bộ giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; tặng quà 31 cán bộ giáo viên, nhân viên là vợ và 111 học sinh là con chiến sĩ đang công tác tại biển đảo với tổng số tiền 71 triệu đồng.
Ngày 30 và 31/1 tới, Ban Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cùng Ban Thường vụ Công đoàn ngành sẽ tổ chức 5 đoàn thăm hỏi, tặng quà trực tiếp các giáo viên mắc các bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt nhằm chia sẻ, động viên kịp thời các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.